loading...
Về mặt kinh tế, theo hãng tin AFP, các chuyên gia phân tích tiếp tục lưu ý về nguy cơ Việt Nam bị rơi vào khủng hoảng tiền tệ, nếu các nhà lãnh đạo không kịp thời đề ra những biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế Việt Nam đang bị nóng quá mức.
Nếu tỷ lệ tăng trưởng trên 8% của Việt Nam đã gây được nhiều ấn tượng trong năm 2007, thì nay kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Trong vòng một năm qua, lạm phát đã tăng đến 25%, giá cả tăng vọt, thâm hụt cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm ước tính vào khoảng 14,4 tỷ USD, so với cả năm 2007 là 12,4 tỷ USD.
Các nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán và đồng tiền bị phá giá nếu Việt Nam không có khả năng chi trả hàng nhập khẩu - như trường hợp của Thái Lan năm 1997. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo rằng có đủ dự trữ ngoại tệ để bảo đảm giá trị của Việt Nam đồng và thanh toán nhập khẩu. Nhưng nếu so sánh giá USD trên thị trường chợ đen hiện nay với giá chính thức của chính phủ ban hành thì chúng ta có thể biết được điều gì đang xảy ra. Hai công ty thẩm định tài chính quốc tế là Fitch và Moody’s đã hạ thấp triển vọng khả năng chi trả của Việt Nam.
Tuy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất từ 12 lên 14%, nhưng các nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Đại diện Tổ chức Tiền tệ Quốc tế cho rằng tỷ lệ lãi suất này cần phải cao hơn và ngân sách năm 2008 cần minh bạch hơn. Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay tín dụng và hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống còn 7%.
Theo các nhà kinh tế, Việt Nam có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tiền tệ theo kiểu Thái Lan năm 1997, vì Việt Nam có ít nợ ngắn hạn hơn. Nhưng nếu trong những tháng tới, Hà Nội không có những biện pháp cần thiết, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mất lòng tin và bắt đầu không đổ tiền vào nữa. Khi đó, đồng tiền Việt Nam có nguy cơ buộc phải phá giá để kích thích xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu. Tuy nhiên, có điều bất lợi là việc này sẽ làm cho giá cả nhu yếu phẩm tăng vọt.
Theo TTXVN
loading...