A+ A A- Kiểu đọc sách

Căng thẳng với Nga, Ukraine 'lôi' NATO vào cuộc

13:33 29/11/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Đức, điều tàu hải quân tới Biển Azov nhằm hỗ trợ Kiev trong bối cảnh căng thẳng với Moskva gia tăng sau vụ đụng độ gần đây ở Eo biển Kerch.        

Nga cáo buộc Ukraine có động cơ chính trị trong vụ đụng độ tại Biển Đen

Nga cáo buộc Ukraine có động cơ chính trị trong vụ đụng độ tại Biển Đen

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/11 cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang lợi dụng tình hình căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đen để tăng tỷ lệ ủng hộ trước thềm cuộc tổng tuyển cử Ukraine vào năm tới. 

Trả lời nhật báo Bild của Đức ngày 28/11, Tổng thống Poroshenko đã bác bỏ cáo buộc của Nga cho rằng các tàu của Ukranie đi vào vùng Biển Azov là "hành động khiêu khích". Ông hy vọng các nước trong NATO sẵn sàng bố trí các tàu hải quân tới Biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp hỗ trợ an ninh.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi Đức - nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, ngừng xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 dưới biển, vốn sẽ cho phép cung cấp trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức mà không cần qua Ukraine.   

Lâu nay Đức vẫn coi đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, do công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom đang tiến hành xây dựng, là đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Ukraine cần phải đóng vai trò trong việc cung cấp khí đốt từ Nga đến Tây Âu. 

Chú thích ảnh
Tàu hải quân Ukraine tuần tra biển Azov. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/11 liên quan đến việc gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, các quan chức Đức đánh giá việc siết chặt trừng phạt Moskva, theo yêu cầu của Mỹ và nhiều chính khách châu Âu, là "hấp tấp".   

Trong khi đó, cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nghị sĩ châu Âu Mario Borghezio cho rằng các tình huống như sự cố bắt giữ các tàu hải quân Ukraine ở Eo biển Kerch có thể được giải quyết, với sự giúp đỡ của trung gian hòa giải châu Âu độc lập, nhưng các chính sách của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị chia rẽ và thiếu lợi ích chung để cùng hành động giải quyết vấn đề này. Theo ông, các quốc gia thành viên NATO nên thận trọng hơn trước diễn biến tình hình ở Biển Azov.   

Cũng trong ngày 28/11, Tổng thống Poroshenko đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thảo luận tình hình trên Biển Azov.   

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Poroshenko đã thông báo cho Tổng thống Erdogan về căng thẳng hiện nay giữa Ukraine và Nga trên Biển Azov cũng như việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày. Ông đề nghị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ để phía Nga thả các thủy thủ và các tàu Ukraine.   

Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng đã phản đối việc gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời cho biết sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra trong hai ngày 30/11 và 1/12 tại Argentina.   

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga và đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại một số khu vực biên giới.    

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích vụ đụng độ tại Biển Đen "rõ ràng là một hành động khiêu khích" do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko "dàn dựng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong nước. Theo ông Putin, vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá".   

Theo kế hoạch, Ukraine sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 31/3/2019, và bắt đầu chiến dịch tranh cử từ ngày 31/12 tới.

TTXVN/Ngọc Hà

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...