A+ A A- Kiểu đọc sách

Các nước tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, chạy đua đối phó biến thể Delta

10:45 03/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu mới đưa ra cảnh báo rằng biến thể Delta đang đe dọa những thành tựu chống dịch COVID-19 mà thế giới đã rất khó khăn đạt được, và nếu thế giới không hành động nhanh sẽ lại có thêm các biến thể nguy hiểm hơn phải đối mặt.

Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại Đông Nam Á

Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại Đông Nam Á

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 198.729.424 ca mắc COVID-19 và 4.236.557 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 179.422.250 ca.

Tuy nhiên, WHO vẫn khẳng định các loại vaccine do WHO phê duyệt vẫn hiệu quả đối với dịch bệnh. Trước sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược tiêm vaccine để chạy đua với tốc độ lây lan của biến thể Delta.

Biến thể Delta đe dọa “phá hỏng” thành quả chống dịch của thế giới   

Trong một cảnh báo mới đưa ra ngày 30/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi - nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa - đã tăng 80% trong cùng giai đoạn. Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”.   

WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu. Chuyên gia của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove, cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019. Chuyên gia này cũng lưu ý một số nước đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thậm chí còn cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu. Viện sỹ Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, GS.TS. BS Alexander Chuchalin, Trưởng Bộ môn Nội tổng hợp Đại học Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga Pirogov (Đại học Y 2 Moskva) thì cho rằng như một quy luật sinh học, các chủng virus xuất hiện sau sẽ càng có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn đối với sức khỏe và tính mạng con người.   

Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vaccine được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”.   

Đồng quan điểm, GS.TS. BS Alexander Chuchalin cũng khẳng định hiện trên thế giới chỉ có một giải pháp giúp có thể kiểm soát được quá trình lây nhiễm là tiêm vaccine phòng ngừa.   

GS. Chuchalin cho biết tiêm vaccine không hề đảm bảo 100% là người được tiêm sẽ không mắc bệnh nữa song những người đã được tiêm vaccine nếu có mắc thì bệnh cũng không phát triển đến mức trầm trọng, tức là hoàn toàn bảo vệ được tính mạng. Theo GS. Chuchalin, trong bối cảnh virus corona liên lục phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều biến chủng mới, cần có ý tưởng vaccine mới để điều trị COVID-19.   

Các nước thay đổi chiến lược tiêm chủng, chạy đua đối phó biến thể Delta   

Khi mà biến thể Delta được nhận định là rất dễ lây lan, có thời gian lây truyền dài hơn so với chủng ban đầu và có thể khiến người già ốm nặng hơn ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19 để chạy đua với tốc độ lây lan của biến thể Delta.   

Theo thống kê mới nhất của chuyên trang Our World in Data, dù tốc độ tiêm chủng đã tăng trong những tuần gần đây, song tới nay mới chỉ có 28,2% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Do biến thể Delta lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả của vaccine, một số nước đã tính đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân.  

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Derby, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Anh đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine thứ ba cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm. Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.   

Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn. Điều này có nghĩa là việc sử dụng vaccine AstraZeneca cho mũi thứ 3 sẽ giảm đáng kể. Dữ liệu của Cơ quan Y tế Công cộng England cho thấy tiêm đủ 2 mũi vaccine giúp ngăn ngừa hơn 90% các ca nhập viện do mắc COVID-19 chủng Delta, biển chủng chủ yếu hiện nay ở Anh.   

Tại Mỹ, vốn từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng tiêm chủng vào tháng 4, thì gần đây tỷ lệ tiêm chủng lại bắt đầu sụt giảm khi sắp đạt đến khả năng miễn dịch cộng đồng. Tại các bang miền Nam, chưa đến 50% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dữ liệu của Our World in Data cho thấy khoảng 49% người Mỹ được tiêm đủ 2 liều vaccine, tương đương 163 triệu người. Trong khi đó, các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đang gia tăng trở lại sau khi giảm hồi tháng 5 và tháng 6. Sự gia tăng trở lại này đã nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên 35,6 triệu ca và 629 nghìn ca tử vong (tính đến ngày 31/7).   

Thực tế biến thể Delta khiến số ca COVID-19 tăng mạnh này đã buộc Chính quyền liên bang, quan chức địa phương và các doanh nghiệp Mỹ phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế trong những ngày gần đây. Chính phủ liên bang Mỹ cũng thắt chặt các quy định về sức khỏe đối với hàng triệu nhân viên. Họ sẽ phải tiêm vaccine, đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên, ngay cả những người làm việc tại những khu vực có số trường hợp COVID-19 thấp. Thậm chí, ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cho biết nước này có khả năng sẽ áp dụng các hướng dẫn hoặc hạn chế mới để đối phó với sự trở lại của COVID-19.   

Trong khi giới chức y tế tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa phê duyệt việc tiêm liều bổ sung thì Israel từ ngày 1/8 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3-mũi tiêm bổ sung-loại vaccine của hãng Pfizer cho những người trên 60 tuổi, nhóm đối tượng đã tiêm đủ liều 2 mũi cách đây ít nhất 5 tháng.

Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại “đi tiêm ngay lập tức”, đồng thời cho biết mục tiêu là tiêm chủng cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên vào cuối tháng 8 tới. Bộ Quốc phòng Israel cho biết quân đội nước này cũng đã cử nhân viên và hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng này. Tính đến nay, gần 5,79 triệu người (62,1% dân số) Israel đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine của hãng Pfizer, trong đó gần 5,38 triệu người đã tiêm đủ liều 2 mũi.   

Tại châu Á, chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 70% dân số vào tháng 9 và đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan y tế Hàn Quốc có kế hoạch hoàn tất việc tiêm 29 triệu liều vaccine ngay trong tháng 8 và 42 triệu liều trong tháng 9 tới. Trong nỗ lực để đẩy nhanh việc tiêm chủng cho những người trẻ tuổi, Chính phủ Hàn Quốc ngày 30/7 vừa qua đã công bố kế hoạch chi tiết về việc sẽ có khoảng 17 triệu người trong độ tuổi từ 18 đến 49 được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong khoảng thời gian từ ngày 26/8 đến ngày 30/9 tới.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hệ thống đăng ký đặt chỗ trước sẽ bắt đầu hoạt động từ 9/8 đến ngày 18/8 theo nguyên tắc dựa trên số cuối của năm sinh. Các chuyên gia cho rằng nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 ổn định sẽ là chìa khóa để Chính phủ Hàn Quốc đạt được mục tiêu đề ra.   

Tại Đông Nam Á, khu vực vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt sóng dịch do biến thể Delta gây ra, Chính phủ Indonesia vẫn đang tăng tốc tiêm chủng nhằm sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Theo đó, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo tiêm 1 triệu liều vaccine mỗi ngày trong tháng 7, 2 triệu liều trong tháng 8 và có thể tăng lên 5 triệu liều với mục tiêu đạt khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.   

Chính phủ Campuchia đã quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.    

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba. Sau đó, 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vaccine của Sinopharm và Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại. Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca.  

Ngoài ra, từ ngày 1/8 Campuchia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch lần này. Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này đang cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vaccine sang nhóm tuổi 10-11.   

Philippines thực hiện chiến lược tiêm vaccine ưu tiên cho lực lượng nhân viên y tế, người cao tuổi và người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Còn Lào thì ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu, sau đó mở rộng ra các nhóm đối tượng khác.  

 Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn cung vaccine, đặc biệt thông qua “ngoại giao vaccine” được triển khai bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, nhằm bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 11 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác, trong đó có cơ chế COVAX.

Trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt và sử dụng hiệu quả nguồn vaccine, Chính phủ Việt Nam đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19, trong đó tập trung ưu tiên cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những địa phương có diễn biến dịch phức tạp.   

Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Còn ở thời điểm hiện tại, trong số vaccine đã về Việt Nam và sắp về trong thời gian trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương là điểm nóng nhất của dịch bệnh, được phân bổ nhiều nhất. Đây cũng là địa phương tới nay đã tiêm nhiều nhất cho người dân, cả về số lượng mũi tiêm cũng như tỷ lệ người được tiêm so với tổng số dân.   

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam đã chính thức phát động từ ngày 10/7, thực hiện tiêm cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18, từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022. Tính đến hết ngày 29/7, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 5,5 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 5 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 550 nghìn liều. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022…

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...