(TT&VH) - Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không tiếp tục công việc hiện nay, ngay cả khi tổng thống Barack Obama tái đắc cử hay đối thủ Mitt Romney giành chiến thắng. Quyết định của ông khiến dư luận Mỹ và thế giới băn khoăn phỏng đoán về nhân vật quan trọng nào sẽ ngồi vào chiếc ghế này.
Chiếc ghế nóng trong thời khủng hoảng
Ngoài việc lo thu hẹp bớt khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ ở Mỹ, người kế nhiệm của Geithner còn phải xử lý vấn đề nợ công ở châu Âu một cách khôn khéo. Thời gian cầm quyền, Geithner đã vật vã tìm cách cân bằng giữa việc vừa giúp châu Âu và phải hành xử hết sức tế nhị, sao cho châu Âu không cảm thấy Mỹ đang đóng vai “ thượng cấp” với họ.
Bộ trưởng Tài chính kế nhiệm còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt ngoại giao, tâm điểm là quan hệ thương mại với Trung Quốc. Đây là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất về mặt sản xuất và mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc Bộ Tài chính đối xử với Trung Quốc ra sao.
Nhân vật mới sẽ phải đương đầu với một quốc hội hết sức chia rẽ. Giới phân tích chỉ ra rằng nếu quốc hội không hành động nhanh trong thời gian hậu bầu cử, các khoản cắt giảm thuế có tác dụng dưới thời tổng thống George W. Bush sẽ không còn hiệu lực và hàng triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hoạt động cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang cũng tự động có hiệu lực, bởi nó đã được thông qua trong một thỏa thuận hồi năm ngoái nhằm nâng mức giới hạn nợ công của Mỹ.
Bộ trưởng Geithner đã từ chối tiếp tục “chữa trị” căn bệnh của nền kinh tế Mỹ và ai thế chân ông vẫn là dấu hỏi lớn |
Công việc quan trọng chỉ sau tổng thống
“Bộ trưởng Tài chính mới có lẽ sẽ nắm vị trí quan trọng chỉ sau tổng thống” - Sung Won Sohn, một giáo sư kinh tế tại Đại học California nói. Đã có vài cái tên được đánh giá là xứng đáng kế nhiệm chiếc ghế trống mà ông Timothy Geithner sẽ để lại. Ở phe Cộng hòa, nếu Mitt Romney chiến thắng, cố vấn Glenn Hubbard rất có thể sẽ được lựa chọn. Hubbard đang là Trưởng khoa Kinh doanh tại Đại học Columbia ở New York. Ông là chuyên gia ngân sách, từng cố vấn cho Romney trong cuộc đua giành ghế tổng thống hồi năm 2008. Ngoài ra Hubbard còn lãnh đạo hội đồng các cố vấn kinh tế dưới thời ông G.W.Bush, giúp tạo nên gói chính sách cắt giảm thuế nổi tiếng năm 2003 và từng là một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính trong những năm đầu 1990.
Bên cạnh đó là Robert Zoellick, Giám đốc Ngân hàng thế giới sắp mãn nhiệm, người được đánh giá cao vì có nhiều kinh nghiệm làm việc với phố Wall và mối quan hệ trải rộng khắp toàn cầu. Nhưng theo giới phân tích, Zoellick đã tỏ dấu hiệu cho thấy ông muốn làm công việc ngoại giao hơn là phụ trách vấn đề tài chính bất ổn trong nước.
Trong phe Cộng hòa còn phải kể tới một ứng viên tiềm năng khác là John Taylor, cựu Thứ trưởng tài chính thời chính quyền G.W.Bush. Nhưng giống Zoellick, ông tỏ ra quan tâm tới cái ghế lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang (FED) hơn. Những người thân quen nói rằng Taylor đã trở nên bảo thủ hơn kể từ khi rời Washington về làm giảng viên tại Đại học Stanford. Ông là một trong những người chỉ trích mạnh nhất chính sách nới lỏng tiền tệ của FED và chất vấn tính hiệu quả của các kế hoạch tăng cường chi tiêu để kích thích nền kinh tế.
Cuối cùng phải kể tới cựu thành viên ban lãnh đạo FED Kevin Warsh, người chỉ mới 42 tuổi nhưng có một bảng thành tích dày cộm với tư cách một quan chức ngân hàng trung ương và trợ lý cho Tổng thống Bush. Nếu bị coi là quá trẻ cho ghế bộ trưởng, người ta tin Warsh cũng sẽ được trọng dụng và ngồi vào ghế thứ trưởng hoặc vị trí cao cấp tương đương, bởi ông đã chứng tỏ được rằng mình là nhà quản lý rất tốt.
Phe Dân chủ loay hoay lựa chọn
Ở đảng Dân chủ, sự lựa chọn không được rõ ràng lắm. Cái tên được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là Larry Fink, giám đốc điều hành BlackRock, một trong những công ty quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới. Việc Fink có liên quan tới quản lý tiền tệ là điểm cộng. Đây là mảng tương đối phẳng lặng trong hoạt động tài chính và không bị vấy bẩn trong cuộc giải cứu ngành ngân hàng hồi năm 2008, vốn không được lòng nhiều cử tri Mỹ. Cá nhân Fink đã bày tỏ mối quan tâm tới ghế bộ trưởng với một vài cộng sự ở phố Wall. Tuy nhiên không ai biết rõ ông thực sự muốn công việc này và xem xét nó nghiêm túc đến đâu.
Xếp ở chiếu dưới của Fink là Giám đốc điều hành Công ty JPMorgan Chase & Co. - Jamie Dimon. Ông này từng được xem là ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ, cho tới khi JPMorgan thừa nhận trong tháng này về khoản lỗ giao dịch lên tới 2 tỉ USD.
Ngoài Fink, người ta còn nhắc tới Erskine Bowles, nhân vật có nhiều mối quan hệ chính trị với giới cầm quyền ở Washington. Chính phủ mới của Mỹ chắc chắn sẽ xem cắt giảm thâm hụt ngân sách là công việc hết sức quan trọng và Bowles đã tạo danh tiếng của ông trong vai trò đồng chủ tịch một ủy ban lưỡng viện của quốc hội phụ trách cắt giảm ngân sách hồi năm 2010. Các đề xuất cắt giảm ngân sách và tăng thuế do ủy ban này đề xuất không được quốc hội thông qua, nhưng vẫn có ảnh hưởng rất mạnh trong các cuộc tranh luận về sau. Ngoài ra, Bowles còn có kinh nghiệm làm việc ở phố Wall. Ông từng đầu quân cho Công ty tài chính Morgan Stanley, đồng sáng lập Công ty Carousel Capital và còn là đối tác của Công ty đầu tư chứng khoán Forstmann Little & Co..
“Thật khó để tưởng tượng ai đó không có uy tín với cộng đồng kinh doanh sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng” - Lewis Alexander, kinh tế gia trưởng người Mỹ làm việc tại Ngân hàng đầu tư Nomura ở New York nhận xét - “Tôi sẽ không đưa ra phỏng đoán, nhưng những con người như Erskine Bowles rõ ràng đã đạt mọi tiêu chí của công việc này.
Tường Linh (tổng hợp)