loading...
Theo tinh thần của đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ về tín dụng tiêu dùng và mua các mặt hàng là vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất |
Chiều 9/4, Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: trong kết luận về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2009 và các giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm vừa ban hành, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh phải tăng cường hỗ trợ nông dân thông qua các khoản tín dụng ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất và tiêu dùng.
Do vậy trong đề án kích cầu nói trên, Bộ Công Thương tập trung xác định 4 vấn đề trọng tâm, gồm: đối tượng nào sẽ được hỗ trợ; hỗ trợ mua những mặt hàng gì; phương thức hỗ trợ và thời gian áp dụng như thế nào.
Cũng theo ông Xuân, mục tiêu của chương trình là khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước để duy trì sản xuất và giúp ngăn chặn suy giảm kinh tế; từ đó góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân đối với hàng sản xuất trong nước.
Sau khi tiến hành lấy ý kiến của đại diện các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng một số hiệp hội, ngành hàng và các nhà bán lẻ hôm qua (8/4), Bộ Công Thương đã xác định: những đối tượng được hỗ trợ sẽ tập trung vào người dân nông thôn, hộ nghèo, công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp tập trung, học sinh, sinh viên.
Theo tinh thần đề án trên, nông dân sẽ được hỗ trợ về tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng là vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất (giống, phân bón, máy cơ khí nông nghiệp...).
Phương thức hỗ trợ sẽ gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân nông thôn thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi, cho mua trả góp, trả chậm không tính lãi và hỗ trợ gián tiếp thông qua các ưu đãi về thuế và lãi suất dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối máy móc, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, chương trình còn chú trọng đến hỗ trợ mua sắm hàng tiêu dùng. Theo đó, người dân nông thôn sẽ được khuyến khích tiêu dùng thông qua các khoản cho vay ưu đãi hoặc vay không tính lãi (hình thức này cũng đã được một số ngân hàng thương mại thực hiện với điều kiện phải có thế chấp hoặc xem xét đối tượng có khả năng chi trả, thu hồi vốn cao).
Trong chương trình này, Bộ Công Thương cũng đề nghị cho phép sử dụng hình thức tín chấp cho người dân nông thôn vay ưu đãi hoặc thế chấp bằng tài sản được mua từ vốn vay.
Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết, Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng đang cân nhắc phương án phát miễn phí phiếu mua hàng có giá trị từ 100.000 - 500.000 đồng, dành cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Ước tính với 2,8 triệu hộ nghèo, nếu triển khai kinh phí dành cho chương trình phát phiếu mua hàng sẽ lên tới khoảng 1.400 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí hỗ trợ cước phí vận tải cho doanh nghiệp tổ chức cung ứng hàng hóa cho người dân).
(Theo VnEconomy)
loading...