(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một thằng bé hiếu động, nhưng ngỗ ngược và từ lâu đã nổi tiếng vì những trò nghịch ngợm trong dãy phố của nó ở Bari Vecchia, khu phố cổ ở trung tâm Bari, xứ Puglia, miền Nam Italy.
Nó đã 10 tuổi và theo luật Italy, nó đang ở lứa tuổi phải được đi học. Nhưng năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng, thằng bé vẫn chưa đến trường. Đúng hơn, nó không được các trường trong khu Bari Vecchia chấp nhận. Không phải vì nó quá nghịch, mà vì một lẽ đơn giản, cha nó là một trùm mafia.
"Nhưng chúng tôi hoàn toàn trong sạch", ông bà của đứa trẻ nói với báo chí địa phương. "Đúng là bố nó đang ngồi tù. Nhưng tại sao thằng bé phải trả giá cho những gì cha nó đã làm?". Bất lực, mẹ của thằng bé đã đến trình báo cảnh sát và xin giải quyết, sau khi nhận luôn câu trả lời của 4 trường mà bà đã đến đăng kí xin học, "xin lỗi, trường không còn đủ chỗ" hoặc "chị đến đăng kí quá muộn".
Bari Vecchia là khu phố cổ ở trung tâm Bari, xứ Puglia, miền Nam Italy
Cảnh sát không thể đến bắt các trường phải nhận thằng bé, nên họ chuyển vấn đề lên Sở giáo dục của vùng Puglia và các cơ quan phúc lợi xã hội của thành phố Bari. Đây không phải là một trường hợp cá biệt ở nơi này, được cho là một trong những thành phố mà hệ thống Santa Corona Unita (mafia của xứ Puglia) hoạt động mạnh nhất. Trong những năm qua, đã có hơn 10 trường hợp trẻ em ở khu Bari Vecchia bị từ chối nhập học với những lí do "tế nhị" như đã kể trên. Không khó để đoán ra lí do thực sự để chối khéo là gì.
"Họ của những đứa trẻ đang làm hại chúng", một quan chức phúc lợi xã hội giấu tên của Bari nói trên báo chí địa phương. "Xã hội Italy luôn có một thái độ xa lánh đối với những ai dính dáng đến mafia. Không ai muốn làm người hùng khi giơ tay ra với họ. Nhưng các trường học không thể để một thằng bé 10 tuổi lay lắt ở hè đường mà không được đến trường, chỉ vì tin rằng, nó đã có một số phận được định đoạt".
"Chủ nghĩa lí lịch" là lí do khiến rất nhiều đứa trẻ như thế gặp những trở ngại trong cuộc sống ở Italy. Anh trai cả của thằng bé cũng chung số phận bị gạt bỏ khỏi trường học và người mẹ, chắc chắn rất yêu các con, không muốn chúng đi theo con đường của cha và cho rằng, học là cách duy nhất để các con cô có một cuộc đời khác. Nhưng cánh cửa trường đã đóng lại và liệu tiếng kêu cứu của cô có được ai nghe thấu?
"Với tất cả các hiệu trưởng đã gặp, tôi đều nói rằng, con tôi chỉ là một đứa trẻ, và tội lỗi của cha nó thì không thể đổ cả lên đầu nó", cô nói. "Sau những chuyện tương tự đã xảy ra với con trai cả của tôi, tôi muốn có công lí". Không phải cho cha của thằng bé, một trùm mafia, mà cho chính nó, và vì thế, cô đã đến báo cảnh sát. Những người cảnh sát khu vực biết rất rõ những điều có thể xảy ra với một đứa trẻ lêu lổng và nếu thằng bé không đến trường, nó còn biết làm gì, nếu không lang thang ngoài phố với đám cặn bã? Vấn đề ở chỗ, họ không giúp được gì nhiều cho nó, vì nó nằm ngoài khả năng của họ. Sở giáo dục của Puglia cũng không thể gây áp lực buộc các trường trong khu Bari Vecchia phải nhận thằng bé, bởi họ đã trao quyền cho các trường học trong việc nhận học sinh.
Cảnh yên bình trên những phố cổ của Bari Vecchia nhưng nó lại đang chứa đựng những nỗi đau mang tên mafia
Câu chuyện về một đứa trẻ không được đi học vì cái họ dính đến mafia trên thực tế không phải là quá đặc biệt ở Italy. Một đạo luật được thông qua vào năm 2011 không cho phép những ai có họ hàng thân thích với các tên trùm mafia được nhận vào làm trong các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước, với mục đích là ngăn chặn sự thâm nhập của mafia vào các hoạt động kinh tế và hành chính của địa phương.
Hồi tháng 7/2015, Maria Concetta Riina, một nhân viên có trình độ và không hề có tiền án tiền sự, đã bị một nhà máy lắp ráp ô tô ở đảo Sicily cho thôi việc với một lí do duy nhất: cô là cháu ruột của Toto Riina, một trong những bố già tàn bạo nhất của hệ thống Cosa Nostra, mafia Sicily. Riina, bị bắt vào năm 1993 và ngồi tù từ đó đến giờ, được coi là một trong những nhân vật chủ chốt của băng Corleone. Hắn bị cáo buộc đã ra lệnh thực hiện nhiều vụ giết người, trong đó có vụ ám sát thẩm phán nổi tiếng Giovanni Falcone vào năm 1992.
Theo cảnh sát, việc họ gây sức ép lên nhà máy để gạt bỏ Maria Concetta Riina không có nghĩa là họ đối xử với cô như một tên mafia, mà là vì lí do "bảo vệ tính mạng" cho cô. Nhưng cô không chấp nhận điều này. Trên nhật báo địa phương La Sicilia, luật sư của Maria Concetta cho rằng, thân chủ của ông bị sa thải và do đó, cả một gia đình mất nguồn thu nhập chẳng qua vì mang họ Riina. "Cần phải thừa nhận rằng, bên cạnh việc mafia có tồn tại ở Italy, thì cả những người mang họ mafia cũng bị liên đới, dù không hề có tội tình gì", ông này nói.
Được biết là nhà máy nơi Maria Concetta Riina làm việc đã quyết định kiện lên Tòa án dân sự địa phương để đòi cảnh sát vùng thay đổi lệnh sa thải này.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)