A+ A A- Kiểu đọc sách

Bệnh nhân, bệnh viện lo “ngay ngáy”... giá thuốc

11:51 06/04/2011
loading...

Với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các mặt hàng thuốc nội, thuốc ngoại đua nhau “hét” giá. Bên cạnh nỗi khổ của bệnh nhân, các bệnh viện cũng đang lo ngay ngáy vì khó có thể ký được hợp đồng cung ứng thuốc cho năm 2011 với mức giá năm 2010.

Cầm gói thuốc Supradyn trên tay, bà Ngọc Hân đang nuôi chồng ở bệnh viện 115 thở dài ngao ngán: “Mới mấy ngày trước tôi mua gói thuốc này chỉ với giá 58.000 đồng, hôm nay nó đã tăng lên 68.000 đồng, không chỉ mình thuốc này tăng giá mà hầu hết các loại thuốc khác đều tăng. Ông nhà tôi bị viêm đường tiết niệu nhập viện điều trị mới hơn 10 ngày nay mà đã tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc rồi”.


Bên cạnh đau đớn bệnh tật, người dân ốm thêm vì giá thuốc


Những loại thuốc thông dụng có mức giá chỉ vài chục nghìn đồng, dù tăng từ 5% đến 10% người bệnh vẫn còn cố sức để mua được. Nhưng có nhiều loại thuốc đặc trị mức giá gốc đã cao nay tiếp tục tăng khiến người bệnh “khiếp đảm”, đơn cử như thuốc điều trị huyết áp Exfort hộp 28 viên của Pháp đã nhảy vọt từ 540.000 đồng lên 600.000 đồng chỉ trong một lần tăng giá.

Mới đây, 3 công ty có nhà máy sản xuất thuốc tại TPHCM đã đồng loạt gửi hồ sơ lên Sở Y tế thành phố đề nghị được tăng giá bán một số loại thuốc thêm 30% đến 40% so với mức giá hiện tại. Theo lý giải của họ, do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao nếu không tăng giá bán công ty sẽ thua lỗ. Sở Y tế chưa có hồi đáp chính thức về vấn đề trên nhưng nếu chấp thuận đề nghị này cũng đồng nghĩa với việc một làn sóng đòi tăng giá bán của các công ty khác sẽ diễn ra.

Theo số liệu thống kê từ một báo cáo của Trung tâm phân phối dược phẩm Codupha thì các mặt hàng thuốc ngoại đã tăng giá bán từ 10% đến 20%, đặc biệt có đến 90% mặt hàng thuốc nội cũng lên giá từ 10 đến 22,5%. Gây sốc hơn cả là giá thuốc Cadef hỗ trợ điều trị ung thư của Cty dược Traphaco tăng đến 150%.

Tuy những hợp đồng cung cấp thuốc cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố chưa có thay đổi và cũng chưa có trường hợp công ty dược ngưng cung cấp thuốc do tỷ giá tăng. Nhưng hiện tại nhiều bệnh viện đang tỏ ra lo ngại cho một viễn cảnh xấu có thể xảy ra khi các “nhà thầu” không còn mặn mà với hợp đồng tiếp tục cung ứng thuốc cho bệnh viện với giá của năm 2010 trong khi giá thuốc hiện tại đang tăng từng ngày.

Những bệnh viện lớn tại TPHCM như Ung Bướu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2… lượng thuốc dự trữ đủ để điều trị cho bệnh nhân có thể chỉ kéo dài hết quý 2. Hiện hợp đồng và hồ sơ dự thầu đã được các công ty dược đăng ký, đến giữa hoặc cuối tháng 4 các bệnh viện sẽ công bố kết quả đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc.

Tuy nhiên, giá thầu sẽ áp đặt theo giá trúng thầu của năm 2010 do đó cả bệnh viện lẫn nhà thầu đang đứng trước một bài toán nan giải. Nếu trúng thầu với mức giá thuốc quá thấp các công ty dược có nguy cơ bỏ thầu vì thua lỗ, khi đó bệnh viện sẽ rơi vào cảnh thiếu thuốc nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện dự tính sẽ có báo cáo cụ thể lên Sở Y tế đề nghị xem xét lại vấn đề này.


Nhiều bệnh viện cũng đang lao đao vì sợ công ty dược bỏ thầu


Trước thực trạng giá thuốc tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, UBND TPHCM đã thông qua nội dung kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc từ ngày 1/4/2011 đến 31/3/2012 với tổng giá trị mặt hàng thuốc tham gia hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, mức vốn thực hiện bình ổn năm 2011 là 9 tỷ đồng.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố: "Thuốc trong danh mục bình ổn giá tại các điểm bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường 10%. Đây là những loại thuốc thiết yếu được nhiều người sử dụng. Tương tự như các sản phẩm bình ổn khác, thành phố sẽ trích kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm bình ổn đến người tiêu dùng."

Về vấn đề hợp đồng cung ứng thuốc giữa các công ty dược và bệnh viện bà Lan cho biết thêm: "Với những công ty tự ý bỏ hợp đồng cung ứng thuốc Sở sẽ yêu cầu tất cả các bệnh viện ngưng dùng thuốc do đơn vị này cung cấp trong vòng hai năm. Biện pháp này đã được duy trì trong 2 năm gần đây".

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì nguy cơ xảy ra một cuộc “khủng hoảng” thuốc trị bệnh vẫn đang ở mức cao nếu không có các giải pháp “điều tiết” và can thiệp tích cực của cơ quan nhà nước. Việc bình ổn giá thuốc chỉ là giải pháp tình thế để “điều trị” phần ngọn của căn bệnh tăng giá bởi ngoài thuốc thông thường, người bệnh đang phải chịu mức giá rất cao của các loại thuốc ngoại và thuốc đặc trị.

Theo Dân trí

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...