A+ A A- Kiểu đọc sách

Bầu cử Pháp: 'Cuộc đọ sức' ồn ào giữa bà Pen và ông Macron

13:02 05/05/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Căng thẳng, bất ngờ và khắc nghiệt là đặc điểm nổi bật bao trùm toàn bộ những gì diễn ra trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp giữa ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và đối thủ cực hữu Marine Le Pen. Mục tiêu cuối cùng là giành cho được chiếc "chìa khóa vàng" mở cánh cửa Điện Elysée - đó là  lá phiếu của các cử tri đã bầu cho những ứng cử viên thất bại trong vòng một và những người đang do dự chưa biết bỏ phiếu cho ai.

Hai tuần vừa qua là quãng thời gian của những diễn biến khá kịch tính bởi tính chất sống còn của chặng cuối cuộc đua. Đặc biệt, bà Le Pen đã có nhiều quyết định và việc làm thể hiện mình là người dẫn dắt nhịp độ cuộc đua, khiến đối thủ Macron, người giành số phiếu nhiều hơn tại vòng một, nhiều phen bị bất ngờ, thậm chí có phần rơi vào tình thế bị động. Những động thái đó khiến cuộc đua ngày càng trở nên gay cấn và hồi hộp.

Có thể thấy, tại vòng đua thứ hai, bằng kinh nghiệm chính trường, bà Le Pen đã có sự khởi động hoàn hảo ngay từ phút đầu, với trọng tâm tập trung vào nhóm đối tượng cử tri là người lao động, vốn bị bỏ rơi trong quá trình toàn cầu hóa và ít được nhắc đến trong các tranh luận và phát biểu trước truyền thông của các ứng cử viên trong suốt nhiều tháng qua. Nhanh chóng từ chức Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (FN) để "toàn tâm toàn ý" cho cuộc đua, nữ ứng cử viên, khi có mặt từ sáng sớm tinh mơ tại chợ đầu mối Rungis (ngoại ô Paris), khi thì ra khơi cùng các ngư dân tại tỉnh Gard.

Marine Le Pen và Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Bà cam kết theo đuổi chính sách bảo hộ, nhằm bảo vệ các sản phẩm mang thương hiệu Pháp, để người lao động có thể sống bằng nghề của mình. Đồng thời, bà cũng ký thỏa thuận liên minh với ông Nicolas Dupont-Aignan, Chủ tịch đảng Nước Pháp đứng lên (DLF), nguyên ứng cử viên tổng thống Pháp, với cam kết sẽ bổ nhiệm ông này làm Thủ tướng nếu bà chiến thắng tại vòng 2. Đằng sau thỏa thuận liên minh gây ồn ào này, rõ ràng bà Le Pen muốn tranh thủ cử tri đã bỏ phiếu cho ông Dupont-Aignan tại vòng một.

"Cuộc đọ sức" ồn ào giữa bà Le Pen và ông Emmanuel Macron trong ngày 26/4 tại nhà máy Whirpool, địa điểm cựu Bộ trưởng Kinh tế đang vận động tranh cử và cũng là thành phố quê hương ông, có thể xem là "cú đánh úp" khá ngoạn mục của bà trước đối thủ trong chặng nước rút.

Sự kiện ứng cử viên cực hữu Le Pen bất ngờ xuất hiện tại nhà máy vốn đang có nguy cơ bị đóng cửa vào năm 2018 và gặp gỡ công nhân, vào đúng thời điểm ông Macron làm việc với đại diện các tổ chức công đoàn nhà máy tại trụ sở Phòng Công nghiệp thành phố, được đánh giá là "cú hích" cho vòng 2 bầu cử.

Mặc dù hành động của ứng cử viên cực hữu bị coi là "không chính thống", là "đánh bóng hình ảnh thô thiển", song nó cũng phần nào cho thấy sự lão luyện và quyết tâm của bà Le Pen, bởi chuyến thăm chớp nhoáng của bà tới đây không nằm trong kế hoạch, mà được bà quyết định một cách nhanh chóng sau khi thấy ông Macron có mặt tại khu vực này nhưng chưa gặp gỡ người lao động.

Hình ảnh bà Le Pen trò chuyện thân mật với công nhân, ca ngợi những người đã dám “kháng cự lại quá trình toàn cầu hóa hỗn loạn”, cùng tuyên bố nếu trở thành tổng thống sẽ không đóng cửa nhà máy mà sẽ quốc hữu hóa hoặc ít nhất góp vốn nhà nước để bảo vệ công việc cho người lao động, đã góp phần "ghi điểm" cho cựu Chủ tịch FN trong mắt người lao động.

Cùng có mặt tại đây, nhưng 2 ứng cử viên đã được các công nhân đón tiếp với hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau: dành cho bà Marine Le Pen là sự thân thiện, cởi mở, còn ông Emmanuel Macron lại được "chào hỏi" trong tiếng la ó, huýt sáo và cảnh chen lấn, xô đẩy.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama ủng hộ ứng viên Macron làm Tổng thống Pháp

Cựu Tổng thống Mỹ Obama ủng hộ ứng viên Macron làm Tổng thống Pháp 

Ngày 4/5, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng ủng hộ ứng cử viên chủ trương ôn hòa Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Sự kiện này đã buộc ứng cử viên Macron phải thực sự vào cuộc, tăng tốc những nỗ lực nhằm gây ấn tượng trong con mắt cử tri, khiến cuộc đua cuốn hút trở lại đối với cử tri Pháp. Trong những ngày vận động tranh cử tiếp theo cũng như trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp tối 3/5, hai ứng cử viên đã cho thấy hai chương trình đối nghịch nhau hoàn toàn trên tất cả các vấn đề, từ mô hình kinh tế-xã hội cho đến tầm nhìn về châu Âu và toàn cầu hóa… Cùng với đó là những màn công kích, chỉ trích lẫn nhau.

Thời gian qua, ứng cử viên Macron đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo chính quyền đương nhiệm, lãnh đạo nhiều đảng phái cùng những ứng cử viên tổng thống bị loại tại vòng một. Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm chinh phục lá phiếu cử tri đối với ông Macron không hề đơn giản trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy mà đảng FN của bà Le Pen là đại diện đang mạnh lên tại châu Âu và nhiều nơi trên thế giới.

Thực tế cho thấy, đảng FN hiện tại đã tạo được chỗ đứng khá vững chắc trong lòng một bộ phận dân chúng, đặc biệt là trong tầng lớp nhân dân lao động như công nhân, nông dân, người thất nghiệp, vốn được gọi là "những người thất bại" trong toàn cầu hóa. Hiện tại, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Le Pen là khoảng 40%. Tỷ lệ này cho thấy đảng FN ở vào vị trí mạnh để có thể gây áp lực lên các lực lượng chính trị khác.

Bên cạnh đó, khối đoàn kết “Mặt trận cộng hòa” tập hợp tất cả các lực lượng chính trị tại Pháp để cản bước “cơn sóng FN” đã không vận hành tốt do sự rạn nứt, thậm chí là sự chia rẽ của các đảng phái chính trị cũng như các tổ chức công đoàn tại Pháp.

Với một bộ phận cử tri, ông Macron là ứng cử viên đại diện cho tầng lớp những người thành đạt và giàu có của nước Pháp. Họ chưa thật sự bị thuyết phục vì chương trình hành động của ông Macron. Họ tuyên bố bỏ phiếu cho ông nhằm ngăn chặn một đảng cực hữu như FN chứ không hẳn vì đặt niềm tin vào chương trình đó.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ông trong nhóm cử tri là người lao động thấp hơn hẳn so với bà Le Pen. Hơn thế nữa, dù từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Kinh tế, song "thành tích chính trị" của ông Macron cũng không quá nổi bật bởi tình hình kinh tế Pháp trong thời gian khá trì trệ với tỉ lệ thất nghiệp cao.

Những chính sách của ứng cử viên trung dung còn bị coi là một "bản sao" của Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande và chính phủ hiện tại, vốn bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả. Bởi vậy, cuộc đua vòng 2 vào Điện Elysée có thể coi là khá "cân tài cân sức" và khó dự đoán.

Bích Hà (P/v TTXVN tại CH Pháp

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...