Bảo vệ trẻ em vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19
(Thethaovanhoa.vn) - “Trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể ít nghiêm trọng hơn so với người lớn, song virus SARS-CoV-2 đang ảnh hưởng tới chúng em theo cách này hay cách khác”. Đây là những suy nghĩ mà các em nhỏ đã chia sẻ trong một cuộc khảo sát về sự hiểu biết của trẻ em đối với đại dịch COVID-19.
Nỗi niềm các em bày tỏ cũng là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia trên thế giới, khi trẻ em đang là những “nạn nhân thầm lặng” thuộc nhóm đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trước bất kỳ biến cố nào, trẻ em luôn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đại dịch COVID-19 cũng không phải là ngoại lệ. Điều may mắn là dựa trên báo cáo dịch bệnh cho tới nay, trẻ em dường như ít phát triển các triệu chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong thấp hơn khi mắc COVID-19 so với các nhóm tuổi khác.
Tuy nhiên, những biến động về xã hội-kinh tế cùng các biện pháp nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này lại gây ra nhiều hệ lụy lâu dài đối với trẻ em thuộc mọi lứa tuổi và tại mọi quốc gia, từ việc gián đoạn học hành cho đến những vấn đề cơ bản như bảo đảm chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt lại càng bị ảnh hưởng.
Có thể nói, tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên thế giới do COVID-19 gây ra đã biến thành một “bài sát hạch” khắc nghiệt đối với sự phát triển toàn cầu cũng như những triển vọng của thế hệ trẻ ngày nay. Dịch bệnh đã khiến trẻ em đứng trước nguy cơ nghèo đói cao hơn bao giờ hết. Hoạt động kinh tế đình trệ tại hầu khắp các quốc gia khiến thu nhập giảm sút, đe dọa sinh kế của hàng triệu hộ gia đình có trẻ em trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch COVID-19 đang đẩy khoảng 1,6 tỷ người lao động, đại diện cho gần 1/2 lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai ngay lập tức. Những “cú sốc” thu nhập như vậy ở cấp độ hộ gia đình, dù chỉ là tạm thời, vẫn có thể để lại hậu quả tàn phá đối với trẻ em.
COVID-19 cũng tác động tiêu cực tới những tiến bộ trong vấn đề phúc lợi dành cho trẻ em, đặc biệt là giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Việc nhiều nước thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như giãn cách xã hội, phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến khoảng 1,5 tỷ em trên thế giới không được đến lớp do trường học phải đóng cửa tại ít nhất 188 quốc gia. Giải pháp dạy học trực tuyến đã được nhiều nước triển khai, song lại cho thấy sự chênh lệch về công nghệ số - đó là khoảng cách giữa những trẻ có thiết bị và vào được Internet và những trẻ không có cả hai điều kiện trên. Trẻ em sống trong các khu định cư tạm bợ, các lán trại có cơ sở hạ tầng hạn chế lại càng gặp khó khăn trong việc truy cập Internet cũng như tiếp cận các khóa học trực tuyến. Đối với những trẻ em khuyết tật đa số phụ thuộc vào các hình thức dạy học trực tiếp, các khóa học từ xa cũng là cả một vấn đề lớn.
Về mặt chăm sóc sức khỏe, dịch COVID-19 đã khiến hàng trăm triệu trẻ em không được tiêm phòng vaccine hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu khác. Một loạt chiến dịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ bị đình chỉ khiến trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh và tử vong, đặc biệt là ở nhóm trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế thế giới cho biết ít nhất 14 chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng da và viêm màng não ở nhiều nơi trên thế giới đã phải tạm dừng hoặc hoãn lại. Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới làm gián đoạn nguồn cung vaccine khi ít nhất 21 nước có thu nhập thấp và trung bình đã thông báo hết vaccine. Tình hình này càng làm gia tăng nguy cơ các đợt dịch khác bùng phát, và trẻ em là đối tượng phải gánh hậu quả nghiêm trọng nhất.
Dịch COVID-19 cũng đang khiến trẻ em phải đối mặt với tình hình mất an ninh lương thực. Hơn 368 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học tại hơn 140 quốc gia không được hưởng các dịch vụ ăn uống và dinh dưỡng ở trường do ảnh hưởng của COVID-19. Thách thức càng lớn hơn khi các gia đình đối mặt với thu nhập sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ ăn uống của trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và các bà mẹ cho con bú. Chương trình Lương thực Thế giới dự báo số trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể tăng tới 20% do ảnh hưởng của tình trạng mất an ninh lương thực, đồng nghĩa có thêm 10 triệu trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay.
Nước sạch, vệ sinh và thực hành vệ sinh tốt là điều cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em, và đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em ở những khu vực nghèo và kém phát triển, các vùng chiến sự hay các trại tị nạn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không đảm bảo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước và vệ sinh. Ước tính có hơn 700 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì các bệnh tiêu chảy liên quan đến nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh và con số này có thể tăng mạnh nếu các dịch vụ cung cấp nước sạch hiện nay bị sụp đổ.
Đại dịch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của trẻ. Nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã ghi nhận trong thời gian các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được áp đặt, nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng đối với trẻ em và phụ nữ. Trẻ em vừa là nạn nhân, vừa là người chứng kiến các vụ bạo lực để lại những sang chấn và ám ảnh tâm lý nặng nề.
Bên cạnh đó, việc các em phải chuyển sang học trực tuyến và dành nhiều thời gian trên các nền tảng ảo cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực. Môi trường ảo khiến các em dễ trở thành nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục, dụ dỗ và lừa gạt trên mạng. Chưa kể trường học đóng cửa và suy thoái kinh tế có thể đẩy nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải lao động sớm hoặc bị biến thành những chiến binh bất đắc dĩ tại các nước có chiến sự, hoặc trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn.
Rõ ràng dịch COVID-19 đang tác động tới mọi mặt đời sống của trẻ em trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho trẻ em. Trước tình hình này, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã kêu gọi các nước cần đặt quyền và nhu cầu phát triển của trẻ vào vị trí trọng tâm của các giải pháp ứng phó dịch COVID-19. Đầu tháng Tư vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra chương trình nghị sự toàn cầu gồm 6 trụ cột để bảo vệ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, trong đó "sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em" là trụ cột đầu tiên được đề cập.
Nhiều quốc gia cũng đã triển khai và mở rộng các chương trình hỗ trợ xã hội cho các gia đình bị mất thu nhập, trong đó hơn 80 nước cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em và gia đình các em. Đơn cử như Bolivia, quốc gia Nam Mỹ này đã triển khai chương trình Bono Familia để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp có con em không được hưởng các bữa ăn dinh dưỡng tại trường học trong thời gian cách ly. Chính phủ Đức cũng tạo điều kiện để những gia đình mất thu nhập do COVID-19 có thể dễ dàng tiếp cận khoản trợ cấp dành cho trẻ em. Kể từ khi các trường học trên khắp cả nước đóng cửa vào tháng Ba, Chính phủ Anh đã triển khai chiến lược phiếu ăn quốc gia nhằm đảm bảo những bữa ăn dinh dưỡng cho 1,3 triệu học sinh.
Trên quy mô toàn cầu, UNICEF đã đề xuất một kế hoạch hành động khẩn trương gồm ba nội dung chính. Thứ nhất, trợ cấp tiền mặt trên diện rộng cho trẻ em, theo đó khẩn trương hỗ trợ để các gia đình bị mất thu nhập do dịch bệnh có tiền mặt mua thực phẩm dinh dưỡng, được chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và được tiếp cận các dịch vụ khác. Thứ hai là khẩn trương có những chính sách tài chính mạnh mẽ để tiếp tục cung cấp những dịch vụ xã hội có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và với giá hợp lý, bao gồm cả lĩnh vực y tế giáo dục. Cuối cùng, tiếp cận toàn xã hội là hết yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất.
Có thể nói đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có tiền lệ đối với quyền lợi, sự an toàn và phát triển của trẻ em thế giới. Những rủi ro này có thể được giải quyết hiệu quả nếu có sự sự chung tay của gia đình và toàn xã hội, cũng như giữa những quốc gia, để thế hệ làm chủ tương lai không trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
TTXVN