loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo các chuyên gia an ninh, chỉ chưa đầy 2 năm nữa, Triều Tiên rất có thể sở hữu và triển khai vũ khí hạt nhân. Và một khi điều đó xảy ra, châu Á sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ chưa từng có kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Kể từ khi Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa bay xa 3.700 km ngày 28/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổng cộng có 6 cuộc điện đàm, trong đó có những lần kéo dài đến gần tiếng đồng hồ. Trong mỗi cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đều cam kết đảm bảo Mỹ sẽ đứng sau Nhật Bản “100%”. Theo nguồn tin chính phủ Nhật Bản, có lúc chỉ trong một cuộc điện đàm mà Tổng thống Trump lặp lại lời hứa đó đến 5 lần.
Đối với Thủ tướng Abe – người luôn mong muốn xây dựng một mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Trump từ khi nhà tỷ phú ra vận động tranh cử, những lời nói của Tổng thống Mỹ đánh dấu bước thay đổi lớn so với quan điểm của chính ông hồi còn vận động, khi ông thường xuyên chỉ trích ngân sách mà quốc phòng Mỹ chi cho châu Á.
Mặc dù có lời cam kết từ Tổng thống Trump, ban lãnh đạo quân sự và chính trị Nhật Bản bắt đầu nghi ngờ liệu Mỹ có dám mạo hiểm đánh mất Los Angeles hay New York chỉ để cùng Nhật Bản thực hiện một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, trong bối cảnh “thể chế bị cô lập” Đông Bắc Á kia luôn lên tiếng đe dọa xóa sổ Washington với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân.
“Khi Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân, thiết chế an ninh giữa đồng minh Mỹ-Nhật tuy vẫn còn mạnh song không thể nào bảo vệ hoàn toàn cho Nhật Bản”, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho hay.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực nghi ngờ về chính sách cũ tồn tại hàng chục năm trời và đồng minh khi Triều Tiên đang ngày càng hoàn thiện phát triển năng lực tên lửa hạt nhân. Những lần thử liên tiếp của nước này đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nổi giận và kêu gọi kiềm chế lại. Ở Seoul, Tổng thống Moon Jae-in cuối cùng đã phải đồng ý cho phép triển khai hê thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi THAAD. Tại Tokyo, các nhà hoạch định quân sự kêu gọi hệ thống phòng thủ tên lửa của quốc gia phải được nâng cấp khẩn với ngân sách lớn, để ứng phó với mối đe dọa mới.
Theo các chuyên gia an ninh, chỉ chưa đầy 2 năm nữa, Bình Nhưỡng đã có thể sở hữu và triển khai vũ khí hạt nhân. Và một khi việc đó xảy ra, châu Á sẽ có thể chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ chưa từng có, kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Masao Okonogi – một chuyên gia về Triều Tiên đồng thời là giáo sư tại Đại học Quốc tế Tokyo nhận định: “Ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân để đáp trả mối đe dọa Triều Tiên. Nhật Bản cũng nhiều lần đề cập đến việc triển khai tên lửa Aegis ngay trên mặt đất. Dù họ có làm như thế nào đi chăng nữa, việc tăng cường quân sự của các nước trong khu vực sẽ khiến căng thẳng leo thang, đặc biệt là liên quan đến Nga và Trung Quốc”.
Giáo sư Okonogi và các chuyên gia khác đều nhất trí cho rằng họ không nghĩ rằng sẽ có một “hiệu ứng domino” hạt nhân trong khu vực, với quan điểm phản đối vũ khí của Nhật Bản và Hàn Quốc thì lại nằm trong thỏa thuận hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, bất kỳ mâu thuẫn nào nảy sinh từ những lần mở rộng quân sự sẽ tạo ra nguy cơ mới trong khu vực vốn dĩ đã có nhiều căng thẳng. Trong một vài năm tới, châu Á sẽ không ổn định hơn.
Truyền thông Nhật Bản hiện râm ran thông tin rằng CHDCND Triều Tiên đang bí mật đóng tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên mà nước này kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Bao nhiêu tên lửa là đủ?
Tháng 8 vừa qua, chứng kiến màn đấu khẩu quyết liệt giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với những lời đe dọa tấn công tên lửa lẫn nhau, cả thế giới đã đứng ngồi không yên khi thấy cả hai nhà lãnh đạo ở ngay bờ vực chiến tranh.
Thậm chí, đến ngay cả người dân Hàn Quốc – những người đã quá quen thuộc với các hành động đe dọa từ nước láng giềng – nay cũng bắt đầu lo lắng, với 76% người tham dự một cuộc điều tra thăm dò thực hiện tuần trước lo ngại lần thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ phá vỡ hòa bình trên Bán đảo.
Tại Nhật Bản, nỗi lo lắng xuất hiện ngay trên đầu vào rạng sáng 29/8, khi một quả tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua đảo Hokkaido rồi rơi xuống Thái Bình Dương. Vụ phóng lần đó của Triều Tiên đã kích hoạt hệ thống báo động khẩn của Nhật Bản J-Alert, với toàn bộ công dân khu vực phía bắc đất nước nhận được tin nhắn từ chính phủ “Tên lửa bay ngang qua”.
Hiện hệ thống phòng thủ của Nhật Bản đang bao gồm hệ thống Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo đặt trên tàu và tên lửa đất đối không PAC-3.
Giới phê bình cho rằng dàn hệ thống đó là không đủ để ứng phó trước một cuộc tấn công từ Triều Tiên với tên lửa đạn đạo. Nhật Bản có 4 tàu Aegis, và 3 trong số đó phải được điều động cùng một lúc tới Biển Nhật Bản để cung cấp vòng bảo vệ căn bản. Tuy nhiên những tàu này cũng chỉ mang theo được một số lượng nhất định tên lửa đánh chặn, và số lượng này thì không thể bảo vệ được Nhật Bản trước loạt tên lửa chết người phóng từ Triều Tiên. Tàu Aegis khi hết tên lửa đánh chặn, sẽ phải quay trở lại căn cứ để tải thêm.
Trong trường hợp tên lửa đánh chặn Aegis đánh trượt một tên lửa của Triều Tiên, nhiệm vụ của PAC-3 sẽ phải là bắn hạ nó. Tuy nhiên, hiện PAC-3 phần lớn lại lắp đặt ở khu vực nông thôn, và mỗi hệ thống chỉ có thể bảo vệ khu vực trong bán kính 10 km. Điều đó đồng nghĩa với việc cả đất nước Nhật Bản cũng không thể được bảo vệ hoàn toàn.
Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn lắp đặt trên đất Aegis Ashore – có khả năng bảo vệ trên một diện tích rộng lớn hơn. Tuy nhiên việc triển khai lắp đặt sẽ phải kéo dài một bài năm và chi phí cho một hệ thống đánh chặn là quá lớn, lên tới 18,5 triệu USD.
Một nhà phân tích quân sự Nga cho rằng cuộc kiểm tra quả bom hạt nhân B61-12 mới được nâng cấp trên sa mạc Nevada của không quân Mỹ có thể đồng nghĩa với dấu hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho chiến tranh sau khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và như Bình Nhưỡng nói thì đây là "khúc dạo đầu" trước khi tấn công đảo Guam.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon tuy phản đối những lời đề xuất từ phe bảo thủ khuyên nước này nên xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình song ông cũng tăng ngân sách cho quốc phòng.
Gần đây nhất, Tổng thống Moon tuyên bố kế hoạch sẽ chi 38 triệu USD cho quốc phòng trong năm tới, còn con số trong năm nay sẽ dừng ở 35 triệu USD.
Không chỉ có vậy, Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo thông báo kế hoạch đào tọa một “đơn vị cắt ngọn” mới nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công tràn qua biên giới.
Tuy nhiên theo Kotani – một nghiên cứu viên cấp cao thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, các kế hoạch mở rộng quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc không đại diện cho một cuộc đua vũ trang quy mô lớn trong khu vực. Đó chỉ là động thái phản ứng trước Triều Tiên và Trung Quốc. Quy mô và tốc độ tăng cường hoàn toàn khác biệt so với kế hoạch mở rộng quân sự ở hai nước kia. Có lẽ Triều Tiên và Trung Quốc sẽ lấy kế hoạch của chúng ta ra làm cái cớ cho họ mở rộng quân sự lớn hơn”.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
loading...