“Bác sĩ tử thần” muốn hiến xác để… triển lãm
Tiến sĩ Gunther von Hagens, người có biệt danh “Bác sĩ Tử thần”, tâm sự với tờ Bild am Sonntag rằng ông đang bị tổn thương do mắc căn bệnh Parkinson. “Tôi muốn chuẩn bị bản thân để được trải qua quá trình nhựa hóa và đang tìm chỗ mình sẽ được trưng bày sau khi chết” - người đàn ông 65 tuổi nói một cách bình thản.
Von Hagens cho tờ báo biết rằng căn bệnh đã trở nặng, tới mức ông “bắt đầu co giật không thể kiểm soát nổi sau mỗi lần bị căng thẳng dù rất nhỏ”. “Đôi tay tôi run lên bần bật, miệng tôi không thốt nổi lên lời, cử động của tôi trở nên rời rạc. Lần này rồi lần khác, tôi vấp ngã ở khắp nơi như một đứa trẻ. Tôi đã bắt đầu mất đi những kỹ năng từng có và tôi biết chúng sẽ không bao giờ trở lại nữa” - Von Hagens nói.
Gunther von Hagens sinh tháng 1/1945 tại Kalisch, Ba Lan. Cha ông đưa cả nhà tới Đức sống. Do mắc chứng máu bị loãng, Von Hagens đã từng có 6 tháng nằm trong viện sau một lần bị thương. Thời gian nằm viện kéo dài khiến ông quan tâm tới y học và tới năm 1965 ông đã theo học tại Đại học Jena. Năm 1975, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Heidelberg. Ông ngăn chặn quá trình phân hủy của các xác chết bằng cách thay thế toàn bộ dịch trong cơ thể người chết bằng silicone.
Ông kể lại quá trình tìm ra phương thức “nhựa hóa” như sau: “Khi còn là một trợ lý viên giải phẫu, tôi đã nhìn thấy mẫu vật đầu tiên của mình nằm trong một khối nhựa polymer và thắc mắc vì sao người ta lại rót polymer ra ngoài thay vì đổ vào bên trong để ổn định mẫu vật từ trong ra ngoài.
Tôi không thể gạt câu hỏi này ra khỏi đầu mình. Vài tuần sau, tôi phải chuẩn bị một loạt các lát cắt thận người cho một dự án nghiên cứu. Quá trình thông thường gồm nhúng thận vào paraffin, rồi cắt thành những lát mỏng, dường như làm tôi mất quá nhiều sức, do tôi cứ phải cắt 50 lát mới dùng 1 lát”.
Trong một lần tới hàng thịt, Von Hagens thấy người bán hàng cắt thịt xông khói bằng máy. Ông bèn nảy ra ý định sử dụng cái máy cắt thịt đó để cắt những miếng thận. Tiếp đó, khi quan sát việc thả những lát thận đã cắt được vào dung dịch nhựa dẻo plexiglas và hút các bọt khí nổi lên bằng máy hút chân không, ông đã nghĩ ra ý tưởng bơm dung dịch này vào trong lát cắt. Việc này hoàn toàn có thể diễn ra nếu lát cắt thận đã nhúng plexiglas tiếp tục được nhúng vào dung dịch acetone. Nhựa sẽ hòa vào acetone và ngấm vào trong miếng thận. Acetone sau đó được hút ra bằng máy chân không. Von Hagens đã thử nghiệm và thất bại bởi acetone và plexiglas phản ứng với nhau, khiến miếng thận bị đen lại. Không nản chí, ông thay plexiglas bằng silicone và kết quả đã thành công mỹ mãn.
“Chuyên gia” thu hút bê bối
Trong 20 năm đầu kể từ khi ra đời, kỹ thuật nhựa hóa được Von Hagens dùng để bảo tồn các mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu y học. Tới đầu những năm 1990 mới xuất hiện các phương tiện hiện đại giúp nhựa hóa toàn bộ cơ thể người, với mỗi cơ thể có thể mất tới 1.500 giờ công để hoàn tất.
Khi có trong tay số lượng kha khá các xác chết được nhựa hóa, Von Hagens đã tổ chức cuộc triển lãm cơ thể người đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1995. Trong vòng 2 năm tiếp theo, ông mở rộng quy mô các cuộc triển lãm, đặt cho nó cái tên Body Worlds, trong đó trưng bày nhiều cơ thể người chết đã được nhựa hóa. Những cơ thể này được đặt trong các tư thế khác nhau giống như trong đời thật, mô phỏng lại nhiều hoạt động của đời sống con người.
Kể từ đó, triển lãm đã xuất hiện trên hơn 50 thành phố ở khắp thế giới, nhận được nhiều lời khen chê và cả chỉ trích. Các nhóm tín ngưỡng đã kịch liệt phản đối triển lãm của Von Hagens, nói rằng ông không tôn kính người đã khuất. Tuy nhiên các cuộc triển lãm Body Worlds 2, 3 và 4 của Von Hagens vẫn đón nhận hơn 26 triệu khách tham quan.
Song nổi tiếng luôn đi kèm với tai tiếng. Tháng 2/2004, tờ Ssddeutsche Zeitung của Đức loan tin rằng Von Hagens đã đề nghị trả khoản tiền lớn cho Alexander Sizonenko nếu ông đồng ý hiến tặng cơ thể cho hoạt động nhựa hóa sau khi chết. Sizonenko là một trong những người cao nhất thế giới, với chiều cao 2,48m, đã từ chối lời đề nghị.
Tháng 10/2003, một ủy ban điều tra của Quốc hội Kyrgyzstan cáo buộc Von Hagens đã nhận trái phép và tiến hành nhựa hóa vài trăm xác chết từ các nhà tù, viện tâm thần và bệnh viện ở nước này. Von Hagens nói rằng ông chỉ nhận được 9 xác từ các bệnh viện ở Kyrgyzstan và không một xác nào được sử dụng trong triển lãm Body Worlds.
Tháng 1/2004, tờ Der Spiegel nói rằng Von Hagens đã kiếm được một số xác chết vốn là tử tù bị hành quyết ở Trung Quốc. Ông phản pháo bằng tuyên bố không rõ nguồn gốc của các xác chết và đã đem các xác gây tranh cãi đi hỏa táng.
Giấc mơ của bác sĩ tử thần
Các cuộc triển lãm Body World và hoạt động bán những mẫu nhựa hóa cho nhiều trường y để phục vụ giảng dạy đã biến Von Hagens thành triệu phú. Tuy nhiên giàu có dường như không phải ước muốn lớn nhất của Von Hagens. Ông từng thổ lộ rằng mục tiêu tối thượng của bản thân là thành lập “Bảo tàng Con người”, nơi hoạt động triển lãm giải phẫu người có thể được trưng bày vĩnh viễn.
Von Hagens cũng bày tỏ ý định sẽ nhựa hóa cơ thể mình sau khi chết và xẻ một phần cơ thể ra, gửi tặng nhiều trường đại học. Ông nói rằng việc này sẽ giúp bản thân có thể dạy ở nhiều nơi cùng lúc, điều ông đã không thể làm được khi còn sống. Trong cuộc trò chuyện với Bild am Sonntag mới đây, Von Hagens dự đoán bản thân chỉ còn 7 năm nữa để sống. Ông cho biết đã chọn một góc nhỏ trong nhà máy của mình ở thị trấn Guben, phía Đông nước Đức, làm nơi trưng bày phiên bản nhựa hóa bản thân sau khi qua đời.