A+ A A- Kiểu đọc sách

Anh và EU nối lại các cuộc đàm phán để hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit

14:00 06/12/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Anh và EU sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit tại Brussels sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Những cái lắc đầu lạnh lùng và 'đòn cân não' trong màn chốt đàm phán Brexit

Những cái lắc đầu lạnh lùng và 'đòn cân não' trong màn chốt đàm phán Brexit

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc tối 16/10 với những cái lắc đầu lạnh lùng từ phía các nhà lãnh đạo EU về một thỏa thuận thương mại sau khi Vương quốc Anh rời khối (gọi là Brexit), cùng với việc để ngỏ lời mời London tiếp tục đàm phán.

Ngày 6/12 (theo giờ địa phương), Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit tại Brussels sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Hai bên đã nhất trí thực hiện nỗ lực cuối cùng để hoàn tất một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12.

Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Johnson và Chủ tịch EC diễn ra sau khi các đoàn đàm phán của Anh và EU gặp bế tắc và buộc phải tạm dừng các cuộc đàm phán vào cuối ngày 4/12. Theo một tuyên bố chung giữa ông Johnson và bà von der Leyen, hai bên tiếp tục có "những khác biệt đáng kể" về một số vấn đề quan trọng mà từ lâu đã làm đình trệ tiến độ đàm phán.

Mặc dù nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những khác biệt này, hai bên đồng ý rằng các nhóm đàm phán cần phải nỗ lực hơn nữa để đánh giá xem liệu có thể được giải quyết những bất đồng hay không.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) tại cuộc gặp ở London ngày 8/1/2020. 

Trước đó, ngày 4/12, người phát ngôn của Thủ tướng Johnson cho biết cuộc đàm phán thương mại giữa nước này với EU hiện ở "điểm rất khó khăn". Ông đồng thời nhấn mạnh thời gian đàm phán không còn nhiều và bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng phải tôn trọng chủ quyền của Anh. 

Một thỏa thuận hậu Brexit đóng vai trò quan trọng để tránh gây gián đoạn thương mại sâu sắc cho cả hai bên, vốn có thể làm suy yếu các nền kinh tế vốn đã bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19.

Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 để thảo luận với EU về một thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm này.

Việc không đạt được thỏa thuận trước "thời hạn chót"  31/12 dự kiến sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, mà Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất lớn hơn.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...