loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn vẫn nghi ngờ về việc thiết bị thông minh đã ăn sâu vào đời sống con người đến mức nào? Hãy xem cách người ăn xin ở Trung Quốc sử dụng điện thoại và mã QR làm công cụ “giao dịch”.
Báo chí địa phương đã chia sẻ thông tin mới lạ về những người nghèo khổ ra đường xin tiền ở thành phố Jinan thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Các “đệ tử cái bang” này tụ tập ở những nơi đông khách du lịch, cầm bát xin tiền có in sẵn mã QR (mã vạch hai chiều).
Nếu bạn là người hào phóng, bạn đơn giản chỉ cần bật điện thoại lên, quét mã QR in sẵn mà người ăn xin chìa ra sau đó chuyển một số tiền vào tài khoản của họ.
Bất kỳ ai sử dụng Alipay, WeChat Wallet hay các ứng dụng thanh toán thực tuyến qua điện thoại đều có thể quét mã QR và tặng tiền. Vậy người ăn xin ở Trung Quốc đều sở hữu điện thoại thông minh ư? Không phải vậy, theo truyền thông nước này, điều đó là rất hy hữu.
Tuy nhiên, kể từ khi người hảo tâm không nhất thiết phải chuyển tiền ủng hộ cho người ăn xin thì họ càng dễ dàng bị thuyết phục quét mã hơn. Theo công ty tiếp thị kỹ thuật số China Channel, rất nhiều người ăn xin ở Bắc Kinh nhận được tiền thanh toán từ các doanh nghiệp địa phương cho mỗi lần mã QR của họ được người đi đường quét.
Các doanh nghiệp này lợi dụng những lần quét đó để thu thập dữ liệu người dùng từ tài khoản WeChat của họ rồi bán cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Những thông tin cá nhân này sẽ bị dùng để quảng cáo hay làm phiền tới người dùng. Mỗi lần quét QR, người ăn xin sẽ được doanh nghiệp trả 0,7 – 1,5 nhân dân tệ (2.500 – 5.000 đồng). 45 giờ “làm việc” chăm chỉ mỗi tuần có thể đem về cho họ thu nhập trung bình trong tháng là 4.536 nhân dân tệ (khoảng 15,5 triệu đồng) – tương đương với mức lương tối thiểu mà người lao động ở Trung Quốc nhận được.
Câu chuyện này nghe có vẻ lạ lẫm đối với người nước ngoài, nhưng cần lưu ý rằng Trung Quốc có lẽ là quốc gia đang tiến gần nhất với một nền kinh tế không tiền mặt và mã QR chính là lý do của điều này.
Thứ mã hai chiều màu đen và trắng được sử dụng trong mọi hình thức: từ thanh toán tại các cửa hàng tới tặng tiền tại đám cưới. Trên thực tế, thanh toán qua di động ở Trung Quốc đã gia tăng gấp 50 lần so với ở Mỹ trong năm 2016, tức 5,5 nghìn tỷ USD.
Nhà nghiên cứu thói quen người tiêu dùng Chen Yiwen, Trung Quốc đang ở trên bờ vực của một nền “kinh tế mã vạch”. “Trung Quốc đã bắt đầu chuyển dịch sang một nền kinh tế không tiền mặt nhanh hơn bất cứ ai có thể hình dung, phần lớn bởi vì sự lan rộng của loại mã vạch hai chiều. Nó tạo ra một nền kinh tế mới dựa trên các mã quét”, ông Chen nhận xét.
Thú vị rằng người ăn xin ở phương Tây cũng chẳng tụt hậu so với “đồng nghiệp” Trung Quốc là bao. Vài năm trước, Damien Preston-Booth – một người ăn xin ở London, Anh – bỗng trở nên nổi tiếng khi sử dụng đầu quẹt thẻ di động và nhận tiền ủng hộ qua thẻ tín dụng.
Khoác lên mình những bộ quần áo rách rưới, nhếch nhác, lê lết ở ngoài đường nhưng thu nhập của “cái bang” ở chùa Bái Đính vào mùa lễ hội lên đến 4-5 triệu đồng/ngày.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức
loading...