Thế giới vật lộn phục hồi sau cú sốc 'thiên nga đen'
(Thethaovanhoa.vn) - “Thiên nga đen” – tức hiện tượng kinh tế vô cùng hiếm xảy ra và không thể dự đoán trước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế - đang được dùng để chỉ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bất ngờ xuất hiện, khiến thế giới “ngả nghiêng”, cú sốc “thiên nga đen” này đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây gián đoạn hoạt động sản xuất, du lịch…, đồng thời làm chao đảo các thị trường tài chính. Dù để lại những hệ lụy nặng nề, song dịch COVID-19 lại được nhìn nhận là “cơ hội vàng” để các quốc gia “thức tỉnh” và hướng tới những cải cách mang tính bền vững nhằm vực dậy nền kinh tế.
"Tấn công" Trung Quốc vào đúng dịp “xuân vận” (người dân đổ về quê ăn tết Nguyên đán), virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã “càn quét” khắp các châu lục trên thế giới với tốc độ lây nhiễm chóng mặt không phân biệt biên giới, quốc gia, giàu nghèo...
Hàng loạt quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh, hàng loạt lĩnh vực như xuất-nhập khẩu, du lịch, hàng không.. .đều bị đình trệ. Tất cả đã khiến nền kinh tế các nước phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva (Cri-xta-li-a Gioóc-ghê-va) phải thừa nhận nguy cơ thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau “Đại khủng hoảng” những năm 1930; và dự đoán kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ “tăng trưởng âm ở mức sâu”.
Trước những thách thức lớn do dịch COVID-19, việc tìm ra những giải pháp và hướng đi đúng đắn để khôi phục nền kinh tế với “sức đề kháng” tốt hơn, giúp chống chọi hiệu quả những “cơn bão” bất ngờ, được xem là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Từ tránh “bỏ trứng vào một giỏ”…
Nếu như năm ngoái, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đã khiến nhiều quốc gia cũng như tập đoàn suy tính tới việc đa dạng hóa nguồn cung, thì dịch COVID-19 hiện nay được xem là chất xúc tác thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn.
Trong “cơn bão” dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ những điểm yếu, nhất là với những quốc gia, ngành hàng, lĩnh vực phụ thuộc đầu vào từ các nước trong tâm dịch. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, quốc gia không chỉ giữ vai trò một trung tâm sản xuất quốc tế mà còn là thị trường tiêu dùng lớn vào loại hàng đầu thế giới, đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất của các nước “trở tay không kịp” khi không có các nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu.
Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ô COVID-19 cũng chính là cơ hội để các nước cũng như các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm vá “lỗ hổng” này, cũng như hướng tới việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Hiện một số nước đã nhận ra sự cần thiết, thậm chí là cấp bách, của việc đa dạng hóa, đa phương danh mục sản xuất, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) đã đề xuất xây dựng một nền kinh tế có khả năng ứng phó tốt với tình trạng hệ thống cung ứng bị đứt gãy.
Trong gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp được thông qua hồi tháng Tư, Chính phủ Nhật Bản còn kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng vì COVID-19, theo đó dành 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản di dời cơ sở sản xuất về nước hoặc đưa đến các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ cũng đang thảo luận với một số quốc gia như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản... về cách thức “tái cấu trúc các chuỗi cung ứng" để ngăn tái diễn những gì đang xảy ra khi dịch COVID-19 bùng phát.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, tại phiên họp trù bị của các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) diễn ra hồi tháng Ba vừa qua ở Đà Nẵng, Việt Nam đã nêu sáng kiến đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giải quyết những thách thức mới của ASEAN. Theo đánh giá, ý tưởng đa dạng hóa chuỗi cung ứng không những giải quyết được những thách thức do dịch bệnh COVID-19, mà còn giúp ASEAN ứng phó hiệu quả với bất kỳ tình huống bất lợi nào sau này.
Là nền kinh tế với độ mở cao sau hơn 30 năm đổi mới và gần 15 năm hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng không tránh khỏi những “dư chấn” nặng nề do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần hướng tới các nguồn cung ứng thay thế, đơn cử như các doanh nghiệp điện tử, điện máy hay dệt may có thể chuyển hướng tích cực hơn sang các thị trường có khả năng cung cấp sản phẩm tương tự như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia....
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định về lâu dài, điểm mấu chốt là các nước cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cung cấp vật tư, nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, góp phần giảm nhập siêu và thúc đẩy xuất khẩu. Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ hạn chế đáng kể tình trạng phụ thuộc và khó khăn kinh tế do gián đoạn nguồn cung.
Vì vậy, lựa chọn đúng nhà cung ứng kết hợp xây dựng nguồn cung cấp ngay tại trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu được xem là “công thức” hiệu quả giúp không chỉ Việt Nam mà còn các nước khác trên thế giới chủ động kiểm soát, giảm thiểu tắc nghẽn nguồn cung cũng như rủi ro của những cú sốc tương tự trong tương lai.
…tới “phục hồi xanh”
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, nhiều quốc gia đang xem xét phương án khôi phục nền kinh tế theo hướng thân thiện hơn với môi trường như một giải pháp mang tính bền vững, còn gọi là “phục hồi xanh”. Tình trạng mọi hoạt động sản xuất, du lịch, hàng không…bị gián đoạn do dịch COVID-19 dẫn tới nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhờ đó cũng giảm. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán trong năm nay, lượng khí thải CO2 sẽ giảm kỷ lục 8% (2,6 tỷ tấn).
Tuy nhiên, xu hướng này chỉ mang tính tạm thời, và có thể “quay đầu” đi lên khi các nước triển khai những biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế. Trong bối cảnh các quốc gia mong muốn mang lại một “cú hích” cần thiết cho nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, việc tránh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí là điều cần phải lưu tâm.
Bài học quá khứ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy lượng CO2 nhanh chóng tăng lên khi các chính phủ tái khởi động nền kinh tế bằng những khoản chi tiêu vào các lĩnh vực làm tăng lượng carbon. Nếu các nước đi theo “công thức” cũ để vực dậy nền kinh tế, điều này có nguy cơ sẽ khuếch đại cuộc khủng hoảng y tế do ô nhiễm không khí, vốn là thủ phạm khiến hơn 5 triệu người trên toàn thế giới tử vong sớm mỗi năm.
Ngược lại, việc các nước tận dụng thời điểm hiện nay như một cơ hội để đẩy nhanh bước chuyển đổi sang các mô hình năng lượng có hàm lượng carbon thấp với giá cả ngày càng phải chăng sẽ giúp mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Lựa chọn thứ hai cũng sẽ góp phần chống lại hai cuộc khủng hoảng lớn: ô nhiễm không khí và tình trạng biến đổi khí hậu.
Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy việc theo đuổi “nền kinh tế xanh” với hàm lượng carbon thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu là cách tốt nhất để đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Theo sáng kiến Kinh tế khí hậu mới, những quyết sách chống biến đổi khí hậu táo bạo có thể mang lại ít nhất 26.000 tỷ USD lợi ích kinh tế ròng từ nay đến năm 2030 so với hoạt động kinh doanh thông thường.
Điều này bao gồm tạo ra hơn 65 triệu việc làm “carbon thấp” mới vào năm 2030, tương đương với lực lượng lao động của Mỹ và Ai Cập gộp lại hiện nay. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Mỹ năm 2009 cũng đã mang lại một số lợi ích kinh tế - xã hội như tạo ra khoảng 900.000 việc làm năng lượng sạch ở Mỹ từ năm 2009 đến 2015.
Một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Mỹ và Anh đã kết luận các chương trình đầu tư công "xanh" quy mô lớn sẽ là giải pháp hiệu quả giúp tiết kiệm chi phí nhất để vừa hồi sinh các nền kinh tế chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, đồng thời giúp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Các tác giả đã xem xét hơn 700 chính sách kích thích kinh tế được đưa ra trong hoặc sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và khảo sát 231 chuyên gia tại 53 quốc gia, bao gồm cả các quan chức cấp cao cho tới các bộ trưởng tài chính và các ngân hàng trung ương.
Kết quả cho thấy các các dự án "xanh" như thúc đẩy năng lượng tái tạo hoặc hiệu suất năng lượng tạo ra nhiều việc làm hơn, mang lại lợi nhuận ngắn hạn cao hơn và tăng tiết kiệm chi phí dài hạn so với các biện pháp kích thích truyền thống.
Nhiều nhà đầu tư, chính trị gia và doanh nghiệp đã nhận thức được những rủi ro khi chi tiền vào các hoạt động carbon cao, cũng như lợi ích của việc chuyển sang một “nền kinh tế carbon thấp”, có sức chống chịu dẻo dai với mọi biến động. Các nhóm nhà đầu tư hàng đầu toàn cầu, hiện quản lý hàng nghìn tỷ USD tài sản, cho rằng các nước giàu nhất thế giới cần phải đảm bảo các kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 một cách bền vững và góp phần đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cũng theo các nhóm này, tiền đầu tư cho quá trình phục hồi nên được chi cho tạo việc làm và cơ sở hạ tầng bền vững, giúp đạt được mục tiêu không tạo ra khí thải cácbon ròng trong các lĩnh vực như năng lượng, chế tạo, xây dựng và vận tải. Vừa qua, hơn 50 tổng giám đốc điều hành của ngành ngân hàng và bảo hiểm, bao gồm các tên tuổi như BNP Paribas, AXA, Allianz và Santander, đã gia nhập Liên minh “phục hồi xanh” do Nghị viện châu Âu khởi động.
Những nhân vật này đã nhận ra tầm quan trọng của việc phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng COVID-19 với quá trình chuyển đổi sinh thái để cứu và thay đổi nền kinh tế châu Âu.
- Nền kinh tế Mỹ sẽ cần 1 đến 2 năm để phục hồi sau dịch
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm phấn đấu không để nền kinh tế bị đổ gãy
- Dịch COVID-19: Giới đầu tư cảnh báo về ý định của Tổng thống Trump mở cửa trở lại nền kinh tế
Trong nguy có cơ, dịch COVID-19 có thể để lại những hệ lụy nguy hại cho các nền kinh tế, song cũng tiềm ẩn thời cơ để các nước nhìn nhận rõ hơn và đưa ra những quyết sách quyết liệt hơn để vực dậy nền kinh tế theo hướng bền vững.
Suy xét và rút kinh nghiệm từ những bài học “vượt bão” trong quá khứ, các quốc gia có thể nhận diện rõ hơn “thể trạng” của nền kinh tế đất nước, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu, không chỉ làm hồi sinh mà còn nâng cao “sức đề kháng” cho nền kinh tế. Đây được xem là liều “vaccine” hiệu quả giúp các nền kinh tế ứng phó tốt trước những “giông bão” khó lường trong tương lai, tương tự như “thiên nga đen” COVID-19.
Phương Oanh/TTXVN