Thế giới tuần qua: Ồn ào nước Mỹ vùng vằng rút khỏi UNESCO
(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Động thái này "phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO".
- Nguồn gốc xung đột Israel - Palestine: Những hiệp ước hòa bình mong manh
- Nguồn gốc xung đột Israel - Palestine: Căn nguyên thù hận
- Israel cấm quan chức Palestine nhập cảnh
Palestine đạt được thỏa thuận hòa giải lịch sử
Ngày 12/10, đảng Fatah và phong trào Hồi giáo Hamas tại Palestine đã ký thỏa thuận hòa giải sau các cuộc đàm phán tại Cairo do Ai Cập làm trung gian bắt đầu từ ngày 10/10 vừa qua.
Các nguồn tin tham gia đàm phán cho biết thỏa thuận trên được Phó thủ lĩnh phong trào Hamas Salah al-Aruri và người đứng đầu phái đoàn đàm phán bên phía Fatah Azzam al-Ahmad ký kết.
Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí chuyển giao quyền kiểm soát hành chính Dải Gaza và cửa khẩu Rafah ở Gaza cho chính phủ đoàn kết Palestine. Chính quyền này cũng sẽ triển khai khoảng 3.000 nhân viên cảnh sát tới Dải Gaza như một phần của thỏa thuận.
Việc Hamas chấp thuận chuyển giao quyền kiểm soát tại Gaza cho chính phủ được Fatah hậu thuẫn đánh dấu một sự thay đổi quan trọng, một phần xuất phát từ lo ngại về nguy cơ bị cô lập tài chính và chính trị sau khi Qatar - nhà tài trợ chính của phong trào Hamas bị liên minh các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Các đại diện của hai phía đối địch đã gặp nhau tại Cairo trong tuần để thảo luận về chi tiết quá trình chuyển giao quyền lực, bao gồm vấn đề an ninh cho Gaza và biên giới. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu tập trung vào việc thành lập chính phủ thống nhất với sự tham gia của nhiều phong trào chính trị tại Palestine trong một hội nghị khác ở Cairo vào ngày 21/11 tới.
Kết thúc buổi đàm phán, trước kết quả đạt nhiều hi vọng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh thỏa thuận hòa giải đạt được giữa hai phe phái đối lập, đồng thời coi đây là "thỏa thuận cuối cùng" nhằm chấm dứt sự chia rẽ kéo dài một thập kỷ giữa hai phong trào này.
Một quan chức hàng đầu trong đảng Fatah cho biết lần đầu tiên trong một thập kỷ Tổng thống Palestine Mahmud Abbas sẽ thăm Dải Gaza. Hãng tin AFP dẫn lời ông Zakaria al-Agha - thủ lĩnh cấp cao của Fatah ở Dải Gaza, cho biết: "Ông Abbas sẽ thăm Gaza trong vòng chưa đầy một tháng".
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Abbas và chúc mừng về thỏa thuận hòa giải với Hamas, đồng thời tuyên bố Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Palestine “lấy lại trách nhiệm tại Gaza”.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án mạnh mẽ thỏa thuận giữa Fatah và Hamas, đồng thời tuyên bố nó sẽ làm cho hòa bình với Israel khó đạt được hơn nhiều, cũng như không chấp nhận chính phủ đoàn kết Fatah-Hamas của Palestine trừ khi Hamas giải giáp vũ khí và chấm dứt những hành động thù địch với Israel.
Tuyên bố từ văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Israel sẽ theo dõi sát sao tình hình và có phản ứng phù hợp”.
Mỹ và Israel rút khỏi UNESCO
Một diễn biến đáng chú ý khác trong tuần, cùng ngày với thỏa thuận lịch sử tại Palestine được ký kết, Mỹ và Israel đồng thời tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Mỹ tuyên bố động thái này "phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel".
Không lâu sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố nước này sẽ rút khỏi UNESCO. Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ ông Netanyahu đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel chuẩn bị các thủ tục để rời khỏi UNESCO cùng với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi nhậm chức cho đến nay luôn bày tỏ ủng hộ Israel. Chính vì vậy, đối với UNESCO nơi sự ủng hộ Palestine những năm gần đây rất cao, việc cả Mỹ và Israel rời khỏi tổ chức là điều không tránh khỏi.
Sau cuộc xung đột bùng phát giữa hai phe vào năm 2007, Hamas kiểm soát Dải Gaza trong khi đảng Fatah đứng đầu chính quyền hoạt động ở Bờ Tây. Kể từ tháng 3/2009, Ai Cập đứng ra làm trung gian đàm phán hòa giải giữa 2 phe phái này. Thỏa thuận hòa giải do Ai Cập soạn thảo năm 2009 được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5/2011.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức