(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/11, danh hiệu “Người phụ nữ của năm” đã thuộc về Victoria Beckham trong lễ trao giải lần thứ 25 của tạp chí danh tiếng Glamour.
Trên thảm đỏ, Victoria đã nở nụ cười hiếm thấy khi nhận giải thưởng được trao bởi chính con trai cả Brooklyn Beckham. Chứng kiến thành công của Victoria, người ta tự hỏi, sức mạnh nào đã giúp người phụ nữ gày gò này có thể làm được như vậy?
Thời trang, kinh nghiệm và sự khôn ngoan
Đầu tiên hãy nói về thời trang, lĩnh vực đã đưa tên tuổi của Vic lên tầm quốc tế. Vic đặt chân vào cánh cửa của làng thời trang với những bước chập chững. Là một nhà thiết kế tay ngang, Vic gặp phải những ánh mắt nghi ngại khi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Bản thân Vic cũng hoài nghi về khả năng thành công của bản thân. Cô thừa nhận mình quá yếu những kiến thức về kỹ thuật thời trang. “Tôi hầu như không biết gì. Tôi cứ bắt tay vào làm, học hỏi. Rồi qua thời gian, tôi tiếp tục học hỏi. Cứ đi mãi rồi cũng sẽ thành đường, đúng không nhỉ?”, cô nói trong cuộc phỏng vấn với The Independent.
Thứ mà Vic học hỏi là rút kinh nghiệm từ thất bại của những người đi trước. Trong quá khứ, chẳng hiếm các trường hợp ngôi sao ca nhạc, điện ảnh cho ra thương hiệu thời trang riêng. Chẳng hạn như Jennifer Lopez với Sweetface hay House of Dereon gắn với tên tuổi của Beyonce Knowles. Hướng đi của những thương hiệu này là sản xuất mặt hàng giá phải chăng, đánh vào tầng lớp bình dân nhờ tên tuổi của chủ sỡ hữu. Kết quả- thất bại thảm hại.
Vic chọn cho mình con đường khác. Cô tập trung xây dựng một thương hiệu cao cấp. Chiếc áo khoác từ bộ sưu tập mùa Xuân năm nay của Vic được đăng tải trên tạp chí Vogue (Mỹ) được bán lẻ với giá 2.250 bảng Anh. Túi xách của Vic có giá khá tương đồng tùy thuộc vào dòng vật liệu. Để sở hữu nó, bạn cần có ít nhất hơn 10.000 bảng Anh trong thẻ visa.
Trong vai trò là một Giám đốc sáng tạo, Vic thường mở ra những cuộc thảo luận với các cộng sự. Cô thu thập, phân tích và đưa ra quyết định của riêng mình sau khi đã giải đáp được tất cả những câu hỏi hiện lên trong đầu. “Mình thích mặc gì nhỉ? Mặc thế này mình cảm thấy ra sao? Nó có thoải mái không? Làm thế nào để nó trở nên hoàn hảo hơn nữa?...”. Đặt mình trong vai trò của một khách hàng chính là mấu chốt đem đến thành công cho Victoria. Đó chính là lý do tại sao cô luôn tự làm mẫu cho những thiết kế của mình.
Thời trang Anh đã coi Vic là “người nhà”
Từ 2008 đến 2011, qua 3 năm khổ ải, làng thời trang Anh chính thức thừa nhận thành công của Vic thông qua giải thưởng British Fashion Awards. Ba năm sau, Vic trở thành “Doanh nhân của năm” trong lễ trao giải của tạp chí Business Entrepreneur. Thành tựu của Vic được đánh giá không phải vì tên của cô, vì danh tiếng của chồng, mà qua doanh thu mà thương hiệu thu về. Nó đạt 30 triệu bảng, tăng 2.900% trong 5 năm.
Từ Anh sang Mỹ, từ Mỹ về Anh, Vic qua lại như con thoi. Cô còn đóng vai trò là đại sứ của UNAIDS - chương trình của LHQ với mục tiêu tiến tới loại bỏ đại dịch AIDS, là mẹ của 4 đứa con, một đang ở độ tuổi mới lớn và bé Harper chỉ mới 4 tuổi. Vic đã làm gì để có thể cân bằng cuộc sống bận rộn đó? Khác với sự kiêu kỳ bắt gặp mỗi lần xuất hiện trước ống kính máy quay, Vic chia sẻ rất chân thật về cuộc sống của một người mẹ.
Cô chẳng nhận mình là siêu nhân, có thể hai tay làm được tất cả. Vic nấu ăn rất tệ. Dù đã được đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay và một số bạn thân dạy nấu ăn, nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Vì David thích ăn đồ nấu ở nhà, Vic đã giải quyết chuyện này bằng cách thuê hẳn một đầu bếp riêng cho gia đình.
Còn việc chăm sóc con? Có lúc Vic cảm thấy mệt nhoài, có lúc lại thấy có lỗi với bọn trẻ vì cô quá bận rộn. Tâm tư này được Vic chia sẻ với nhà thiết kế đàn chị Diane von Furstenberg để tìm lời khuyên. “Đó là người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ và khâm phục. Chị ấy vừa làm việc miệt mài, vừa chăm sóc hai đứa con rất tốt”, Vic nói.
Nhưng trong mắt của hàng triệu phụ nữ trên thế giới, Vic cũng hoàn hảo như cách mà cô nhìn nhận về đàn chị Furstenberg.
Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa