'Thế giới những ngày qua' của Stefan Zweig: Một châu Âu đa diện bằng văn chương trác tuyệt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Thế giới những ngày qua - Hồi ức của một người dân châu Âu (dịch giả: Phùng Đệ & Trần Nam Lương) vừa được Phoenix Books và NXB Hồng Đức ấn hành, là cuốn sách độc đáo của văn hào Stefan Zweig, một trong những hồi ký xuất sắc và nhân văn nhất thế kỷ 20.
Stefan Zweig (1881-1942) là nhà văn, nhà nhân văn và nhà hòa bình chủ nghĩa người Áo gốc Do Thái, bắt đầu viết hồi ký (bằng tiếng Đức) từ năm 1934. Ngay sau lúc Hitler lên cầm quyền và bùng nổ phong trào bài Do Thái, cũng là lúc ông rời Áo sang Anh sinh sống.
Sau khi hoàn thành cuốn hồi ký và gửi bản thảo này cho nhà xuất bản, hai vợ chồng ông tự sát tại nhà riêng vào ngày 22/2/1942. Hồi ký được xuất bản lần đầu ở Stockholm (Thụy Điển) năm 1942 và sau được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Ba cuộc đời
Chiến tranh đã ba lần làm đảo lộn cuộc sống cá nhân và gia đình Zweig, tước bỏ mọi gốc rễ của ông và cả mảnh đất nuôi sống các gốc rễ đó, biến ông thành một công dân châu Âu sống viễn du, một người không tổ quốc. Ông phải lưu vong, càng cay đắng hơn nữa khi phải sống cô độc ngay trên tổ quốc mình, khắp nơi ông là người xa lạ. “Cùng lắm là khách trọ ở nơi mà số phận ít thù địch với tôi nhất”…
Tất cả biến cố trên ở một ý nghĩa nào đó khiến Zweig “tự thấy được giải thoát” vì người không còn sự gắn bó, không còn mối liên hệ ở nơi nào cả “sẽ không còn quan tâm đến cái gì cả”. Ông trở thành người của chủ nghĩa thế giới, nhiệt thành cổ vũ cho hòa bình.
Zweig được nuôi dưỡng ở Vienne, thành phố lớn với hai ngàn năm lịch sử, bấy giờ đã trở nên già nua mê ngủ, rồi phải từ biệt nó như một kẻ tội phạm trước khi Vienne trở thành tỉnh lẻ của Đức. Zweig là chứng nhân của hai cuộc thế chiến đã làm nhân loại đau đớn, ông phải bất lực chứng kiến chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa quốc gia với những giáo điều và cương lĩnh chống nhân loại, đẩy đưa nhân loại “vào trạng thái dã man tưởng như đã lãng quên từ rất lâu rồi”.
Thế hệ không có lối thoát của Zweig bị ép buộc phải chứng kiến và trải nghiệm “những cuộc chiến tranh không tuyên chiến, những trại tập trung, những nhục hình và những cưỡng đoạt hàng loạt”. “Những trận ném bom các thành phố không phòng thủ, tất cả những hành vi thú vật mà năm mươi thế hệ vừa qua không biết đến và hy vọng rằng các thế hệ tương lai cũng không còn phải chịu” - (trang 19).
Để là chứng nhân của “sự thất bại kinh khủng nhất của lý trí và sự chiến thắng dã man nhất của tính tàn bạo” đó, Zweig đã phải sống qua ba cuộc đời - ba thời kỳ kế tiếp nhau, được ông kể lại xuyên suốt trong cuốn sách. Thời vàng son của sự yên bình ở Vienne và đế quốc Áo-Hung từ cuối thế kỷ 19 cho tới trước Thế chiến thứ nhất (1914). Thời hậu chiến với nhiều hỗn loạn cùng những hy vọng mơ hồ tại châu Âu (1918-1933). Và những năm tháng ảm đạm, những dự cảm u tối về số phận của người Do Thái khi chủ nghĩa quốc xã bành trướng dẫn đến Thế chiến thứ hai năm 1939, cũng là thời điểm kết thúc cuốn hồi ký.
Lá thư tuyệt mệnh đầy bao dung
Stefan Zweig, lúc 19 tuổi, đến Bruxelles (Bỉ) chỉ vì muốn gặp nhà thơ Bỉ sáng tác bằng tiếng Pháp Émile Verhaeren. Duyên kỳ ngộ, Zweig được diện kiến với Verhaeren qua vợ chồng nhà điêu khắc Van der Stappen. Sau ba giờ đồng hồ tiếp xúc, chàng thanh niên có quyết định liều lĩnh, dành hai năm dịch tác phẩm thi ca và kịch của thi nhân khi đó còn ít được biết tới ở châu Âu, nhờ đó tên tuổi của Verhaeren được biết đến ở nước Đức nhiều hơn là ở tổ quốc ông.
Zweig viết một đoạn ngắn về chuyện này: “… nếu như ngày hôm nay tôi phải khuyên một nhà văn trẻ còn chưa chắc chắn về đường đi của mình, tôi sẽ cố gắng thuyết phục anh ta phục vụ cho một tác phẩm lớn với tư cách là thông dịch viên hay dịch giả. Có nhiều điều yên ổn đối với một người mới bắt đầu trong công việc phục vụ vô tư hơn là trong sáng tác cá nhân, và không có gì mà người ta đã hoàn thành với một tinh thần hoàn toàn hy sinh là việc làm vô ích cả” - (trang 172).
Đó cũng là khoảng thời gian Zweig trải nghiệm “Trường đại học của cuộc sống”, sau khi cánh cửa trường trung học mà ông gọi là “đáng kinh tởm” khép lại sau lưng, rời xa cái xã hội Vienne “tử tế” mệt mỏi để đến với chân trời mới ở Berlin đầy năng động. Phần thưởng cho nỗ lực dịch thuật ấy là Zweig được những người bạn của Verhaeren ở nước ngoài chú ý, về sau trở thành bạn của ông.
- 75 năm chiến thắng phát xít: Lãnh đạo Mỹ, Đức tưởng nhớ các nạn nhân
- 75 năm chiến thắng phát xít: Những bài ca vượt qua lửa đạn - Niềm tin xua đi 'Đêm tối'
Theo thời gian, qua dịch thuật và sáng tác, Zweig trở nên nổi tiếng và có được vị thế nhất định trên văn đàn. Ông giao du, làm quen và kết thân với hầu hết những văn nghệ sĩ trên thế giới lúc bấy giờ. Qua tập hồi ký này, độc giả có cơ hội biết thêm và hiểu đúng về các trí thức, văn thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà tâm lý, nhà điêu khắc, nhà soạn nhạc, diễn viên bậc thầy ở châu Âu thời kỳ đó như Gerhart Hauptmann, Richard Strauss, Luigi Pirandello, James Joyce, Jakob Wassermann, Thomas Mann... và còn nhiều nữa, một danh sách dài dằng dặc, với nhiều câu chuyện thú vị. Họ đã có với nhau một tình bạn cao đẹp, không biên giới, không có khoảng cách ngôn ngữ.
Là một trí thức có tâm hồn nhạy cảm nhưng phải nhượng bộ trước áp lực của thời đại, nhìn thấy chiến tranh hủy diệt các giá trị văn hóa-nghệ thuật, Zweig cảm khái, đau đớn, tiếc nuối, khép mình im lặng ghi lại trong hồi ký tất cả mọi thứ “với một nỗi xấu hổ”, nhưng cũng đầy bao dung, về một thế hệ hùng mạnh về trí tuệ bị rơi xuống sự sa đọa của đạo đức.
Viết hồi ký nhưng Zweig không đề cập đến chuyện đời tư của mình, ông sắm vai nhà bình luận bộ phim kể về số phận của cả một thời đại, “một thế hệ kỳ lạ và đầy ắp số mệnh […] mà ít thế hệ khác có được trong tiến trình lịch sử” - (trang 15), với tất cả sự chân thật và tính vô tư. “Sống và để cho người khác sống” là một châm ngôn tuyệt đỉnh ở Vienne, đọc hồi ký ta thấy tinh thần nhân đạo đó bàng bạc trong những con chữ của Stefan Zweig.
Đây có thể là cuốn sách hay nhất viết về đế chế Habsburg Áo-Hung. Một cuốn biên niên sử xuất sắc về châu Âu, và về giới văn nghệ sĩ châu Âu nói riêng, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Phác họa được một châu Âu văn minh, huy hoàng và hoang tàn qua hai cuộc thế chiến, một châu Âu đa diện được Zweig chụp lại bằng thứ văn chương trác tuyệt.
Nguyễn Quang Diệu