Thế giới hơn 465 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 6 triệu ca tử vong
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ tính đến 8h ngày 18/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 1,88 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 465.612.610 ca, trong đó có 6.086.873 ca tử vong. Số ca bình phục là 397.568.906 ca. Hiện có 63.422 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 81,35 triệu ca nhiễm và 996.066 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với hơn 43 triệu ca, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 516.312 ca. Với hơn 29,3 triệu ca mắc và 656.487 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 95,94 triệu ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 55,4 triệu ca. Số ca nhiễm tại châu Phi hiện là hơn 11,65 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 4,46 triệu ca nhiễm.
- Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu
- Bộ trưởng Y tế Đức: Tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn bao giờ hết
Cụ thể, ngày 18/3, Hàn Quốc ghi nhận 407.017 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 8.657.609 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 301 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 11.782 người, tỷ lệ tử vong là 0,14%.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với các tỉnh, thành phố còn lại vào đúng thời hạn 21/3, đồng thời chuyển trọng tâm sang khôi phục kinh tế. Với quyết định này, toàn bộ 18 tỉnh, thành phố gồm có Hokkaido, Aomori, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, Aichi, Gifu, Ishikawa, Kyoto, Osaka, Hyogo, Kagawa và Kumamoto sẽ bình thường hóa tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội lần đầu tiên sau hai tháng rưỡi.
Giới chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định, mặc dù dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nhưng không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 7 với biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”) được đánh giá có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.
Do đó, điều quan trọng là chính quyền các địa phương phải tiếp tục củng cố hệ thống y tế và người dân được khuyến cáo nên thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như sát khuẩn, đeo khẩu trang, cố gắng tránh tụ tập đông người cũng như tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường.
Biến thể Omicron cũng đang lây lan mạnh ở châu Âu, khiến số ca mắc COVID-19 trong khu vực tiếp tục tăng. Đức dẫn đầu khu vực với 296.980 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.140.525 ca. Trong khi đó, Pháp ghi nhận 101.747 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 23.860.194 ca.
Anh báo cáo 89.717 ca mắc mới và thêm 138 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 20.001.627 ca và 163.386 ca. Với 34.819 ca mắc mới được ghi nhận, số ca mắc tại Nga hiện là 17.484.257 ca, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 là 363.039 ca sau khi có thêm 561 người không qua khỏi.
Từ ngày 18/3, Cộng hòa (CH) Séc sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đối với những người đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và 8 quốc gia châu Âu khác. Đối với khách đến từ các quốc gia khác ngoài EU, bao gồm những người đã ở lại các quốc gia đó trên 12 giờ trong 14 ngày trước khi nhập cảnh CH Séc, các quy định vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, Chính phủ Italy đã quyết định giảm bớt một số biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 và sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 31/3 tới. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết những người tiếp xúc với những người dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không còn phải cách ly, trừ những người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Mọi công dân trên 50 tuổi chưa tiêm vaccine vẫn có thể làm việc nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà như nhà hàng, phòng tập thể dục, hồ bơi, rạp hát và vũ trường cũng như nơi làm việc cho đến ngày 30/4.
Mặc dù dịch bệnh trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết còn quá sớm để kêu gọi tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa COVID-19. Phát biểu tại họp báo thường kỳ của EMA, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, ông Marco Cavaleri cho rằng các quy định phòng dịch kiểu chắp vá ở nhiều nước có thể là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Canada ngày 17/3 đã phê duyệt việc sử dụng Spikevax - vaccine phòng COVID-19 của Moderna - cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Loại vaccine hai mũi này, với liều 100 microgram/mũi, đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Liều dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi là hai mũi, với 50 microgram/mũi.
Phương Oanh/TTXVN