Thế giới có gần 36 triệu người sống kiếp nô lệ
Theo "Báo cáo về tình trạng nô lệ toàn cầu năm 2014" công bố ngày 17/11 của Quỹ Walk Free - tổ chức xã hội hoạt động vì quyền con người có trụ sở tại Australia, ước tính có khoảng 35,8 triệu người trên thế giới đang sống như những nô lệ. Con số này tăng mạnh so với thống kê năm ngoái cho thấy trên thế giới có khoảng 29,8 triệu người bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức và đối xử tàn tệ.
Trong lần thống kê mới nhất này, bản danh mục cũng xếp hạng trong tổng số 167 quốc gia, Ấn Độ là nước có số người thuộc diện này cao nhất, lên tới 14,3 triệu người trong tổng số 1,25 tỷ dân. Theo sau đó lần lượt là Trung Quốc (3,2 triệu), Pakistan (2,1 triệu), Uzbekistan (1,2 triệu), Nga (1,05 triệu), Nigeria (834.200), CHDC Congo (762.900), Indonesia (714.100), Bangladesh (680.900) và Thái Lan (475.300).
Trong khi đó, tính theo tỷ lệ dân số, Mauritania tiếp tục là quốc gia đứng đầu về số người bị bóc lột và đối xử tàn tệ - chiếm 4% của tổng số 3,9 triệu người dân. Theo sau là Uzbekistan, Haiti và Qatar. Trong đó, tình trạng này tại quốc gia sẽ đăng cai World Cup 2022 Qatar đã xấu đi nghiêm trọng khi nhảy vọt từ vị trí 96 trong bảng xếp hạng năm trước lên vị trí thứ tư. Quốc gia vùng Vịnh này đã khiến các nhóm nhân quyền đặc biệt quan ngại về chế độ đãi ngộ hà khắc đối với các công nhân di cư, chủ yếu đến từ châu Á. Các nước còn lại trong top 10 lần lượt là Ấn Độ, Pakistan, CHDC Congo, Sudan, Syria và CH Trung Phi. Thống kê cho biết chỉ riêng 10 quốc gia này đã chiếm tới 71% số nô lệ toàn cầu.
Quỹ Walk Free định nghĩa nô lệ thời hiện đại là những người bị kiểm soát, mất tự do, bị bóc lột sức lao động, là nạn nhân của nạn buôn người, hôn nhân cưỡng ép, trẻ em bị ép buộc cầm súng và bị lạm dụng tình dục...
TTXVN