Thế giới có 295.436.446 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.473.043 ca tử vong
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 9h sáng 5/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 295.436.446 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.473.043 ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 256 triệu ca.
Đại học John Hopkins (Mỹ) ngày 4/12 đưa ra con số thống kê đáng lo ngại rằng nước Mỹ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới hơn một triệu ca chỉ trong một ngày - mức cao kỷ lục toàn cầu trong bối cảnh chủng virus Omicron phát tán với tốc độ quá nhanh và người dân vừa qua kỳ nghỉ lễ mừng Năm mới. Con số đáng lo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế cấp cao của Chính phủ Mỹ - cảnh báo số ca nhiễm mới tại Mỹ đang tăng vọt và sẽ đạt ngưỡng đỉnh trong vài tuần tới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), biến thể Omicron chiếm 95,4% các trường hợp nhiễm mới do COVID-19 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/1. Dữ liệu mới cho thấy biến thể Omicron đang hành hoành với tốc độ lây lan nhanh tại Mỹ, thay thế cho biến thể Delta vốn chiếm phần lớn số ca nhiễm COVID-19 trước đây. Theo CDC, chỉ hai tuần trước đó, vào tuần kết thúc vào ngày 18/12, biến thể Omicron chỉ chiếm 38% các trường hợp ở Mỹ.
Làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã khiến hơn 3.200 trường học tại Mỹ phải đóng cửa trong tuần này. Ở các bang trường học vẫn mở cửa, trong đó có bang New York, các giáo viên và cha mẹ học sinh đều bày tỏ lo ngại đại dịch sẽ diễn biến phức tạp, kể cả khi người dân đã được tiêm chủng rộng rãi. Hiện tỷ lệ dương tính tại New York là 33%, tức là cứ 3 người xét nghiệm thì có một người dương tính với COVID-19.
Hiện giới chức Mỹ đang nỗ lực để có thể tìm ra giải pháp dung hòa vừa bảo vệ sức khỏe người dân mà vừa không khiến nền kinh tế bị đóng cửa hoặc phải tạm dừng các dịch vụ thiết yếu. Một trong các biện pháp chủ lực Mỹ đang tích cực thực hiện vẫn là tiêm chủng rộng rãi mũi vaccine tăng cường đồng thời quyết định cho phép trẻ em 12 tuổi trở lên được tiêm mũi thứ 3 của hãng Pfizer.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận số ca mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng ngay cả tại Nhà Trắng, qua đó ông kêu gọi các công dân Mỹ chưa tiêm vaccine nên tiêm chủng ngừa COVID-19, trong khi những người đã chủng ngừa đầy đủ tiêm thêm mũi tăng cường.
Ngày 4/1, hãng thông tấn quốc gia Mauritania cho biết Tổng thống Mohamed Ould Ghazouani của nước này đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, Chính phủ Chile cũng thông báo Ngoại trưởng Andres Allamand của nước này đã mắc COVID-19 trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh tại Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Chile, ông Allamand không có triệu chứng đặc biệt nào và đang tuân thủ các quy định y tế hiện hành. Trong thời gian Ngoại trưởng Chile cách ly tại Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Carolina Valdivia sẽ tạm thời thay mặt ông đảm nhận công việc.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trong những tháng gần đây, Chile đang ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 bùng phát trở lại trên toàn quốc trong vài tuần qua. Chỉ riêng trong ngày 3/1, Chile ghi nhận 1.058 ca mắc mới và một ca tử vong, đưa tổng số ca COVID-19 kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên hồi tháng 3/2020 lên 1,8 triệu người, với 39.174 trường hợp tử vong.
Tỷ lệ dương tính trên toàn quốc, vốn ổn định ở mức dưới 3% trong nhiều tháng, đã tăng lên 3,8% sau khi có kết quả xét nghiệm PCR của 25.783 trường hợp vào ngày 4/1. Trong khi đó, 518 bệnh nhân COVID-19 hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại quốc gia Nam Mỹ này.
Ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người dân nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận khoảng 600 ca nhiễm biến thể Omicron. Trước tình hình này, cơ quan chức năng buộc phải đẩy sớm lịch tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 vốn được lên kế hoạch cho tháng 2/2022. Hiện 92% dân số Chile đã được tiêm hai mũi và 94% đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, hơn 11,3 triệu người trong tổng số 19 triệu công dân nước này đã được tiêm mũi tăng cường.
- Mỹ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong một ngày cao kỷ lục toàn cầu
- Nhiều nhà khoa học nhận định thế giới cần học cách chung sống với đại dịch Covid-19
Làn sóng lây lan dịch COVID-19 cũng đang tăng mạnh tại một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó số ca mắc mới trong 2 ngày qua tại Saudi Arabia đã tăng hơn 2 lần, lên hơn 2.500 trường hợp. Cả 6 quốc gia vùng Vịnh đều xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên số liệu dịch bệnh công bố hằng ngày không nêu chi tiết về số ca nhiễm từng biến thể của virus SARS-CoV-2
Saudi Arabia là quốc gia lớn nhất khu vực với dân số khoảng 30 triệu người, trong ngày 4/1 đã ghi nhận 2.585 ca mắc COVID-19, so với khoảng 1.000 ca công bố hôm 2/1. Tuy nhiên, số liệu này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi tháng 6/2021 với 4.700 ca/ngày. Trước đó hôm 30/12/2021, chính quyền Saudi Arabia đã áp dụng lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Nước này cũng đã khuyến nghị người dân hạn chế xuất cảnh trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.
Trong khi đó, nước láng giềng Qatar ghi nhận 1.695 ca mắc mới trong ngày 4/1, cao nhất kể từ mùa Hè năm 2021. Những ngày qua, người dân Qatar đã xếp hàng dài tại các điểm chờ xét nghiệm kháng nguyên (PCR) và từ tháng 1/2022, nước này cũng tái áp dụng quy định học trực tuyến đối với học sinh. Người đứng đầu cơ quan tiêm phòng vaccine của Qatar Soha al-Bayat cho biết, làn sóng lây nhiễm trong 2 tuần qua là do liên quan biến thể Omicron và nhiều ca mới ghi nhận là do chưa được tiêm chủng, trong đó có trẻ em và những người đã tiêm hai mũi từ hơn 6 tháng trước đó.
Trung tâm thương mại và du lịch của khu vực - Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 2.500 từ hôm 2/1. Hiện UAE đang đăng cai tổ chức triển lãm thế giới trong tháng cao điểm của mùa du lịch.
Kuwait trong ngày 4/1 ghi nhận 1.492 ca mắc mới, tương đương mức độ dịch hồi tháng 7/2021. Trước đó, chính quyền nước này đã cấm các sự kiện tập trung đông người và đóng cửa không phận cho đến ngày 28/2 tới.
Bahrain từ tháng 5/2021 đã đạt đỉnh dịch với khoảng 3.000 ca/ngày sau đó giảm xuống còn khoảng 100 ca/ngày từ tháng 7 cùng năm. Đến ngày 4/1/2022, Bahrain này ghi nhận gần 900 ca mắc mới. Nước này từ tháng 12/2021 cũng đã hạn chế các hoạt động không thiết yếu đối với những người đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Bộ Y tế Maroc cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. Bệnh nhân là một phụ nữ lớn tuổi chưa được tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19. Theo bộ trên, tính đến chiều 4/1, Maroc ghi nhận tổng cộng 971.961 trường hợp mắc COVID-19 và 14.867 ca tử vong.
Cũng trong ngày 4/1, Chủ tịch Viện Y tế công cộng quốc gia (INSP) của Cape Verde - bà Maria da Luz Lima thông báo biến thể Omicron đã lây lan ở nước này. Bà Luz Lima đồng thời thúc giục người dân tiêm vaccine và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Theo bà Lima, hơn 300 mẫu xét nghiệm được gửi đến Viện Pasteur ở Dakar (Senegal) một tuần trước, trong đó 87% dương tính với biến thể Omicron.
Bà Lima nhấn mạnh rằng theo các nghiên cứu, biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn 30% so với các biến thể Delta hoặc Alpha. Do đó, bà Lima kêu gọi người dân cần hết sức thận trọng, vì khả năng bị nhiễm virus luôn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng.
Trước đó một ngày, Giám đốc Y tế quốc gia Cape Verde Jorge Barreto đã đưa ra nhận định rằng biến thể Omicron là nguyên nhân khiến tình trạng mất kiểm soát dịch bệnh ở nước này trong những ngày gần đây. Ông cũng thông báo rằng những người từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở dịch vụ y tế của Cape Verde bắt đầu từ ngày 4/1.
Thanh Phương/TTXVN