Thể Công trong trái tim tôi
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi chỉ được nghe thôi chứ đã bao giờ được nhìn thấy cầu thủ bóng đá gần như bây giờ! Sao trông họ oai hùng thế không biết! Đặc biệt cái áo đẹp quá, ước gì mình được mặc cái áo có hàng chữ QĐND trước ngực như thế nhỉ?
- Thể Công trong trái tim tôi
- Thể Công trong trái tim tôi
- Viettel tuột vé lên V-League: Mong manh 'hậu duệ' Thể Công
Chú Quýnh nhìn tôi thân thiện và nháy mắt ra ý chào tôi. Tôi nổi hết gai ốc trong người! Hôm nay, tôi đã được chứng kiến tận mắt cầu thủ bóng đá Thể Công bằng xương, bằng thịt rồi. Ấn tượng về cầu thủ bóng đá Thể Công đẹp quá, tuyệt vời quá ăn sâu trong tâm trí và từ đó tôi luôn mơ có ngày được khoác trên người chiếc áo có in trước ngực dòng chữ QĐND.
Và sự ám ảnh ấy lại càng da diết những ngày Thể Công trở lại biên chế của Trường SQLQVN cuối năm 1964, khi đế quốc Mỹ tăng cường đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân với quy mô chưa từng có ra toàn miền Bắc, đặc biệt khi những “Pháo đài bay” (B52) liên tục ném bom Hà Nội và các TP lớn.
Ấn tượng về các danh thủ mặc áo lính
Đầu năm 1965, Đoàn TDTT QĐ (Thể Công) đã hoàn tất việc di chuyển và đóng quân tại Trường SQLQVN. Lúc này, Thể Công rút gọn lại còn 4 đội: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và đội thể dục dụng cụ. Từ ngày Thể Công về, tôi học hành cũng sao nhãng hẳn.
Tôi quen mặt thuộc tên tất cả các cầu thủ Thể Công lúc ấy và biết tường tận họ thi đấu ở vị trí nào. Hồi ấy, đội hình Thể Công được pha trộn của nhiều lứa cầu thủ nhưng chủ lực là lớp trẻ nhập ngũ năm 1960. To cao, đẹp trai như tài tử điện ảnh là thủ môn Nguyễn Ngọc Sơn và 2 trung vệ trẻ “đẹp trai như tượng” người Hải Phòng là Nguyễn Sỹ Hiển và Nguyễn Quý Thiêm.
Hai hậu vệ biên là các cầu thủ lớn tuổi giàu kinh nghiệm và cao lớn như 2 ông hộ pháp: Nguyễn Đình Hán (phải) và Nguyễn Ngọc Chi (trái). Hàng phòng ngự Thể Công lúc này toàn cầu thủ cao trên 1m70, nặng trên 70kg, những năm ấy là của hiếm của bóng đá Việt Nam.
Hàng tiền vệ có Nguyễn Văn Vinh với biệt danh “nhạc trưởng Vinh Tàu”, bên cạnh anh là Nguyễn Gia Xuân đẹp trai và cầu thủ trẻ đá hộ công lùi là Nguyễn Mạnh Sơn. Trên hàng tiền đạo có cánh phải chạy nhanh như gió là Thái Nguyên Bền. Nghe nói anh ấy người phố Đội Cấn, Hà Nội. Người ta bảo nếu không đá bóng, Bền sẽ là VĐV điền kinh chạy nhanh nhất Việt Nam!Bên cánh trái là một cầu thủ đặc biệt, luôn thể hiện sự hài hước trong các buổi tập, đó là cầu thủ “lùn” nhất đội Vũ Thế Luân. Dáng người tròn lẳn như quả bóng cao su, ở các bài tập, chúng tôi thường thấy anh hay dẫn bóng lắt léo thật nhanh xuống sát biên ngang rồi tạt thật nhanh vào giữa cầu môn cho trung phong cắm đánh đầu hoặc sút, sau đó lộn một vòng đứng dậy chạy tiếp. Anh này vui tính lắm. Nhìn thấy bọn trẻ chúng tôi ra xem lập tức chạy đến: “Ê cu, tí nữa anh sút ra ngoài thì nhặt bóng cho anh thật nhanh nhé”.
Tháng 9/1965, tôi đã dự cuộc tuyển chọn tại Trường SQLQVN và chính thức có mặt trong danh sách 22 cầu thủ trẻ thế hệ thứ 3 của đội bóng đá Thể Công. Định mệnh đã mỉm cười với đời tôi.
(còn nữa)
Văn Sỹ Chi - “số 10 bất tử” Đặc biệt ấn tượng với bọn trẻ chúng tôi khi ấy là tiền đạo mũi nhọn, thời ấy gọi là trung phong cắm, Văn Sỹ Chi. Anh không đẹp trai nhưng đá bóng cực kỳ thông minh và tinh tế. “Đặc sản” của anh là những cú sút đưa bóng đi theo một quỹ đạo hình quả chuối bay vào góc “bánh chưng” cầu môn. Chúng tôi đã chứng kiến một buổi tập, anh sút 10 quả thì có đến 8, 9 cú trúng đích! Không chỉ chúng tôi phục sát đất mà cả đội Thể Công cũng vậy. Chúng tôi rất thích anh vì xem khi Thể Công tập, anh ấy luôn nghĩ ra những trò vui khiến không khí trên sân cực kỳ vui nhộn. Đó là chưa kể mỗi khi buổi tập tới phần “hồi tĩnh”, tức là thả lỏng kết thúc buổi tập, Văn Sỹ Chi cởi trần phô ra một cơ thể đẹp như tượng thần Poseidon của thần thoại Hy Lạp! Với bộ ngực nở căng đầy, vuông vức như 2 chiếc bánh chưng và 6 múi cơ bụng cuồn cuộn chắc nịch cộng thêm cặp giò săn chắc, cuồn cuộn cơ bắp, tôi nghĩ chắc anh ấy phải khổ luyện một cách đam mê lắm mới được thân hình lý tưởng như vậy. Các cầu thủ Thể Công thán phục tài năng Văn Sỹ Chi và gọi anh là “số 10 bất tử”. Luôn luôn là vị trí không thể thiếu trong đội hình Thể Công và ĐTQG, Văn Sỹ Chi là cầu thủ duy nhất còn lại của bộ tứ tiền đạo lừng danh Thể Công thập kỷ 1960 là Tiền (Nguyễn Thanh Tiền - tiền đạo cánh phải), Nhi (Nguyễn Văn Nhi, hộ công), Chi (Văn Sỹ Chi, trung phong cắm) và Út (Nguyễn Thành Út - tiền đạo biên trái). Anh còn thi đấu cho Thể Công đến năm 40 tuổi, sau đó về thi đấu cho CA Thanh Hóa và vẫn là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất giải VĐQG những năm 1970. Tôi không ngờ sau này mình đã rất may mắn khi được thi đấu cùng đội hình với Văn Sỹ Chi những năm 1970, khi ấy, anh đã 40 tuổi và chuẩn bị giã từ Thể Công, còn tôi thì mới được bổ sung lên đội hình chính thức. Tôi luôn nhớ những kỷ niệm về anh bởi những đường chuyền, cú sút…của anh luôn chất chứa những thông điệp tinh tế của bóng đá. Với các cầu thủ trẻ anh luôn quan tâm dìu dắt, động viên khích lệ chỉ bảo chúng tôi những gì anh thấy chúng tôi làm bất hợp lý. Tôi luôn biết ơn anh vì anh đã truyền cho tôi nhiều kiến thức bóng đá rất thực tế, đắc dụng mà không hề có trong sách vở, kể cả những tiểu xảo để lừa trọng tài và cho đối phương vào bẫy để được phạt, thậm chí là phạt 11m! Sinh ra ở Nghệ An, có năng khiếu bóng đá đặc biệt nhưng tài năng của anh chỉ được phát hiện khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Anh về Thể Công sau những màn trình diễn cực kỳ ấn tượng trong màu áo đội bóng đá Bông Lau (Quân khu Việt Bắc) ở giải bóng đá của Quân Đội. Có thể nói, Văn Sỹ Chi là cầu thủ đặc biệt của bóng đá Việt Nam… |
VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa