Thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội: Cẩn thận kẻo... chọn sai!
1. Theo như đề án đang được Sở Xây dựng Hà Nội triển khai (và gây ra nhiều tranh cãi), các loại cây chủ yếu đang tồn tại trên thành phố gồm hơn 100 loại. Và, bên cạnh những cây quá già, mục và cần chặt bỏ vì gây nguy hiểm, một số loại cây đang tồn tại không phù hợp với đô thị cả về các mặt cảnh quan, dân sinh lẫn môi trường. Cụ thể, đó là các loại cây bàng, đa, si, trứng cá... vốn dễ gây ô nhiễm do có quả rụng và dễ gẫy đổ khi gặp bão vì thân mảnh. Ngoài ra, các loại keo, dâu da, sung, bạch đàn cũng bị loại bỏ vì có rễ nông, nhiều sâu và thường mọc cong vẹo gây mất mĩ quan.
Thực tế, một lượng lớn các cây keo, dâu da, vông, trứng cá, bàng, bạch đàn, sung... xuất hiện tại Hà Nội một cách tự phát từ 1954 đến nay, khi người dân chủ động trồng để lấy bóng mát. Ngoài ra, tại những đoạn phố nhỏ như khu phố cổ, loại cây này cũng từng được trông khá nhiều do đặc điểm đường phố hình bàn cờ đan xen, vỉa hè hẹp nên phải chọn loại cây rễ ngắn, thân mảnh.
Bởi vậy, theo quy hoạch, tùy theo đặc điểm, các loại cây được trồng mới tại Hà Nội sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Điển hình, với vỉa hè nhỏ tại phố cổ, các cây được trồng mới sẽ có độ cao dưới 10 mét, rễ không ăn nổi như hoa ban, móng bò, bằng lăng, muồng. Các tuyến phố cũ có vỉa hè rộng trên 3 mét sẽ thay thế những cây mục ruỗng bằng các loại sấu, sao đen, sữa, vàng anh, dầu rái. Đối với các tuyến phố mới, trong trường hợp vỉa hè rộng 5 mét và không vướng công trình ngầm sẽ trồng sấu, chẹo, chò chỉ... Các dải phân cách rộng 4 mét sẽ chọn loại cây không giới hạn về chiều cao, có rễ cọc ăn sâu như sao đen, dầu rái, lát hoa...
2. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam, tỏ ra lo ngại về cách đánh giá các loại cây xanh trong đề án. Theo ông, đây là việc không đơn giản và cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia sinh học.
"Có những loại cây phải trồng một thời gian mới phát hiện rõ nhược điểm. Chẳng hạn, chục năm trước, Hà Nội từng ào ạt trồng trứng cá bởi hình dáng mảnh đẹp, nhiều lá ,có quả ngon - để rồi bây giờ lại bỏ đi" – GS Dũng nói. "Hoặc, tôi được đọc các thông tin rằng biết nhiều cây xanh tại Nguyễn Chí Thanh sẽ bị thay thế bằng cây vàng tâm. Đó là một lựa chọn sai lầm, bởi vàng tâm chủ yếu ưa đất chua và không phù hợp với địa hình của vùng phù sa châu thổ sông Hồng"
Tương tự, PGS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN) cũng tỏ ra e ngại khi nói về việc các cây xanh trên đường Lý Thường Kiệt sẽ bị thay thế. "Tôi không hiểu người ta sẽ trồng gì để thay cho phượng vĩ?" – ông Thông đặt câu hỏi. "Trục đường này vốn là nơi có nhiều trường học. Việc trồng phượng tại đây là khá đẹp và mang nhiều ý nghĩa- bởi với học sinh, mùa hoa phượng nở đỏ vào hè cũng là dịp kết thúc năm học".
Đặc biệt, ở góc độ một chuyên gia về đô thị, KTS Phó Đức Tùng cho rằng việc quy hoạch cây xanh hiện tại đã bỏ qua đặc điểm quan trọng về mật độ xây dựng hiện nay. Theo lời anh, những loại cây rễ lớn như sấu, sao đen, dầu rái... đều cần tới một diện tích đất và không gian lớn để phát triển khỏe mạnh."Cần nhớ, tại những khu phố cũ, mật độ xây dựng thời Pháp rất vừa phải. Còn trong điều kiện xây dựng như bây giờ, cây cỡ lớn không thể có đủ đất và không gian để phát triển rễ, lá" – KTS Tùng nói. "Bởi vậy, chúng ta đừng mong chỉ đục lỗ, đổ đất mùn là lập tức có thể trồng được những hàng cây sao, cây dầu cả trăm năm như người Pháp làm".
Một điểm thú vị: khi được hỏi về giải pháp trước mắt, các chuyên gia này đều cho rằng Hà Nội hiện nên tập trung nghiên cứu trồng cây tại những khu đô thị mới – vốn đang rất thiếu không gian cây xanh. Còn lại, những cây xanh trong lõi đô thị cũ nên được duy trì và từng bước thay thế dần nếu quá mục nát. Cách làm như vậy không những dễ nhận về sự đồng thuận, mà còn trách được khả năng "gây sốc" cho hệ sinh thái của thành phố- khi một lượng cây xanh lớn bị bỏ đi và phải mất thời gian dài để lượng cây mới lớn lên.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa