Thấy gì từ bộ tranh Lê Thị Lựu được hiến tặng?
(Thethaovanhoa.vn) - Trưng bày chuyên đề Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, giới thiệu 24 tác phẩm gốc và nhiều ký họa, phiên bản, hình ảnh, tư liệu về Lê Thị Lựu (19/1/1911 - 6/6/1988). Đây là cơ hội hiếm hoi, để giới thưởng lãm trong nước có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm của nữ danh họa hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
Để có được cơ hội hiếm hoi này, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tỏ lòng biết ơn ông Ngô Thế Tân - chồng của họa sĩ Lê Thị Lựu, vợ chồng nhà phê bình Thụy Khuê - Lê Tất Luyện đã mở lòng trao tặng các tác phẩm quý giá. Không có sự hào phóng vì văn hóa nghệ thuật này, thì có tiền tỷ cũng khó mua được cùng lúc 24 tác phẩm. Bởi Lê Thị Lựu định cư tại Pháp từ năm 1940, chỉ vẽ khoảng 250 đến 300 tác phẩm, hầu hết được lưu giữ ở Pháp và châu Âu, nên rất khó kiếm.
Hai lần hiến tặng
Bộ tranh hiến tặng này có 2 phần riêng biệt. Phần một gồm 18 tác phẩm lụa và sơn dầu, 2 hình chụp tác phẩm, nhiều tư liệu, hình ảnh, bản thảo thơ, bút tích… do ông Ngô Thế Tân trao cho bà Thụy Khuê lưu giữ từ ngày 8/5/1994. Ông Tân muốn nhờ bà Khuê tặng tất cả cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng sau hơn 20 năm chờ đợi, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mới được tiếp nhận. Vợ chồng bà Thụy Khuê đã tiến hành trao ngày 6/6/2018 tại Paris, Pháp. Đây là những tác phẩm “vô giá” - theo nghĩa không phải bỏ tiền mua - vì ông Tân lấy từ tài sản gia đình.
Phần 2 là 9 tác phẩm lụa và sơn dầu (8 tác phẩm của Lê Thị Lựu và 1 tác phẩm của Ngô Thế Tân) “có giá” - vì nó thuộc sưu tập của vợ chồng bà Thụy Khuê, họ đã mua bằng tiền túi. Phần này cũng được trao tại Paris ngày 19/10/2018. Trưng bày chuyên đề Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn tại TP.HCM là cuộc hồi hương và sáp nhập tác phẩm của 2 lần hiến tặng.
“Cùng thời với bà, tranh Nguyễn Phan Chánh mộc mạc, thôn dã, tranh Mai Trung Thứ hồn nhiên, ngây ngô, tranh Lê Phổ có tính cách trang trí, quang độ chan hòa, sắc độ rực rỡ, tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút. Thể hiện phái tính chăng? Chưa hẳn thế, vì trong các ký họa hay sơn dầu đôi khi cũng có những nét gân guốc như nam phái, trong tranh phong cảnh, bút và màu ảnh hưởng Cézanne” - Thụy Khuê nhận định.
Bà viết thêm: “Năm 1940, khi mới qua Pháp, nhận thấy đường lối của mình quá xưa đối với trường phái Paris (École de Paris), Lê Thị Lựu do dự và thất vọng, bà đi vào các phòng vẽ như Chaumière ở Montparnasse tìm lại nét bút, phác họa các người mẫu khỏa thân, rồi bà quay hẳn sang tranh lụa”.
“Một nữ lưu hào kiệt”
Hoàn toàn có thể gọi Lê Thị Lựu là “một nữ lưu hào kiệt” của hội họa hiện đại Việt Nam. Thời bấy giờ, trong khi đa số người dân, đặc biệt phụ nữ phải chịu cảnh mù chữ và những ràng buộc nặng nề từ Nho giáo, Lê Thị Lựu đã làm cuộc cách mạng khi thi thẳng vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1927.
Không chỉ là nữ sinh viên mỹ thuật đầu tiên, mà sức học của bà cũng rất đáng nể, năm 1932 tốt nghiệp thủ khoa. Trong 7 năm (1932-1939), bà là giảng viên mỹ thuật của nhiều trường lớn từ Hà Nội đến Sài Gòn, trong đó có Trường vẽ Gia Định.
Ngoài dạy học, bà còn là cộng tác viên của các báo và tạp chí như Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Ðàn bà mới... dùng bút hiệu Văn Ðỏ. Khi làm thơ, bà dùng bút hiệu Thạch Ẩn. Sau khi định cư tại Pháp, bà là hội viên của Union des Femmes Peintres et Sculpteurs.
“Ban đầu vẽ theo kỹ thuật Trung Quốc, nhưng màu sắc tươi hơn. Trong một thời kỳ rất ngắn, Lê Thị Lựu bị ảnh hưởng của Modigliani, sau cùng, bà chuyển hướng và tìm ra đường lối riêng biệt của mình. Tranh bà, tuy có phong cách ấn tượng, nhưng thoát ly khỏi lề lối phương Tây, tạo không khí và bản chất Việt. Cũng như phái ấn tượng, bà dùng màu tươi, bật ánh sáng, lấy nhật quang làm nền rực rỡ cho tranh, nhưng bà không chối bỏ kỹ thuật cổ điển, dùng cả sáng lẫn tối, chuyển sắc độ dần dần” - Thụy Khuê nhận xét.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi thì cho rằng: “Đây là một bộ sưu tập rất là tốt, tại vì nó có đủ chất liệu từ tranh lụa cho đến tranh sơn dầu, ký họa, phấn tiên... Đó là những tác phẩm rất có giá trị, đã nổi tiếng, người ta đã biết từ trước”.
Lê Thị Lựu thuộc bộ tứ tại Pháp, ba người còn lại là Lê Phổ, Mai Trung Thứ (còn ký Mai Thứ) và Vũ Cao Đàm. Ngày nay, tranh của họ đang được quốc tế và quốc nội ưu chuộng, nhưng trong các bảo tàng tại Việt Nam thì rất hiếm gặp.
Một lãnh đạo của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ, nếu không được hiến tặng, thì với cơ chế tài chính như hiện tại, họ còn lâu mới mua nổi tranh của bộ tứ này.
Ngay cả hai bộ tứ trong nước là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, cũng hiếm bảo tàng nào có được đầy đủ các tác phẩm đại diện tên tuổi của họ.
Văn Bảy