Thay đổi tiêu chí đánh giá dịch Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 với sự tham dự của sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành và các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 27/4 làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30/9, đợt dịch này cơ bản đã được kiểm soát. "Tuy nhiên đây là dịch bệnh mới, luôn có sự thay đổi và biến chủng mới, do đó Bộ Y tế có rất nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị, đến nay đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp; đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Đưa nhiều thuốc mới vào điều trị
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, chúng ta đã đưa ra 3 điểm quan trọng: Xây dựng gói thuốc A- gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khỏe; đưa thuốc kháng viêm-kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp và áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.
Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.
Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày đạt 72-93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra, thuốc đã giúp đã giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng.
Các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc Favipiravir, thuốc Avigan…. Hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
- Dịch Covid-19 ngày 25/11: Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 24.243 ca
- Đã tiêm đủ vaccine vẫn phải duy trì nghiêm biện pháp phòng chống Covid-19
Chia sẻ về thuốc Molnupiravir trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Bệnh viện đã triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này theo phân công của Bộ Y tế. Đánh giá sơ bộ là khả quan. Thuốc sử dụng theo đường uống tiện lợi là giải pháp tốt để triển khai điều trị diện rộng trong cộng đồng, vượt trội hơn hẳn so với các thuốc dạng tiêm hiện hành. Tính hiệu quả trên lâm sàng tương đối, tính an toàn cao với tỷ lệ biến cố bất lợi thấp, giảm đáng kể tỷ lệ chuyển nặng, chuyển tầng điều trị và tử vong.
Chương trình điều trị có kiểm soát giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế vì giúp giảm số bệnh nhân cần điều trị tích cực hoặc thở máy… Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra Molnupiravir giúp giảm một nửa nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đề xuất mở rộng tiếp cận thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; hoàn thiện quy trình phê duyệt thuốc tại Việt Nam; tiếp cận xã hội hóa nguồn thuốc, nâng cao khả năng phủ rộng cho cộng đồng.
Thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 4800, chúng ta trở về tình trạng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch.
"Trong giai đoạn đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tỷ lệ ca mắc COVID-19 ở các địa phương có thể giảm hơn so với làn sóng thứ 4. Tỷ lệ tử vong đã giảm, con số tử vong có lúc giảm dưới 3 con số, có lúc khoảng 57-58 ca/ngày trên toàn quốc. Nhờ việc thử nghiệm các thuốc chống virus đường uống tại nhà và nhờ vaccine, chúng ta đã giảm được ca trở nặng và giảm tử vong. Đến hết tháng này, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí về vaccine cho 70% người trên 18 tuổi, kể cả đối tượng trên 65 tuổi", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Hiện nay xu hướng là chúng ta không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong ở các địa phương - thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương.
Lãnh đạo Bộ cũng lưu ý các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… đánh giá theo 4 cấp độ càng nhỏ càng tốt (một khu phố, một cụm dân cư), có biện pháp ngăn chặn kiểm soát nhỏ, gọn nhưng hiệu quả. Đảm bảo y tế đến được với mọi người dân khi nhiễm tại nhà, tại cộng đồng. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói C.
Hiện nay có 3 trụ cột cần tập trung là cách ly, xét nghiệm và thu dung điều trị (tại tuyến cơ sở, tầng 2, tầng 3), trong đó quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch tại cộng đồng, giảm tình trạng bệnh nặng phải chuyển lên tầng trên. Đồng thời, các địa phương phải đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, tiêm nhắc đúng lịch và tiêm ưu tiên cho người trên 50 tuổi.
Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã điểm lại những nội dung liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. Đồng thời nhấn mạnh, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Nhận định của các nhà chuyên môn, nhà khoa học là chúng ta phải hết sức cảnh giác một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, không được lơ là và sẵn sàng ứng phó.
Bích Thủy - TTXVN