Thất nghiệp ở tuổi 37, người đàn ông sống tạm bợ ở phòng trọ toàn gián: Nay tiết kiệm gần 100 triệu nhờ ‘tự thức tỉnh’
*Dưới đây là lời kể của người đàn ông tên Li Hua, 37 tuổi trên diễn đàn Toutiao. Người đàn ông này từng lang thang ở khu vực cầu Maju kiếm sống. Đây là địa điểm nhiều người không có chỗ ở ổn định lui tới và mưu sinh bằng những công việc lặt vặt.
1. Từng làm nhiều nghề nhưng nghề nào cũng bỏ ngang
Sinh ra trong một gia đình nông dân lại không có hứng thú với việc học hành, tôi đi làm từ sớm. Giống như bạn đồng trang lứa, tôi bươn trải ngoài đời, từng làm qua rất nhiều việc. Vào năm 2003, tôi xin vào làm may ở công ty mà người quen mở.
Những tưởng sẽ ổn định với nghề này nhưng tôi phải làm rất nhiều, thời gian làm từ 10-12 tiếng. Lâu dần, bản thân tôi kiệt sức và chán nản với công việc.
Một hôm, khi ngồi cạnh 2 vợ chồng trạc tuổi trung niên tóc đã điểm bạc mà vẫn gắn bó với công ty, tôi cảm thấy công việc này thật nhàm chán, cả đời cũng khó mà thăng tiến được. Vì thế tôi xin nghỉ việc ở nhà máy may.
Sau đó, tôi quyết định đi làm bồi bàn đồng thời mở một cửa hàng bán điện thoại trên phố. Vài năm sau tôi lại vào làm ở một công ty kinh doanh mỹ phẩm và nhận mức lương 20.000 đến 30.000 NDT/tháng (tương đương 70-100 triệu đồng/tháng). Với khoản thu nhập này, tôi không có gánh nặng gì nhiều trong cuộc sống.
Tuy nhiên, sau đó công ty đóng cửa vì một số lý do nội bộ. Tôi cùng 1 người bạn gom hết tiền để kinh doanh mỹ phẩm và đặt cược tất cả vào đó. Thật may mắn lần này chúng tôi thắng lớn. Thời điểm hoàng kim kiếm được 5000 - 10000 NDT/ngày (17-34 triệu đồng/ngày) là bình thường.
2. Tiêu không tiếc tay và nhận kết đắng
Khi đã thắng lớn trong kinh doanh, tôi quen với cuộc sống giàu có và sang chảnh. Tôi thường xuyên lui tới những nhà hàng đắt đỏ, chỉ cần ưng mắt là sẽ bước vào chứ không quan tâm tới chuyện tiền nong. Tôi cũng không bao giờ có ý định ăn 2 lần tại một nhà hàng, vì thế chỉ sau 3 tháng tôi đã đến hầu hết các nhà hàng ở Bắc Kinh.
Vì ăn nên làm ra trong kinh doanh nên tôi không hề nghĩ tới chuyện tiết kiệm. Tôi quá tự tin về bản thân và luôn nghĩ sau này mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi sẽ mua nhà ở thành phố lớn nhưng chưa kịp thực hiện mộng tưởng thì biến cố đã ập tới.
Sống trong sung sướng chưa được bao lâu, tôi “ngã ngựa” vì kinh doanh không khả quan. Dịch bệnh kéo đến, thị trường thay đổi đột ngột, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng… làm chúng tôi thua lỗ.
Công ty buộc phải đóng cửa vì tôi không thể gỡ gạc được khoản lỗ. Vậy là từ một ông chủ, tôi trở thành người trong túi chỉ có vài chục triệu tiền tiết kiệm.
Lúc này tôi muốn tìm một công việc khác phù hợp hơn nhưng lại không có bằng cấp. Vì thế, tôi phải tới khu vực cầu Maju để kiếm sống qua ngày. Việc đầu tiên tôi làm là bốc xếp hàng hóa tốc hành, mỗi ngày làm 12 tiếng và lương là hơn 280 NDT (900 nghìn đồng).
Chuyện sẽ không có gì nếu như tôi không vào nhà kho và lắng nghe những lời chửi bới. Người lao động vừa vất vả, làm nhiều giờ lại gặp áp lực từ giám sát viên. Sau đó, tôi nghỉ không làm công việc này nữa.
Công việc hàng ngày ở Maju thường có 4 kiểu: bốc xếp hàng hóa tốc hành, phân loại kho, làm trong nhà máy dược phẩm và nhân viên bảo vệ. Mức lương tương ứng của các công việc tay chân nặng nhọc là 290 - 300 NDT (900 nghìn đồng - 1 triệu đồng).
Thực chất làm những công việc này không cần kỹ năng hay kinh nghiệm. Chỉ cần bạn có thể lao động là đáp ứng được công việc. Tuy nhiên đây là một công việc hết sức nhàm chán.
3. Cuộc sống tạm bợ ở cầu Maju khi thất nghiệp
Từ một ông chủ, tôi phải thích nghi với cuộc sống ở cầu Maju. Dù tiền sinh hoạt ở nơi đây không hề đắt nhưng dĩ nhiên chất lượng cũng tương tự. Khi thuê một phòng đơn, chúng tôi chỉ mất 50 NDT (gần 200 nghìn đồng). Ở thời điểm thất nghiệp, tôi không cần xem xét kỹ về chất lượng phòng ốc.
Căn phòng tạm bợ chắc chắn có gián, chuột và ga gối đều không sạch sẽ. Chưa hết, mỗi phòng có tới 6-8 người ở, mỗi người lại có một thói quen sinh hoạt khác nhau nên rất khó để thích nghi.
Thất nghiệp nên cuộc sống khó khăn. Tôi từng phải tìm địa điểm để sống qua ngày. Mùa hè năm ngoái tôi sống tạm ở cầu nhưng tới mùa đông đành phải tìm chỗ mới vì ở cầu rất lạnh lẽo. Sống ở cầu Maju nhiều bất tiện nhưng ở đây người ta ít áp lực về tương lai, cứ thoải mái sống qua ngày.
4. Hành trình tìm lối thoát và thức tỉnh
Vào nửa cuối năm ngoái, bên cạnh làm công việc mới, tôi bắt đầu ghi lại những tháng ngày mình ở cầu Maju bằng các video ngắn. Sau khi các video này được phát hành, có không ít ý kiến trái chiều xuất hiện.
Có nhiều người cho rằng tôi sống tự do tự tại, có nhiều người khác lại nói rằng đây là cuộc sống vô nghĩa, nhàm chán. Nhưng nhìn chung, những video mà tôi chia sẻ nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng mạng.
Sau nhiều năm “nhảy việc”, tôi nhận ra đây chính là công việc mới đầy tiềm năng. Tôi cũng hiểu ra rằng trong quá khứ mình còn quá non nớt, không biết trân trọng công sức của mình khi “thắng lớn”. Vì thế, dù kiếm rất nhiều tiền nhưng cuối cùng tôi vẫn trắng tay.
Thời gian ở cầu Maju là một cơ hội để tôi nhìn lại những thiếu sót của bản thân. Quá trình tự thức tỉnh dù khá dài nhưng cuối cùng tôi cũng trưởng thành và chững chạc hơn. Điều quan trọng nhất là tôi không phó mặc cho số phận, biết nắm bắt cơ hội để bắt đầu một sự nghiệp mới.
Sau này, tôi tìm cách cải thiện chất lượng video và nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ cộng đồng mạng. Tôi cũng có động lực để phát triển các nội dung mình làm trong tương lai. Hiện tôi cũng có một khoản tiền tiết kiệm hơn 20000 NDT (gần 100 triệu đồng) và đến các thành phố khác nhau để tiếp tục quay các video thú vị.
Theo Toutiao