Thất bại của 'Fan cuồng' (kỳ 2): Khi nhà sản xuất phim 'nội' đang... run
(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại của Fan cuồng không chỉ là thất bại của một ê-kíp sản xuất. Thất bại này còn phản ánh tình hình thị trường điện ảnh Việt năm 2016, với sự khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Sẽ có rất nhiều người phải lo sau trường hợp này.
"Một con ngựa đau..."
Cụ thể hơn, nếu những năm trước, lác đác vẫn có phim đạt doanh thu 40 – 50 tỉ đồng thì năm nay, các nhà sản xuất đều nín thinh, không thấy ai "nổ" về doanh thu nữa. Thành tích Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thu gần 80 tỉ đồng, Em là bà nội của anh thu 102 tỉ đồng, đến bây giờ chưa nhìn thấy phim nào vượt qua được.
Năm nay, dự án được đánh giá tươm tất như Siêu trộm của Hàm Trần lấy đề tài bitcoin (tiền ảo) khá xa lạ với khán giả Việt đã không cạnh tranh được so với bom tấn Mỹ. Bộ phim được quảng bá rình rang như Truy sát cũng không ăn thua, sau đó nhà phát hành đã phải khuyến mãi mua 1 vé tặng 1 vé.
"Tấm Cám" một dự án chiếm trọn 2 năm của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đang hồi hộp chờ ngày ra rạp
Fan cuồnggần như là hi vọng cuối cùng của hè năm nay. Nó đã bị đá bay ra khỏi các rạp chỉ trong 2 tuần, gây ảnh hưởng tới tâm lý các nhà sản xuất khác. Không ảnh hưởng sao được, bởi một ê-kíp đã có thương hiệu, phim có ngôi sao, mà vẫn thất bại. Những ê-kíp khác sẽ thế nào?
Ngay sau trần tình của của Charlie Nguyễn về thất bại của Fan cuồng, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân (hiện đang sản xuất Tấm Cám) đã có những dòng chia sẻ trên mạng xã hội: "Đọc tâm sự của anh thấy người làm phim tử tế quá áp lực".
Áp lực là có thật. Các nhà sản xuất Việt hiện nay không lo phải cạnh tranh nhau. Cái thế cùng đứng rìa nhìn phim ngoại hốt bạc đã khiến các nhà sản xuất nội địa tự nhiên đứng về một phe, động viên nhau để tồn tại. Chiến thắng của phim này có thể là động lực cho phim khác. Năm 2015, sau khi phim tài liệu độc lập Chuyến đi cuối cùng của Chị Phụng chiếu thương mại thắng lợi, cảm thấy được động viên, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp mới phát dám phát hành phim Đập cánh giữa không trung.
Phim Việt thu lãi hiện nay không nhiều. Một bộ phim được khán giả ủng hộ không chỉ làm nức lòng nhà sản xuất bộ phim đó mà còn khiến những nhà sản xuất khác có động lực và niềm tin hơn. Thắng lợi của một bộ phim Việt còn có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến giành giật khán giả, cuộc chiến mà phim ngoại đang đứng ở vị trí thượng phong.
Thế lép vế
Và thất bại ở Fan cuồng cũng cho thấy số phận phim Việt hiện nay mong manh thế nào. Về chủ quan, chất lượng phim Việt phần lớn không đủ năng lực cạnh tranh. Còn khách quan, phim Việt đang phải "đấu" sòng phẳng với hàng chục phim bom tấn Hollywood, phim Trung Quốc, phim Thái... ra rạp mỗi tháng.
Hơn 50% số rạp chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nằm trong tay các doanh nghiệp Hàn Quốc. Họ mới đang là những người đang điều khiển luật chơi trên thị trường.
Đơn cử Em là bà nội của anh, một bộ phim Việt Nam nhưng làm lại từ kịch bản Hàn Quốc, do CGV đầu tư sẽ rất khác. Ngoài việc bộ phim này chất lượng tốt, thì chính sách quảng bá, cũng như số suất chiếu CGV dành cho bộ phim này là những điều các nhà sản xuất Việt Nam có nằm mơ cũng không được như thế. Nhờ vậy mà bộ phim dễ dàng cán mốc 102 tỉ đồng, giữ danh hiệu kỉ lục doanh thu cho đến thời điểm này.
Phim Việt không tốt bằng Em là bà nội của anh vẫn có cửa ra rạp, nhưng ra rạp với nguy cơ chết rất cao. Tình hình doanh thu phim Việt năm 2016 cực kỳ ảm đạm. Các nhà sản xuất đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khi số nhà phát hành phim ngoại ngày càng tăng lên, phim ngoại chen nhau vào rạp, mỗi tuần gối nhau 4-5 phim khiến "cửa" cho phim Việt càng hẹp hơn bao giờ hết.
Trong tháng 6 vừa qua, 8 nhà sản xuất trong nước đã cùng viết đơn gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam phản ánh về việc CGV vừa nắm quyền phát hành, vừa sở hữu nhiều rạp đã gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành ở Việt Nam. Đến giờ, trong số 8 đơn vị sản xuất đó có đơn vị nào chuẩn bị tung phim "ra trận" thì bắt đầu... run là vừa.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa