Thanh Thuý sắp rời đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ: Rào cản chuyên môn
Chưa có quyết định cuối cùng về việc Trần Thị Thanh Thúy sẽ về Việt Nam hay chuyển sang thi đấu cho một đội bóng khác ở châu Âu, nhưng chắc chắn là CLB Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ không sử dụng tay đập của chúng ta do không đạt yêu cầu về chuyên môn sau khi phong độ của Thanh Thúy đi xuống do chấn thương.
Trần Thị Thanh Thúy là VĐV đầu tiên và duy nhất sang châu Âu thi đấu. Đây đã là CLB nước ngoài thứ 5 của chủ công cao 1m93 này, sau các đội bóng ở Thái Lan và Nhật Bản, đều là những quốc gia có nền bóng chuyền hàng đầu thế giới. Nên xét về yếu tố kinh nghiệm và tài năng, Thanh Thúy không gặp trở ngại nào. Có lẽ vẫn đề chính vẫn nằm ở sự phù hợp về chuyên môn.
Mặc dù bóng chuyền nữ Việt Nam đang nằm trong tốp đầu châu Á, nhưng số lượng VĐV xuất ngoại vẫn không nhiều. Trước đây, đàn chị của Thanh Thúy ở đội VTV Bình Điền Long An là chủ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa từng nhiều lần sang Thái Lan thi đấu, từng vô địch quốc gia và đoạt HCV châu Á với CLB Thái Lan mà cô khoác áo. Nhưng cho đến nay, ngoài trường hợp nổi bật của Thanh Thúy, thì một số VĐV khác của bóng chuyền nữ Việt Nam cũng tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài đều không thành công.
Trong khi đó, thống kê chưa đầy đủ, thì bóng chuyền Thái Lan có hơn 24 cầu thủ được các đội bóng nước ngoài ký hợp đồng thi đấu theo dạng chính thức (trọn mùa). Số lượng lớn VĐV xuất ngoại của họ cũng phì hợp với đẳng cấp nằm trong tốp 10-15 thế giới của bóng chuyền nữ Thái Lan. Chính nhờ lực lượng tài năng này mà Thái Lan duy trì được sức mạnh của mình suốt 30 năm qua. Trong khi đó, thứ hạng thế giới của nữ Việt Nam nằm ngoài tốp 30, nên việc Thanh Thúy chưa đáp ứng được yêu cầu tại giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang nằm ớ tốp 5 thế giới, cũng là điều không bất ngờ.
Chuyện xuất ngoại của bóng chuyền, dù có thể xem là khả thi hơn nhiều môn khác, thì thực tế cho thấy VĐV của chúng ta vẫn gặp rào cản chuyên môn. Ví dụ như gần đây, có 2 VĐV nữ sang Hàn Quốc thử việc nhưng không đáp ứng được các tiêu chí của họ. Mặc dù đội tuyển nữ Việt Nam đã 2 lần đánh bại Hàn Quốc trong hơn một năm qua, thứ hạng thế giới cũng tốt hơn họ, nhưng số lượng cầu thủ của chúng ta đủ trình độ để sang Hàn Quốc thi đấu vẫn không nhiều.
Không chỉ có bóng chuyền, các chuyến xuất ngoại không thành công của các VĐV Việt Nam thường được giải thích bằng nhiều lý do, ít thấy đề cập trực diện vào yếu tố chuyên môn trong khi việc các CLB thể thao tại Việt Nam thuê ngoại binh thì lại chủ yếu dựa trên tiêu chí này. Tại sao lại nói như vậy? Bởi nhìn nhận một cách rõ ràng về chuyên môn thì sẽ giúp cho VĐV quyết định đúng về điểm đến, tránh tình trạng đi thật xa và về thật nhanh.
Trong số các VĐV từng sang châu Âu thi đấu, có lẽ thành công nhất vẫn là cua-rơ nữ Nguyễn Tị Thật khi khoác áo một số CLB tại Bỉ, Thụy Sỹ và thi đấu ở các chặng đua hàng đầu thế giới. Cũng nhờ quãng thời gian chơi tại châu Âu mà Nguyễn Thị Thật trở thành VĐV xe đạp đầu tiên giành vé dự Olympic tại Paris 2024.
Nói cách khác, trình độ của cua-rơ người An Giang này được khẳng định xuyên suốt từ trong nước đến quốc tế, từ các đấu trường Đông Nam Á đến châu Á. Bằng nền tảng chuyên môn ấy, việc hòa nhập để trụ lại tại các môi trường lớn sẽ tốt hơn, bù đắp cho các bất lợi bên lề.
Nếu Trần Thị Thanh Thúy phải rời Thổ Nhĩ Kỳ thì đó là điều tiếc nuối khi cơ hội ra sân của cô quá ít, nhưng đó cũng không hẳn là một bước lùi. Hy vọng, sẽ tạo ra được động lực cũng như giúp cô gái của chúng ta có những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.