"Thánh sale"của mọi thời đại: Người phụ nữ đăng ký quyền sở hữu Mặt trời rồi tuyên bố thu thuế nhân loại, chia hẳn đất để bán
Sau khi có được giấy sở hữu Mặt trời, bà Duran đã bán các phần đất của Mặt trời trên eBay với mức giá 1 euro/m2.
Năm 2010, một người phụ nữ 54 tuổi tên Maria Angeles Duran, đến từ Galicia, Vigo, Tây Ban Nha đã làm được điều không tưởng khi rao bán đất trên mặt trời.
Theo Dailymail, bà Duran đã đến một văn phòng công chứng ở Galicia để đăng ký Mặt trời là tài sản cá nhân của mình. Hành động của người phụ nữ này bắt nguồn từ việc bà hay tin về một công dân Mỹ đã đăng ký quyền sở hữu đối với Mặt trăng nhờ tìm thấy lỗ hổng pháp lý của Hiệp ước Không gian được ký kết năm 1967.
“Có một hiệp ước quốc tế, trong đó nói rằng không có quốc gia nào được phép tuyên bố quyền sở hữu đối với một hành tinh hay một ngôi sao, nhưng không nói gì về các cá nhân. Rõ ràng không hề có một trở ngại nào”, Maria Angeles Duran cho biết. Nhờ đó, bà Duran cũng đã sử dụng lý do tương tự vào năm 2010 để đăng ký quyền sở hữu Mặt trời và đã thành công.
Văn phòng công chứng ở Galicia đã cấp cho Duran một giấy chứng nhận ghi rõ ghi rõ bà là “Chủ sở hữu của Mặt trời, một tinh cầu có quang phổ typ G2, nằm giữa trung tâm của hệ mặt trời, cách xa Trái đất khoảng 149.600.000 km”. Sau khi có giấy tờ “hợp pháp”, bà Duran đã tuyên bố quyền sở hữu mặt trời của mình và bắt đầu thực hiện ý định áp đặt một khoản phí đối với tất cả những người sử dụng năng lượng Mặt trời.
Chia sẻ với truyền thông, bà cho biết sẽ nộp 50% số tiền thu được cho chính phủ Tây Ban Nha và 20% số đó cho quỹ lương hưu của quốc gia này. Ngoài ra, bà cũng sẽ dành tiếp 10% cho các hoạt động nghiên cứu, thêm 10% khác để góp phần chấm dứt nạn đói toàn cầu và sẽ chỉ giữ lại 10% còn lại cho bản thân.
Sau đó, bà Duran tiến hành rao bán các phần đất của Mặt trời trên eBay với mức giá 1 euro (1,10 USD)/m2 . Mặc dù hình thức kinh doanh này có vẻ kỳ cục song người phụ nữ này vẫn thành công thu về khoản tiền trị giá 1200 euro (1.325 USD) với 600 đơn đặt hàng.
Dẫu vậy chỉ 2 năm sau đó, eBay coi đó là một trò lừa đảo nên đã có hành động ngăn chặn các giao dịch kinh doanh của Duran. Không khoan nhượng, bà Duran đã đâm đơn khởi kiện trang web mua sắm trực tuyến này ra tòa và đòi 10.000 euro (11.046 USD) tiền bồi thường. Tôi làm điều này là đúng, tôi không phải là kẻ ngu dốt, tôi biết rõ Luật này.”
Trước Maria Angeles Duran, một người Mỹ tên là Dennis Hope cũng đã kiếm được một gia tài đồ sộ nhờ bán từng miếng đất trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Theo đó vào năm 1980, ông Hope gửi thư tới LHQ, Chính phủ Mỹ và Liên Xô để thông báo rằng mình là chủ sở hữu tất cả các hành tinh và vệ tinh thuộc hệ Mặt trời (ngoại trừ trái đất) và hỏi xem họ có định phản đối không. Khi không thấy LHQ lẫn Chính phủ Nga phản hồi, Hope bắt đầu bán... Mặt Trăng và biến vũ trụ thành một nơi kinh doanh, bằng cách bán đi các mảnh đất trong thiên hà.
Từ văn phòng Công ty Lunar Embassy (Sứ quán Mặt trăng) ở Nevada, doanh nhân người Mỹ bán đất trên Mặt trăng với giá 20 USD/mẫu (0,4ha). Việc buôn bán rất đơn giản, khách hàng chỉ cần trỏ vào một điểm nào đó trên bản đồ mặt trăng là Hope khoanh vùng lại và sau đó làm hợp đồng, thu tiền. Tính đến năm 2013, Hope tuyên bố đã bán tổng cộng 2,47 triệu km2 đất Mặt trăng, 1,31 triệu km2 đất sao Hỏa, cùng 500.000 km2 đất của sao Kim, sao Thủy và Io (mặt trăng của sao Thổ). Riêng tiền bán Mặt trăng, ông thu về 12 tỷ USD. Khách hàng của doanh nhân này cũng đủ mọi thành phần, từ minh tinh Hollywood đến doanh nhân, từ siêu sao thể thao đến chính trị gia.
Hope khoe rằng năm 2011, một tổ chức đã tiếp cận ông ta và đề nghị mua toàn bộ Cực Bắc Mặt Trăng với giá 50 triệu USD nhưng ông ta từ chối vì sợ có người độc quyền đất trên Mặt Trăng. Ông cũng cho hay từng bị đưa ra tòa ở Đức và Thụy Điển vì lừa đảo nhưng cả hai vụ đều bị bác vì thiếu quyền tài phán và không tòa án nào muốn giải quyết vấn đề này. Ông cũng nhận thư chửi bới và đe dọa đánh bom và cho biết đã báo Cục Điều tra Liên bang và để họ xử lý những người gửi thư đe dọa này.
Trên thực tế, theo Liên Hợp Quốc, các tuyên bố của Dennis Hope hoàn toàn hư cấu, không có cơ sở trong bất kỳ loại thực tế pháp lý nào. Theo đó, quan điểm của doanh nhân này là hiệp định năm 1967 chỉ ngăn các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên vũ trụ, chứ không có giá trị đối với tư nhân, nên hành động của ông là hợp pháp.
Tuy nhiên theo Tanja Masson-Zwaan - Chủ tịch Viện luật không gian Quốc tế, thì lệnh cấm áp dụng cho cả quốc gia lẫn cá nhân. Bà cho biết: "Việc mua bán của Hope chẳng giúp cho khách hàng thực sự có quyền sở hữu Mặt trăng". Hay nói cách khác, mớ giấy chứng nhận mua bán của Hope chẳng có giá trị gì hết.