Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nơi còn ngập nặng, cửa hàng sửa xe quá tải
(Thethaovanhoa.vn) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 nên từ trưa 25/11 đến sáng 26/11, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra mưa lớn, kéo dài liên tục, gây nên cảnh gập lụt nặng nề. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, đến sáng 26/11, nhiều nơi vẫn còn ngập nặng, giao thông ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường.
Theo phần mềm cảnh báo ngập nước của Công ty Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đến 7 giờ ngày 26/11, khoảng 15 tuyến đường còn bị ngập nước như đường Calmette (Quận 1), Vĩnh Khánh (Quận 4), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Gia Trí, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quốc Hương, Thảo Điền (Quận 2), Nguyễn Văn Khối, Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Võ Văn Kiệt, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)…
Đang lau dọn nền nhà với nhiều rác và bùn đất do bị ngập nước từ tối 25/11, ông Huỳnh Trí Hào, người dân ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, cho biết: Nhà ông bị ngập từ khoảng 8 giờ tối hôm qua, phải dọn dẹp tất cả đồ đạc lên lầu. Đến sáng nay nước rút hết ra ngoài nên mới dọn dẹp đồ đạc và vệ sinh nhà cửa được.
Trong khi đó, ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Lan ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, vẫn còn bị ngập hơn 50 cm và phải huy động mọi người tát nước ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan cho biết: Đêm qua nhà bà bị ngập sâu đến 1 m, dù mọi người luôn tay tát nước ra ngoài, nhưng vẫn không giảm ngập. Sáng nay, nước ngập đã giảm một phần nhưng sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, các thiết bị vệ sinh đều ngập nước chưa thể sử dụng được.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Sau khi huy động lực lượng nhân công gồm 700 người và 27 trạm bơm thực hiện công tác giảm ngập, bơm thoát nước từ trưa 25/11 và thực hiện xuyên suốt trong đêm, đến sáng 26/11, trên địa bàn thành phố còn ngập ở 15 tuyến đường. Hiện trung tâm vẫn duy trì khoảng 300 công nhân và 27 trạm bơm thực hiện thoát nước ở những tuyến đường còn đang bị ngập và sẵn sàng các phương án giảm ngập nếu tiếp tục có mưa lớn xảy ra.
Đến sáng 26/11, nhiều cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan vẫn còn cảnh ngập nước. Như ở quận Tân Bình, do mưa lớn, nước rút không kịp nên đến sáng 26/11 khu vực sân bãi của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) bị ngập nhẹ, gián đoạn thời gian làm việc của công nhân tại đây. Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, vẫn còn ngập một vài nơi, giao thông đi lại khá khó khăn.
Cũng trong sáng 26/11, do học sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được nghỉ học nên nhìn chung giao thông tương đối thông thoáng. Một vài tuyến đường ở quận Gò Vấp như Phan Huy Ích, Quang Trung, Phạm Văn Bạch... xảy ra ùn ứ. Còn ở khu vực quận Thủ Đức, mưa lớn rút nhanh từ đêm 25/11 nên sáng 26/11, không còn cảnh ngập lụt, giao thông các tuyến đường thông thoáng.
Trong khi đó, khu vực cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh, khu vực trước bến xe Miền Đông diễn ra ùn ứ nghiêm trọng do một số đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh bị ngập, phương tiện dồn ứ. Đến hơn 9 giờ sáng 26/11, tình hình giao thông mới ổn định trở lại.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, trong ngày 26/11, các tỉnh phía Nam của Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 70-150mm, khu vực Bắc Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ có mưa to 50-70mm. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn khả năng xảy ra mưa to (70-150 mm), có thể xảy ra lốc xoáy, mưa lớn kết hợp triều cường (dao động từ 1,5 – 1,55 m) có thể gây ngập nước một số khu vực.
Trước đó, chiều và tối 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trên 60 tuyến đường và rất nhiều hẻm bị ngập nước, có nơi bị ngập sâu trên 1 m. Nước ngập tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều tài sản, người dân phải dùng dụng cụ tát nước hoặc dùng máy bơm thoát nước ra ngoài trong nhiều giờ liền nhằm giảm thiệt hại về tài sản. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, nước tràn vào các khoa phòng, nặng nhất là khu hành chính, khoa cấp cứu, khoa khám bệnh và nhà giữ xe của Bệnh viện, ngập cả nửa mét gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện.
Mưa lớn và giống lốc cũng đã làm ngã đổ cây xanh, cột điện, biển quảng cáo ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, làm một người chết), cầu Giồng Ông Tố 2 (Quận 2), đường Lê Quang Sung (Quận 6), Phạm Hồng Thái, giao lộ Lê Thánh Tôn - Trương Định (Quận 1)... Sau khi sự cố xảy ra, nhân viên cây xanh cùng các lực lượng đã đến hiện trường cắt cành nhánh, cưa thân cây và vận chuyển đi nơi khác.
Các cửa hàng sửa xe quá tải
Sau mưa bão kết hợp triều cường, tại nhiều địa bàn ở TPHCM bị ngập úng, nhiều tuyến đường ngập sâu, phương tiện giao thông bị hư hỏng hàng loạt. Các cửa hàng sửa chữa xe máy vào sáng nay đều trong tình trạng quá tải.
Người dân bơi trong triều cường
Mưa lớn cộng triều cường dâng cao khiến gần 50 tuyến đường nội, ngoại thành bị ngập nặng, giao thông đi lại trong sáng đầu tuần rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hồ Chí Minh đã phát thông báo cho phép phà, đò ngang, đò dọc, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng trở lại hoạt động bình thường trên địa bàn thành phố.
Mưa lớn, nhiều nơi nước vẫn chưa rút ở nhiều nơi khiến người dân phải bì bõm trong các hẻm nhỏ nước ngâp quá đầu gối. Cuộc sống bị đảo lộn, nhiều tài sản hư hại.
Đường phố thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) ngổn ngang với hàng loạt cây xanh, trụ điện ngã đổ. Lực lượng bộ đội đóng quân trên địa bàn huyện đã ra quân dọn dẹp cây xanh đổ ngã, vệ sinh môi trường.
P.V