Thành phố đảo Phú Quốc: Hướng tới một 'Singapore mới của châu Á'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, sáng 10/1, tại khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Nam Phú Quốc, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức hội thảo Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND, Sở Du lịch, các Sở, Ban, Ngành tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo TP Phú Quốc, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản (BĐS) cùng đông đảo doanh nghiệp và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung ghi nhận sự quan tâm và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Sun Group, đối với địa phương thời gian qua.
- Cùng Chi Sally khám phá mùa hè siêu lãng mạn ở Phú Quốc
- Sao Việt tề tựu ở sân bay đi dự lễ cưới của Đông Nhi - Ông Cao Thắng tại Phú Quốc
“Tỉnh Kiên Giang kỳ vọng các tham luận, các ý kiến tọa đàm của các chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông sẽ giúp cho Tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, lộ trình phát triển cũng như nghiên cứu, đề xuất với Trung Ương các cơ chế, chính sách nổi trội để TP Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trước những vận hội mới.
Trong đó, định hướng phát triển bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng, để thành phố Phú Quốc thật sự trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn” - ông Nguyễn Lưu Trung phát biểu.
* Phú Quốc - thành phố đa năng
Tham dự Hội thảo, KTS Hồ Thiệu Trị trình bày tham luận đưa ra những định hướng quy hoạch phát triển cho khu vực Nam Phú Quốc, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050. Theo đó, Nam đảo sẽ phát triển theo mô hình thành phố cảng, lấy Cảng hàng hóa quốc tế An Thới làm động lực phát triển kinh tế; tạo các khu vực tự do thương mại quốc tế, phi thuế quan; thung lũng công nghệ cao 4.0 làm tiền đề, động lực phát triển công nghệ và thành phố thông minh.
KTS Hồ Thiệu Trị nhấn mạnh, Nam đảo có lợi thế tạo lập chuỗi các resort nghỉ dưỡng với tính chất khác biệt, như khu đảo trong đảo siêu cao cấp, đảo Hòn Thơm với định vị trở thành một thương hiệu đảo tỷ phú. Nam Phú Quốc cũng rất phù hợp để quy hoạch trung tâm đô thị nén, mật độ cao với đa sắc thái và năng động 24/7, bên cạnh đó là một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Ông cũng đề xuất định hướng quy hoạch Phú Quốc trong 2 giai đoạn: 2020-2030 và đến 2050 phải đạt được những mục tiêu gồm: phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm kinh tế tài chính quốc tế; trở thành trung tâm du lịch cao cấp và siêu cao cấp ở những vùng đảo ở phía Nam An Thới; trở thành thành phố lễ hội; đạt tiêu chuẩn thành phố sinh thái và xanh; trở thành thành phố văn minh, thông minh và có công nghệ cao.
Theo KTS Hồ Thiệu Trị, sự phát triển của thành phố Phú Quốc không chỉ mang tính chất du lịch, mà phải là một thành phố đa năng, vừa du lịch, vừa kinh doanh thương mại, tạo những điều kiện dịch vụ tốt và đồng thời là những đô thị, những khu vực có thể sống một cuộc sống thật lý tưởng.
Dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Phú Quốc đón nhận danh hiệu Thành phố đảo – đô thị cấp 2 với các điều kiện năng lực đã được chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có 3 yếu tố vượt trội là không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo; hạ tầng giao thông kết nối và thu hút đầu tư.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị: “Cần định hình rõ hơn nữa hệ thống khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn, những “con đại bàng mang quốc tịch Việt Nam” đến làm tổ và dựng nghiệp ở Phú Quốc, với những cam kết mạnh mẽ và xứng tầm”.
Để làm rõ vị thế quốc tế của Phú Quốc là gì, ông Trần Đình Thiên cho rằng Phú Quốc phải định hình rõ chức năng đặc thù của thành phố trong bầu trời cạnh tranh, phải khác thường, đẳng cấp và phải vượt lên. Hiện nay tình thế quốc tế thay đổi, nguồn tài chính dồi dào muốn tìm điểm rót vốn, nếu chúng ta làm tốt, xác định đúng chức năng, tìm cho đúng người đúng việc thì Phú Quốc hoàn toàn có nhiều thời cơ để.
“Xác định rõ chức năng, nhưng không phải cứ từ từ mà tiến. Lúc này là lúc phải có những bước tiến vượt bậc, nhảy vọt, đó là điều tôi nghĩ phải làm luôn” - ông Thiên nêu quan điểm.
* Học gì từ mô hình đô thị đảo Singapore?
Cùng với du lịch, hạ tầng đô thị, lĩnh vực BĐS cũng được các chuyên gia dự báo sẽ bứt tốc sau bước ngoặt Phú Quốc lên thành phố. Bà Đặng Phương Hằng – Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam - khẳng định, mô hình phát triển các hệ sinh thái du lịch “tất cả trong một”, gồm 3 “chân kiềng” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, BĐS cao cấp phù hợp với định hướng đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Do đó, thời gian tới, phân khúc BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “thăng hoa” ở Phú Quốc, với dư địa phát triển dồi dào ở Nam đảo – trung tâm mới của TP biển đảo.
Tương lai kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ, đô thị, BĐS Phú Quốc phát triển khi có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn. Trong tham luận về bài toán phát triển đô thị bền vững khi Phú Quốc lên thành phố, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh - Phó TGĐ thường trực Sun Property Group đề xuất, để vươn tới tầm vóc của những đô thị đảo quốc tế, Phú Quốc cần học hỏi hình mẫu đô thị thịnh vượng của Singapore - một quốc gia có tốc độ đô thị hóa kinh ngạc nhưng vẫn mang lại cho người dân cuộc sống chất lượng cao, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.
Hiện Sun Group đã và đang làm việc với đơn vị quy hoạch để xây dựng cấu phần cần thiết phù hợp với chức năng đô thị phía Nam thành phố, gồm cả khu thấp tầng và cao tầng trong tương lai, các tổ hợp dịch vụ thương mại tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế ấn tượng… Mục tiêu đặt ra không chỉ đưa Nam đảo thành tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí xứng tầm quốc tế, mà còn đón đầu bước chuyển đổi lớn về quy mô dân số, cơ cấu kinh tế của Phú Quốc.
“Đầu tư kiến tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, với những tính toán lâu dài về quy mô tăng dân số cũng như tăng trưởng du khách tại một đô thị du lịch như Nam Đảo, với những quy hoạch bài bản tầm cỡ quốc tế, đó là một hướng phát triển đô thị bền vững mà Sun Group đang theo đuổi tại Nam đảo” - bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh khẳng định.
Sau phần trình bày tham luận chuyên sâu, hội thảo bước vào phiên tọa đàm bàn tròn có chủ đề BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng – Cơ hội đón đầu tương lai tại “Singapore mới của châu Á”, với sự tham gia của PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bà Đặng Phương Hằng - TGĐ CBRE Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Hà Văn Thanh Khương – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Lan Anh (Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam).
Các diễn ra đều chỉ rõ: việc trở thành TP biển đảo đem đến cơ hội lớn chưa từng có cho BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng, cũng như kinh doanh dịch vụ, thương mại, phát triển cả kinh tế ban ngày và kinh tế ban đêm ở Phú Quốc.
Với quy hoạch bài bản, dư địa tăng trưởng mạnh, Nam Phú Quốc được dự báo sớm định hình vai trò là trung tâm mới, thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí 24/7 của đảo Ngọc, đem đến tiềm năng đầu tư hấp dẫn, sinh lời dài hạn, vươn tới mức giá top đầu thị trường cho các BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực này.
Kết thúc hội thảo, ông Phạm Quốc Quân - Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam - khẳng định: "Tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo hôm nay sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tập hợp, gửi tới Lãnh đạo Tỉnh Kiên Giang nói chung, thành phố Phú Quốc nói riêng. Chúng tôi tin rằng, những ý kiến từ Hội thảo này sẽ là nguồn tài nguyên trí tuệ quý giá, để Phú Quốc ứng dụng, biến đó thành những hành động thực tiễn, thúc đẩy sự bứt phá nhanh và mạnh của thành phố biển đảo”.
Hà Linh. Ảnh: BTC