Thanh Hóa: Phát triển du lịch trải nghiệm và cộng đồng cũng cần phải dựa vào dân, do dân
(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào dân và do dân tự làm, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch sinh thái, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình này.
Từ những "tín hiệu vui" về du lịch trải nghiệm
Thời gian qua một số sản phẩm du lịch theo xu hướng trải nghiệm do doanh nghiệp đầu tư đã bước đầu gây ấn tượng với du khách, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch của Thanh Hóa.
Hơn một năm nay, nông trại Queen Farm, của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Phong Cách Mới tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương đã trở thành địa chỉ tham quan, khá hấp dẫn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Nông trại đã đón trên 7.000 lượt khách tới tham quan trải nghiệm.
Nông trại Golden Cow tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân được đầu tư trên diện tích gần 20ha. Mặc dù mới được xây dựng khoảng 1/2 diện tích nhưng với những khu vườn trồng các loại rau, hoa, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn thú, địa hình đồi núi đa dạng nên mỗi tuần, trang trại này đều đón hàng nghìn du khách.
Đây là một trong những sản phẩm du lịch đã khai thác tốt đặc biệt đa dạng về địa hình, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thanh Hóa.
Thanh Hóa có địa hình và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, một hệ thống dày đặc các di tích lịch sử văn hóa có thể phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển; du lịch văn hóa- tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng ; du lịch văn hóa tâm linh. Do vậy việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm cần được hỗ trợ, khuyến khích nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như tạo sự hấp dẫn, mới lạ cho du khách.
Đến giải pháp phát triển du lịch cộng đồng
Thiên nhiên đã ban tặng cho Thanh Hóa nhiều thắng cảnh hùng vĩ, tài nguyên nhân văn phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đã được xếp hạng như Sầm Sơn, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En, động Từ Thức, suối cá thần Cẩm Lương... Có 7 dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh, mõi dân tộc đều có các phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo độc đáo, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Các lễ hội ở Thanh Hóa đều mang tính cộng đồng như lễ hội khai hạ của người Mường; Lễ tục cấp sắc bùa của người Dao; lễ hội Đền Thi của người Thổ; đám ma của người Mông... Kho tàng di sản văn hóa dân gian của Thanh Hóa rất phong phú đa dạng gồm thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, dân ca, dân vũ… với nghệ thuật biểu diễn đạt đến đỉnh cao như khèn của người Mông, múa “khặp Kin chiêng boọc mạy” của người Thái, Pôồn Pôông của người Mường.
Bước đầu để phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh và ngành du lịch đã có chủ trương xây dựng một số làng văn hóa trong cộng đồng dân cư để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai và đang hình thành một số điểm du lịch cộng đồng, như làng văn hóa du lịch bản Son, bản Bá, bản Mười (Bá Thước) làng văn hóa du lịch Phú Lệ (Quan Hóa), làng văn hóa, du lịch xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, Pù Hu...
Để có thể khai thác phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả thì cần phải có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu. Cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong việc hoạch định các chương trình du lịch cộng đồng trên địa bàn, phải thấy được phát triển du lịch cộng đồng là phương thức hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà quản lý du lịch của tỉnh phải nắm bắt được xu thế phát triển du lịch trên thế giới hiện nay là hướng tới những khu vực có tiềm năng đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa du lịch cộng đồng. Do đó cần phải xây dựng được ngay những tour du lịch đến những bản làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc sinh sống vì cảnh quan ở đó còn hoang sơ, phong tục tập quán của đồng bào chưa bị mai một. Khách du lịch nước ngoài thường thích đi bộ vào những bản làng xa xôi, sống và sinh hoạt cùng người dân. Họ thích được người dân bản địa hướng dẫn thực hiện các công việc nhà nông; tự tay làm những sản phẩm lưu niệm hoặc mua được những sản phẩm lưu niệm ngay tại nơi họ đến; xem biểu diễn các loại hình văn hóa dân gian do chính người dân địa phương thực hiện…
Chính vì vậy quy hoạch phát triển các làng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh là vô cùng cấp thiết. Trên cơ sở quy hoạch này, lựa chọn các thôn bản, các nhà văn hóa cộng đồng tiêu biểu, hội tụ được các yếu tố về cảnh quan sinh thái, bảo đảm an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng thành các điểm lưu trú qua đêm cho khách; đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Chú trọng đến các làng, bản nằm trên các tuyến du lịch chính của tỉnh để xây dựng các chương trình du lịch hợp lý. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần chủ động phối hợp với ngành du lịch xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh và nhân viên phục vụ tại các thôn, bản phải am hiểu sắc thái văn hóa dân tộc mình để giới thiệu với khách du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch cho cộng đồng địa phương tại cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng trong xu thế mới.
Phạm Huy