Thanh Hóa gây thất vọng tại V-League 2019
(Thethaovanhoa.vn) - 4 trận đã đá, chỉ vỏn vẹn 2 điểm cùng với đó là vị trí bét bảng, chưa bao giờ Thanh Hóa có sự khởi đầu đáng thất vọng như thế ở sân chơi quốc nội, khi mà 2 mùa trước đó là 2017 và 2018, họ đều cán đích ở vị trí á quân và mới năm ngoái còn lọt trận chung kết Cúp quốc gia. Sau thời gian sung túc trong điều kiện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, điều gì đang xảy ra với bóng đá xứ Thanh vào lúc này, để họ tuột dốc như thế?
“Chảy máu” lực lượng
Khi FLC dứt áo ra đi sau thời gian rót vốn đầu tư mà không thể vô địch như mong muốn trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn hạn hẹp cho việc hỗ trợ, bởi còn nhiều chuyện đáng lo của một địa phương đất rộng, người đông, nên phải trở về với cơ chế hoạt động do Sở Văn hóa- Thể thao quản lý, gần như ngay lập tức CLB Thanh Hóa “rã đám”.
VIDEO: Thanh Hóa 0-0 SHB Đà Nẵng - Hà Đức Chinh mờ nhạt ngày trở lại V-League
8 nhân tố trụ cột, đã và đang là tuyển thủ quốc gia hay ngoại binh chất lượng lần lượt rời bỏ xứ Thanh. Họ là những bản hợp đồng từng tốn cả núi tiền để mang về. Trần Đình Đồng, Ngô Hoàng Thịnh, Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Thắng và Pape Omar. Chừng đó cái tên ra đi, đương nhiên Thanh Hóa không còn là chính mình cũng dễ hiểu. Thậm chí, đã có lúc trong cảnh lao đao như thế, chính bản thân HLV Đức Thắng cũng có lúc buông lời chán nản và bày tỏ ý định chia tay.
Thủ môn Bửu Ngọc, trung vệ Minh Tùng, Đinh Tiến Thành, Hữu Dũng, Đình Tùng, Bùi Văn Hiếu, đội trưởng Lê Văn Thắng, tiền đạo Rimario còn ở lại. Nhìn vào những cái tên như thế, không hẳn là Thanh Hóa quá yếu như e ngại. Nhưng trong bối cảnh Thanh Hóa không còn sự dư dả của một đại gia vung tay chi tiền của vài mùa trước, rõ ràng tinh thần ra sân của họ ít nhiều cũng sẽ rất tâm tư.
Bởi chính họ không biết rồi đội bóng sẽ về đâu khi câu chuyện tiền đâu để hoạt động trở lại trong vòng luẩn quẩn. Liệu có ai dám chắc trong số họ, không có kiểu đá ở đây, nhưng bụng dạ trôi tuột nơi nào. Ra đi để tìm bến đỗ mới, hẳn cũng là cái cách họ đã suy nghĩ. Mà một khi tinh thần không toàn tâm, toàn ý như thế, sẽ rất khó để họ căng chân ra mà cống hiến.
Việc “chảy máu” lực lượng trầm trọng đã để lại những khoảng trống lớn trong đội hình của HLV Nguyễn Đức Thắng. Trước bối cảnh này, Thanh Hóa phải bổ sung 12 cầu thủ từ tuyến U19, U21 lên đội 1. Tuy nhiên cho đến lúc này, họ chưa để lại dấu ấn gì nổi trội. HLV Nguyễn Đức Thắng thừa nhận: “Điểm mạnh của các em trẻ đó là tinh thần, sự chăm chỉ nhưng các em còn khá non kinh nghiệm, lẫn chuyên môn để có thể thi đấu tốt tại V-League”. Trong khi đó, những tân binh như Gramoz, Manuel Monday mới chỉ đến với đội vài ngày trước khi mùa giải bắt đầu. Khó có thể đòi hỏi những ngoại binh này bắt nhịp được với lối chơi của toàn đội.
Nỗ lực vượt khó
Cho dù tụt xuống vị trí cuối bảng xếp hạng sau trận hòa trước SHB Đà Nẵng, vị HLV trẻ Nguyễn Đức Thắng vẫn tỏ ra lạc quan khi dành nhiều khen ngợi cho học trò của mình: “Những gương mặt như Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Lê Văn Đại và đặc biệt là thủ môn Vũ Tuyên Quang đã thể hiện được sự tiến bộ về chuyên môn dù vẫn chưa đạt được phong độ cao nhất. Tôi cho rằng, nên tin tưởng vào các cầu thủ trẻ này trong thời gian tới dù Thanh Hóa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.
Điểm số, vị trí sau 4 vòng đấu đã thể hiện điều đó. Toàn đội đã chơi rất nỗ lực trong từng trận đấu. Vị trí cuối bảng xếp hạng sau 4 vòng đấu chưa phải là thảm họa và Thanh Hóa vẫn có khả năng vượt qua khó khăn để cải thiện thành tích, vị trí”.
Nhìn toàn cục vào lúc này, bóng đá Thanh Hóa vẫn có rất nhiều điều để tự hào. Quan trọng hơn họ vẫn có cái gốc là bản sắc và thương hiệu địa phương để gây dựng lại. Một vùng đất có truyền thống bóng đá, có số lượng cổ động viên đông đảo, cuồng nhiệt nhất cả nước lại rơi vào tình cảnh tréo ngoe như thế, không hề dễ chịu chút nào.
Ngày bóng đá xứ Thanh đang lao đao vì gánh nặng tài chính, để rồi phải xới lên làm lại từ đầu đầy khó khăn như thế thì một lần nữa câu chuyện xây dựng mô hình lúc này như thế nào để phát triển lại được đặt ra. Không thể và cũng không phải lúc nào cũng chờ bầu sữa từ ngân sách. Còn với những nhà đầu tư, khi những quan hệ có tính tương hỗ giữa họ và địa phương không còn, họ sẵn sàng rút lui không kèn không trống.
Khi Đức Thắng quyết định ở lại, ông đã chia sẻ đầy tâm huyết: “Mùa giải này, tôi sẽ gây dựng lại đội bóng bằng cả lối chơi và bản sắc. Mọi thứ dù biết rất khó, nhưng tôi lạc quan với những kế hoạch đang triển khai”. Đó là kịch bản có thể dài hơi. Còn bây giờ, phía trước đã là cuộc đối đầu nhiều duyên nợ với người hàng xóm SLNA. 3 điểm lúc này không chỉ cải thiện vị trí. Quan trọng hơn là cởi bỏ những gánh nặng đang đè lên Đức Thắng và học trò.
Bắc Trung bộ, mới đầu tháng 4. Hình như đã nghe gió Lào rát mặt, phả vào đội bóng xứ Thanh.
Trần Tuấn