Thanh Hoá: Ấm tình quân dân biên giới trong những ngày mưa bão
Những ngày đầu tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, trên địa bàn huyện Mường Lát xuất hiện nhiều trận mưa lớn kéo dài kèm dông lốc giật mạnh làm nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún... khiến cuộc sống của ở miền biên viễn vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn hơn.
Trong bối cảnh ấy, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, những cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Mường Lát đã dầm mình trong mưa bão, giúp dân tu sửa nhà cửa, khắc phục khó khăn sớm ổn định đời sống.
Bản Suối Phái, xã Tam Chung hiện có 62 hộ dân, với 395 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Trận mưa bão vừa qua, đã làm đất đá từ ta luy dương sạt xuống khiến 6 ngôi nhà của bà con trong bản bị hư hỏng. Hơn thế, tuyến đường giao thông vào bản bị chia cắt.
Nhớ lại cảnh tượng tan hoang lúc nửa đêm, khi đất đá sạt lở vào nhà, hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt sau những ngày chạy mưa bão, chị Cứ Thị Giông vẫn chưa hết bàng hoàng: "Vào lúc 2 giờ sáng, khi mọi người đang ngủ say, bỗng nghe tiếng động mạnh và có tiếng hàng xóm kêu gọi, gia đình tôi mới giật mình tỉnh giấc, bế cháu nhỏ chạy ra ngoài, không kịp lấy đồ dùng mang theo. Trong đêm tối, gia đình di chuyển sang nhà họ hàng để lánh nạn, đến ngày hôm sau mới dám quay trở về nhà để nhìn lại cảnh tượng kinh hoàng đó".
Anh Tráng Đỗ Mười, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Suối Phái cho biết: "Sau cơn bão số 3, bản Phái có 6 hộ dân bị thiệt hại nhà cửa. Trong đó, có hộ gia đình Chá A Dia là thiệt hại nặng, không thể khắc phục được. Trong quá trình chuyển nhà được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mường Lát, Tổ liên ngành, dân quân tự vệ xã Tam Chung đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tìm chỗ ở ở tạm cho các hộ dân kịp thời".
Cơn bão đi qua, huyện Mường Lát bị thiệt hại 90 ngôi nhà; 0,215ha lúa nước; 0,4ha ngô; gió lốc làm đổ 8,41ha sắn; làm đổ, gãy 0,2ha chuối; 0,7ha cây tếch; 1 điểm trường mầm non bị nước tràn vào; đứt gẫy 30m kênh mương nội đồng; 16 tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún nền mặt đường, ảnh hưởng đến người và phương tiện khi lưu thông qua lại; nhiều bản bị chia cắt cục bộ.
Trước tình hình trên, Ban CHQS huyện Mường Lát đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Mường Lát chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ người dân trong dông bão theo phương châm "4 tại chỗ".
Trung tá Trịnh Xuân Thành, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mường Lát cho biết: "Phát huy vai trò lực lượng thường trực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện làm tốt công tác chuẩn bị, kiểm tra đầy đủ vật tư, phương tiện và các phương án theo phương châm "4 tại chỗ". Đặc biệt, ngay sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 (Quân khu 4), các Đồn biên phòng và Công an huyện khẩn trương, nhanh chóng di dời các hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, đảm bảo lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống cho bà con Nhân dân trong những ngày mưa bão".
Khó khăn là thế, nhưng được giúp Nhân dân trong cơn hoạn nạn là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mường Lát. Trong những ngày qua, Ban CHQS huyện đã huy động 65 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và trên 150 lượt dân quân tự vệ các xã, thị trấn đến những bản xa xôi bị ảnh hưởng do bão số 3 để hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại.
Chị Sùng Thị Nú, bản Suối Phái chia sẻ: Trong cơn bão số 3, nhà ở của gia đình tôi bị sạt lở ta luy âm nên đất đá tràn vào nhà. Lúc đó, các lực lượng chức năng đã đến giúp gia đình di dời đến nhà văn hóa bản ở tạm. Không biết nói gì hơn, gia đình xin cảm ơn sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng".
Mưa lũ đi qua để lại nhiều thiệt hại nặng nề nhưng sự có mặt kịp thời của các người lính bộ đội Cụ Hồ giúp Nhân dân khắc phục khó khăn trong mưa bão sẽ mãi là những hình ảnh đẹp trong lòng cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc ở huyện vùng biên này. Những việc làm thấm đẫm tình người nơi biên giới xa xôi một lần nữa khẳng định tình quân - dân như cá với nước, gắn bó keo sơn, bền chặt.