Tháng Chín 'giông bão' thử thách sức chịu đựng của chứng khoán Mỹ
Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị cho một tháng Chín đầy biến động, khi thị trường phải đối mặt với một loạt các báo cáo dữ liệu kinh tế quan trọng, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại về nguy cơ chính phủ có thể đóng cửa.
Tháng Chín vốn đã có tiếng là tháng ảm đạm cho thị trường chứng khoán Mỹ. Theo công ty nghiên cứu thị trường CFRA, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 0,7% trong tháng này kể từ năm 1945 tới nay, mức giảm tồi tệ nhất so với bất kỳ tháng nào khác trong năm.
Những tuần gần đây đã xảy ra nhiều biến động đối với thị trường. Chỉ số S&P 500 dù vẫn tăng gần 15% tính từ đầu năm nay song đã giảm hơn 4% so với mức đỉnh thiết lập ngày 31/7. Sự suy giảm này chủ yếu do các nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước các số liệu không mấy lạc quan của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt khiến cổ phiếu kém hấp dẫn hơn.
Theo giới quan sát, thị trường trong tháng Chín sẽ phải đối mặt một loạt báo cáo kinh tế có tác động lớn tới tình hình kinh tế và lạm phát.
Khởi động tháng Chín sẽ là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu (1/9). Giới quan sát cho biết số liệu việc làm tháng Tám của Mỹ mạnh hay yếu đều khiến thị trường lo ngại. Một báo cáo “nóng” hơn dự kiến có thể làm dấy lên lo ngại về triển vọng lạm phát, trong khi những con số yếu hơn lại tạo điều kiện cho những nhận định rằng việc Fed tăng lãi suất đang bắt đầu phá vỡ nền kinh tế.
Báo cáo giá tiêu dùng dự kiến công bố vào ngày 13/9 cũng sẽ đối mặt kịch bản tương tự. Cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào hai ngày 19-20/9 cũng là một sự kiện có thể gây biến động khác: Bài phát biểu hôm 25/8 của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị các ngân hàng trung ương Jackson Hole đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay, mặc dù thị trường nhận định ít khả năng Fed sẽ hành động vào tháng Chín.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi điều gì sẽ xảy ra với khoản cho vay sinh viên trị giá 82 tỷ USD do chính phủ nắm giữ. Việc thanh toán những khoản vay này sẽ bắt đầu vào tháng 10, đe dọa làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trước mùa mua sắm nghỉ lễ quan trọng.
Trong khi đó, những bất hòa liên quan đến việc cắt giảm chi tiêu giữa các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn và ôn hòa tại Hạ viện Mỹ làm tăng nguy cơ chính phủ liên bang đóng cửa lần thứ tư trong một thập kỷ. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra nếu các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa thuận trước ngày 30/9, khi nguồn tài trợ cạn kiệt vào cuối năm tài chính hiện hành.
Trong một nghiên cứu công bố vào tuần này, các nhà phân tích tại Goldman Sachs viết rằng việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ trực tiếp làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này khoảng 0,15 điểm phần trăm mỗi tuần.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán không ngần ngại bước qua những rủi ro tiềm ẩn trong năm nay. Chỉ số S&P 500 vẫn tăng điểm bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng Hai, những lo ngại về khả năng Chính phủ Mỹ vỡ nợ vào tháng Sáu cùng những nhận định rằng kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980 của Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái và làm chệch hướng tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp.
Một số nhà đầu tư tin rằng lợi nhuận vẫn có thể tăng khi nền kinh tế Mỹ tỏ ra kiên cường cùng với sự phấn khích về tiềm năng kinh doanh của trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Tim Hayes, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại công ty nghiên cứu thị trường Ned Davis Research, vẫn kỳ vọng sẽ có một đợt phục hồi cho chứng khoán Mỹ vào tháng Chín. Theo ông, mức giảm trong tháng Tám có phần tương tự mức giảm 6% trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng Ba năm nay. Điều này giúp giảm bớt trạng thái lạc quan quá mức và có thể đưa thị trường đi theo hướng tăng điểm.