Tháng 7 Âm lịch có phải là 'tháng cô hồn'
(Thethaovanhoa.vn) - Theo quan niệm dân gian của người châu Á, tháng Bảy Âm lịch gọi là tháng cô hồn, tháng không may mắn, nên tránh các công việc trọng đại. Nhưng sự thực tháng Bảy Âm lịch có ý nghĩa thế nào?
Đối với người Việt, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống có từ lâu đời. Người Việt từ xa xưa đã quan niệm, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.
Từ đó cũng xuất hiện quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh tháng 7.
Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
Tuy vậy, theo báo Giác Ngộ, Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan - Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu lan - Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.
Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái.
Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.
Theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”.
Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.
Kinh Vu lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc và có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưa tiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu lan nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tín ngưỡng dân gian: “Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc”.
Phật giáo Bắc tông Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng và thực hành hiếu đạo theo kinh Vu lan, một bộ phận quần chúng Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn”.
Vấn đề là người Phật tử Việt Nam hiện nay cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy. Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy.
Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.
Phật tử chân chính cần xác định rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Đối với Phật tử thì tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu.
Còn việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa lễ hội Vu lan mà thôi. Cần lưu ý là, thực hành bố thí - ở đây là “thí thực” - nên lễ phẩm chủ yếu là thực phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ... Đặc biệt là không nên kiêng kỵ và sợ hãi ma quỷ theo kiểu mê tín dị đoan.
Theo lời khuyên của báo Giác Ngộ thì nên tránh gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” rồi quá chú trọng đến cầu cúng ma quỷ theo dân gian.
Gợi ý bài cúng ngày mùng 1 tháng Bảy âm lịch theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)
Văn khấn gia tiên
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Kính lạy ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần.
Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.
Các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ
Thúc bá đệ huynh và các hương linh nội, ngoại trong họ.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Tín chủ con là…
Ngụ tại… cùng toàn gia quyến.
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, trà quả bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời:
Các vị Tôn thần cai quản trong xứ này
Hương hồn Gia tiên nội, ngoại
Cúi xin các ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Phù trì tín chủ chúng con:
Toàn gia an lạc, mọi việc hanh thông
Người người được chữ bình an,
Tám tiết vinh khang thịnh vượng,
Lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang
Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Cẩn cáo!
Văn khấn thần Thổ Công và các vị thần
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần
Con kính lạy ngài Đông Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Phúc đức Tôn thần
Con kính lạy ngài Tiền hậu Địa chủ Tài thần
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong xứ này.
Tín chủ chúng con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày… tháng… năm…, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân, trà quả, đốt nén hương thơm dâng lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia bình an, công việc hanh thông, lộc tài thăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Giãi tấm lòng thành cúi xin được phù hộ độ trì và chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Cẩn cáo!
Nhi Thảo