Thân thương những "Khúc đồng dao của bé"
Vừa đọc sách, ngắm tranh, vừa nghe nhạc, kể truyện, thậm chí cả xem hoạt hình… là những trải nghiệm mà độc giả dễ dàng tìm thấy trong tập sách Về quê (NXB Đại học Sư phạm) của nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà báo Phạm Hồng Tuyến (con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên) vừa được ra mắt.
Đây là tập sách đầu tiên trong bộ sách 5 tập mang tên Khúc đồng dao của bé. Bộ sách giới thiệu các bài đồng dao do nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc bằng hình thức sách đa phương tiện, mang đến trải nghiệm mới lạ cho thiếu nhi.
Với ngôn từ trong sáng, giản dị, minh họa hấp dẫn, tươi vui, tập sách hứa hẹn giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo; đồng thời mang đến những bài học về điều hay lẽ phải, cảm xúc háo hức cùng ham muốn khám phá thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.
Từ "kho báu" 41 bài đồng dao…
Trong gia tài âm nhạc đồ sộ lên tới hơn 700 bài hát của Phạm Tuyên, có đến 200 ca khúc viết cho thiếu nhi. Ông từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất".
Ông có nhiều bài hát thiếu nhi đi cùng năm tháng, sống mãi với tuổi thơ của nhiều thế hệ, thế nhưng cũng có không ít ca khúc vẫn còn nằm trên giấy. Hiểu được điều này, con gái út của ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - vẫn luôn đau đáu phải làm thế nào để đưa những ca khúc chưa phổ biến đến được với trẻ em hôm nay.
Phạm Tuyên có một "kho báu" với 41 bài phổ nhạc cho các bài đồng dao cổ. Trong số này, chỉ có chừng vài bài phổ biến như Bà còng đi chợ, Rềnh rềnh ràng ràng, Gánh gánh gồng gồng… số còn lại rất ít người biết, hoặc chưa từng được nghe.
Thực tế, có một thời gian dài Phạm Tuyên cùng vợ là PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết - người đặt nền móng thành lập Khoa Giáo dục mầm non (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã sưu tầm các bài đồng dao cổ, sau đó phổ nhạc với mong muốn giúp trẻ em giữ được hồn Việt và thêm yêu quê hương mình.
PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết vốn là chuyên gia về tâm lý lứa tuổi, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi trẻ em, nên Phạm Tuyên phổ nhạc với sự góp ý của vợ. Bởi thế, ở mỗi bài không chỉ có phần phổ nhạc đơn thuần mà đều có những chú thích dày dặn, rõ ràng, hướng dẫn cách thể hiện, dựng hoạt cảnh, kết hợp trò chơi để bài hát trở nên sinh động và bổ ích với trẻ em.
"Vốn có kinh nghiệm làm truyền hình cho trẻ em, nhất là nhiều năm làm biên tập cho các chương trình ca nhạc thiếu nhi nên khi được tiếp xúc với "kho báu" này của bố, tôi đã rất bất ngờ và thấy quý giá. Điều này đã thôi thúc tôi phải triển khai một dự án để phổ biến các bài đồng dao do bố phổ nhạc, để những bài đồng dao mang đậm hồn Việt này thực sự đi vào đời sống của thiếu nhi hôm nay" - tác giả Phạm Hồng Tuyến bày tỏ.
Ở thời điểm bắt đầu hơn 1 năm trước, Phạm Hồng Tuyến khá loay hoay, không biết làm cách nào để khai thác nguồn "tài nguyên" lớn này. Có nhiều phương án đã được tính toán như thu âm làm album, sản xuất video, làm nhạc kịch… nhưng đều không khả thi.
Trăn trở mãi, thế rồi, sau khi làm xong cuốn sách Hồi ức tuổi thơ - Bài hát lớn lên cùng con (NXB Kim Đồng) -– cuốn sách kể lại kỷ niệm tuổi thơ về những ca khúc nổi tiếng viết cho thiếu nhi - tác giả Phạm Hồng Tuyến nghĩ tiếp đến việc làm sách để phổ biến những bài đồng dao được bố phổ nhạc.
Song hành truyện kể và âm nhạc
Khi ý tưởng đã có, bộ sách được đội ngũ thực hiện tính toán kỹ lưỡng với một hình thức làm sách mới, giúp độc giả nhí thực sự cảm thấy hấp dẫn và hứng thú. Theo đó, 41 bài đồng dao phổ nhạc của Phạm Tuyên thay vì được giới thiệu đồng loạt trong 1 tập sách, thì sẽ làm thành bộ sách gồm 5 tập, phát hành nối tiếp nhau. Trong đó, tập sách đầu tiên mới được ra mắt có tên Về quê.
Ngay ở tập sách đầu tiên này, những bài đồng dao phổ nhạc của Phạm Tuyên đã hiện lên một cách đầy sáng tạo. Thay vì mang hình thức của một tuyển tập bài hát chỉ có các bài đồng dao và bản nhạc, Về quê có nhân vật chính, có những câu chuyện được kể để liên kết những bài đồng dao, những bản nhạc một cách tự nhiên, khéo léo.
Cụ thể, tập sách kể về hành trình thăm quê nội của bé Na - cô bé hồn nhiên, lí lắc, hay tò mò, ham tìm hiểu các sự vật xung quanh, sống cùng bố mẹ ở thành phố lớn. Mỗi câu chuyện được kể đều gắn với khung cảnh làng quê thanh bình với thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn hậu. Chuyến về quê, bé Na có thêm những người bạn mới, được khám phá những trải nghiệm thú vị và hòa mình trong những giai điệu gần gũi của những bài đồng dao. Cứ thế, những khúc ca đồng dao được cất lên trên những trang sách thân thương biết mấy.
Tác giả Phạm Hồng Tuyến chia sẻ, ý tưởng để xây dựng nhân vật bé Na xuất phát từ một thực tế khá điển hình. Đó là, hầu như đứa trẻ ở thành phố nào cũng đều có quê, có ông bà đang sống ở quê. Xây dựng câu chuyện một em bé ở thành phố về thăm quê và có những giá trị, tình yêu với quê hương, gia đình được khơi gợi trong em bé đó là một lựa chọn hợp lý và có ý nghĩa đối với trẻ em hiện nay.
Đặc biệt, tác giả Phạm Hồng Tuyến còn tiết lộ, nhân vật bé Na phảng phất hình ảnh của chính chị trong những năm tháng tuổi thơ. Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô bé Hồng Tuyến ngày đó không có trải nghiệm về quê như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, cho đến giờ đã 50 năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in lần được về quê của "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa.
Chị kể: "Hồi đó, mẹ tôi làm luận án phó tiến sĩ về đặc trưng tâm lý của trẻ em có năng khiếu thơ. Đối tượng nghiên cứu của bà là những nhà thơ nhí, trong đó có Trần Đăng Khoa. Có lần, tôi được mẹ đèo xe đạp về quê của anh Khoa. Khi mẹ vừa đỗ xe xuống sân, lại sẵn thuộc bài thơ Vườn em của anh Khoa nên tôi đã lao ngay ra vườn để đếm cây, quả, xem anh Khoa có viết đúng không? Đếm xong, tôi liền quay ra nói với anh Khoa viết không đúng. Ngày bé tôi cứ hồn nhiên như thế".
Cũng giống như cô bé Hồng Tuyến của 50 năm trước, cô bé Na trong Về quê cũng ham hiểu biết, hay tò mò về cuộc sống xung quanh. Để rồi, đọc tập sách không chỉ mỗi đứa trẻ được khơi gợi niềm ham thích khám phá mà mỗi người lớn cũng có thể trở về với kỷ niệm của những ngày thơ ấu với khúc đồng dao, lời ru "hát nuôi phần hồn"…
Mới lạ hình thức sách đa phương tiện
Về quê còn gây ấn tượng ở hình thức sách đa phương tiện, kết hợp giữa sách giấy và sách nói. Ở đầu mỗi câu chuyện và trong các bài nhạc đều có mã QR. Độc giả sẽ có trải nghiệm nghe đọc truyện và lắc lư theo các điệu nhạc khi quét các mã QR này.
Sử dụng hình thức đa phương tiện này, tập sách bước đầu đã nhận được những hiệu ứng tích cực. "Tôi khá băn khoăn khi xây dựng nhân vật chính là một bé gái, liệu các bé trai có thích thú với tập sách này? Thế rồi khi sách đến tay những độc giả nhí đầu tiên, tôi đã rất bất ngờ khi thấy các bé trai đầy hào hứng đi tìm những mã QR trong những dòng chữ, bức tranh của cuốn sách. Trong các tập tiếp theo, tôi cũng dự kiến xây dựng thêm những nhân vật bé trai để hoàn thiện bộ sách" - Phạm Hồng Tuyến cho biết.
Mặt khác, tác giả của Về quê cũng kỳ vọng thông qua các hình thức đa phương tiện của tập sách sẽ tạo ra sự kết nối, để người lớn cùng đồng hành với sự trưởng thành của trẻ nhỏ.
"Sách có mã QR để nghe truyện, nghe nhạc. Hình thức này giúp bố mẹ không tự tin về giọng đọc có thể quét mã QR để các con tiếp cận với nội dung trong sách. Các con có thể nghe đọc truyện, nghe nhạc trước khi đi ngủ. Các bài đồng dao trong sách đều được phối với phong cách nhẹ nhàng, dễ nghe" - chị bày tỏ - "Hy vọng cuốn sách là cầu nối giữa người lớn với trẻ em. Bố mẹ có thể đọc cùng con ở nhà, thầy cô giáo có thể đọc cùng học trò ở trường… Sự kết nối này cần thiết và quan trọng với sự phát triển của trẻ hôm nay, cũng để mỗi người lớn có những giây phút sống lại tuổi thơ của mình".
Ở đầu mỗi câu chuyện và trong các bài nhạc đều có mã QR. Độc giả sẽ có trải nghiệm nghe đọc truyện và lắc lư theo các điệu nhạc khi quét các mã QR này.