Than Quảng Ninh và cái kết được báo trước
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải đến bây giờ khi mọi sự đều đổ bể, mà thực tế trước khi mùa giải 2021 khởi tranh, đơn kêu cứu của hàng chục trụ cột CLB Than Quảng Ninh đã được gửi đi. Nếu đội bóng không có hướng giải quyết, họ sẽ không thi đấu và thực tế, một số đã đình công, bỏ tập.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo đội bóng đất Mỏ, bao gồm Chủ tịch Phạm Thanh Hùng và Công ty Cổ phần Thể thao Quảng Ninh (đơn vị quản lý đội bóng) đã "chuyền quả bóng qua chân" địa phương. Những lời hứa hẹn được đưa ra, cho đến khi…
Tới lúc "rút ống thở"
Có khoảng trên dưới 10 cầu thủ, toàn là trụ cột của đội bóng, hiện vẫn đang là chủ nợ của CLB với số tiền ước tính 60-70 tỷ đồng. Nó bao gồm lương, thưởng, tiền lót tay (phí ký hợp đồng). Người ít, như tiền vệ đội trưởng Nguyễn Hải Huy là 4 tháng lương cùng phí ký hợp đồng nửa mùa giải còn lại của năm 2021. Người nhiều có đến 2 năm qua chưa nhận tiền lót tay và có cả những cầu thủ đã rời CLB như Thanh Hào, vẫn bị “găm” tiền.
Theo thông tin của Thể thao & Văn hóa, một vài trong số này, hoặc đã nhận được chút đỉnh kèm lời hứa kiểu... đường mật, hoặc quá nản và không trông mong gì nữa, không còn kêu than nữa. Gần nhất, một cầu thủ Than Quảng Ninh lên mạng xã hội tố CLB, đấy chính là Nguyễn Hải Huy. Theo Huy “cối”, anh đã và đang tham khảo ý kiến luật sư, đồng thời gởi đơn lên VFF để đòi quyền lợi, thậm chí là kiện lên đến... Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. “Nhiều ít không tính, nhưng phải đòi để người ta biết còn nợ mình”, Huy nói.
Theo diễn biến và phát biểu với giới truyền thông của Chủ tịch Phạm Thanh Hùng, không khó để thấy mâu thuẫn xuất hiện từ trước đó rất lâu. Nó đến từ sự chậm trễ trong rót tiền cho đội bóng giữa địa phương (ngân sách của tỉnh Quảng Ninh), nhà tài trợ (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) và từ ông bầu Phạm Mạnh Hùng, dù đã nhất toán từ trước, với tỷ lệ được cho là 10, 20 và 35 tỷ đồng (có lũy tiến theo mùa) tính từ năm 2014.
Ngành than mấy năm qua gặp khó, trong khi chính sách – cơ chế Nhà nước cũng hạn chế việc đầu tư, rót tiền cho thể thao trong tình hình chung. “Một mình tôi không thể “cân” hàng trăm tỷ đồng chi phí mỗi mùa giải được”, như ông bầu Phạm Mạnh Hùng nói. Sự thật là ông Hùng đã từng chở cả xe tải tiền mặt từ nhà qua sân Cẩm Phả để chăm sóc đội bóng, mua sắm cầu thủ, nhưng vài lần thì được, còn chục lần, thậm chí trăm lần lại là chuyện khác, bất kể ông có là tay chơi số 1 đi chăng nữa.
Việc Công ty Cổ phần Thể thao Quảng Ninh liên tục báo lỗ, kể từ sau năm 2016, cùng một vài hạng mục – nhánh kinh doanh khác thuộc công ty “mẹ” cũng báo lỗ theo, là những biểu hiện cho thấy ông Hùng “xoăn” dường như đã có ý ngãng ra, buông lỏng. Tính từ năm 2017, ông Phạm Mạnh Hùng đã tổng cộng 5 lần gửi đơn trao trả đội bóng cho tỉnh Quảng Ninh, nhưng bất thành. Mãi đến đầu mùa giải 2021, với những hứa hẹn, ông Hùng còn đảm bảo sẽ vay ngân hàng để chơi.
Phạm Thanh Hùng có niềm đam mê rất lớn với trái bóng tròn, thừa hưởng gen từ một gia đình có truyền thống thể thao ở đất Cẩm Phả. Song đồng thời, ông cũng là một doanh nhân khá thành đạt, biết đánh hơi thời cuộc, một “tay chơi” khét tiếng, hào hoa và cả đào hoa nữa. Ông Hùng “xoăn” sau khi chia tay người vợ cũ vốn là tay hòm chìa khóa và cực giỏi trong quản lý, điều hành các hạng mục kinh doanh, với 3 mụn con du học nước ngoài, mọi thứ vẻ cũng xuống.
Vẫn có câu - Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp. Móng đã lay, cột kèo cũng vô ích. Ông Phạm Mạnh Hùng trượt ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF, rồi vấn đề kinh doanh cũng lao đao, “cái kết đắng” của CLB Than Quảng Ninh đã được dự báo từ lâu rồi, khi thanh khoản vốn đã không thông, giờ là thời điểm đành phải... "rút ống thở" mà thôi
Đen hơn cả “Than”
Kể từ khi lên chơi V-League 2014, Than Quảng Ninh cho thấy họ là một đội bóng rất đặc biệt, một tập thể dị biệt, giàu tính bản địa và đoàn kết. Chưa mùa giải nào, Than Quảng Ninh bị đánh bật khỏi tốp 6 và nhiều năm, họ còn tranh đua chức vô địch một cách sòng phẳng với bao đối thủ khác. Chức vô địch Cúp quốc gia năm 2016 vẫn là một kỷ niệm ngọt ngào dưới triều đại “song Hùng kỳ hiệp”: Phan Thanh Hùng và Phạm Mạnh Hùng.
Sân Cẩm Phả luôn mở hội trong các trận đấu trên sân nhà, biến nơi đây là kinh đô mới của V-League… Ngày ấy, và kể cả sau này, các quan bóng đá cũng như cánh phóng viên thể thao rất thích về Cẩm Phả tác nghiệp. Đường rộng, xe lớn, có biển xanh, cát vàng, hải sản tươi ngon, ai lại không thích. Hội CĐV Than Quảng Ninh là những người mến khách và hào sảng, từng cất công chuyển hàng tấn sản vật vùng mỏ qua nước ngoài, tự tay nấu ăn phục vụ ĐTQG thi đấu.
Những ngày vui ấy không kéo dài bất tận, khi từ dăm ba năm qua, Than Quảng Ninh đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng chảy máu nhân tài. Nó cho thấy chính sách tài chính của đội bóng gặp vấn đề, rõ nhất là vụ đội trưởng – biểu tượng Vũ Minh Tuấn rời Cẩm Phả, cùng với Minh Tùng, rồi Tuấn Linh, Văn Việt và rất nhiều cầu thủ khác lần lượt khăn gói ra đi. Một cuộc tháo chạy thực sự, bao gồm cả HLV Phan Thanh Hùng, khi mùa giải 2020 khép lại…
Lương, thưởng, lót tay nợ vẫn nợ, nhưng Hải Huy và đồng đội vẫm lầm lũi chiến đấu và cho đến trước khi V-League 2021 buộc phải hủy (vì vấn đề dịch Covid-19 diễn biến phức tạp), Than Quảng Ninh vẫn trụ vững trong tốp 3 đội dẫn đầu (cùng HAGL và Viettel). Nó cho thấy, tiền bạc đôi khi không phải là thứ quan trọng nhất, mà sự tử tế, cùng một chính sách – chiến lược minh bạch, rõ ràng, với trách nhiệm cao nhất mới là thứ đáng quan tâm hơn cả.
10 năm trước, người ta tính rằng có đến hàng chục đội bóng chuyên nghiệp bỗng dưng mất tích, chỉ sau một đêm. Rõ như N.Sài Gòn, XMXT.Sài Gòn, HP.Hà Nội, Hà Nội ACB (CLB Hà Nội), K.Khánh Hòa, K.Kiên Giang, HV.An Giang, Đồng Nai, V.Ninh Bình… (giai đoạn 2011 – 2014). Có thêm Than Quảng Ninh thì thừa, nhưng nếu Than Quảng Ninh mà giải thể thật, nó còn tạo ra một tiền lệ không hay khác cho những đội bóng còn lại, giữa vật vã mưu sinh mùa dịch và sự bức xúc, đấu tố lẫn nhau trong làng bóng đá nội, đang lên đến đỉnh điểm.
Dân bóng banh vẫn có câu - "Đen phải chịu, đỏ chấp cả làng". Trong tình huống này, thì một nhóm các cầu thủ Than Quảng Ninh nói riêng và cả đội bóng này nói chung, còn đen hơn cả than. Nếu không vướng phải dịch họa, dám không biết chừng khối nhà tài trợ sẽ nhảy vào thế vai ông Hùng “xoăn”. Cơ hội làm ăn ở vùng đất rộng, người thưa, được thiên nhiên biệt đãi như Quảng Ninh là rất nhiều. Quảng Ninh từng tạo tiền lệ cơ chế mở cho nhà đầu tư, rõ nhất là với công ty của ông Hùng thời kỳ đầu.
Một cầu thủ như Hải Huy hay Mạc Hồng Quân…, không khó để tìm bến đỗ mới. Nhưng đó sẽ là nỗi đau với bóng đá đất Mỏ. Và có thể tệ hơn, nó còn là dấu chấm hết cho lịch sử hơn 60 năm oai hùng của đội bóng này.
Cho đến hôm 25/8/2021, toàn bộ thành viên đội bóng Than Quảng Ninh được thông báo tùy nghi di tản, ai về nhà nấy, không hẹn ngày gặp lại. “Lãnh đạo đội bóng chơi bài ngửa luôn, chuyền quả bóng qua lại, kiểu đáng bùn sang ao. Tuyên bố giải tán, nghĩa là một cách gián tiếp giải thể đội bóng vậy. Đau thật”, một trụ cột Than Quảng Ninh chia sẻ. Vấn đề là Quảng Ninh nói riêng và phần lớn các địa phương của cả nước đều đang thực hiện giãn cách xã hội vào lúc này, nên e rằng đường về nhà cũng khó. Ở Quảng Ninh và rõ nhất là Cẩm Phả lúc này, mọi hoạt đội thể thao trong nhà và ngoài trời đều bị cấm, riêng chỉ có hàng quán là được phép mở. Đấy cũng là một dị biệt. Và thế mới là Than Quảng Ninh! |
Tùy Phong