Thần Chết qua đường bưu điện
(Thethaovanhoa.vn) - 4 cú đánh bom làm rung chuyển đất nước Thụy Điển thái bình. Đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên thế giới biết đến hiện tượng bưu kiện chứa bom. Nhưng, cái mà người ta tưởng là lời tuyên chiến với giới chủ tư bản, thực ra lại có lý do tầm thường đến khó tin.
Lời đe dọa khủng bố
... được gửi trước đến tờ Aftonbladet trong tháng 10/1909. Người gửi lá thư ký tên Justus Felix tự xưng là nhân danh “Cơ quan thi hành án của tòa án xã hội dân chủ“.
Justus Felix viết: “Chúng tôi tự tay hành hình những tội phạm xã hội, chủ nhà băng, chủ báo, những kẻ hút máu và ăn bám xã hội, vốn là thế lực bóc lột công nhân để sống trong cảnh xa hoa thừa mứa”. Tác giả chấm dứt bức thư bằng lời tuyên chiến với nhà cầm quyền: “Chúng tôi tin vào tác động kỳ diệu của tiếng bom sẽ nổ ra khắp nơi. Đã đến lúc thi hành án đã tuyên, và nạn nhân được chọn ra qua bắt thăm ngẫu nhiên”.
Hôm nay, đáng buồn thay, thế giới có vẻ quen với các vụ khủng bố. Song ở thời điểm đó thì lời đe dọa tử hình bằng bom rất vô lý: Làm thế nào cài bom đúng địa chỉ? Ai là người cài bom một cách bí mật để không bị phát hiện? Và nếu đã làm xong mọi thứ, làm sao để bom nổ đúng giờ? Vậy mà kẻ chủ mưu đã nghĩ ra giải pháp khá đơn giản để đưa bom vào tận văn phòng, đặt lên bàn giấy của nạn nhân, thậm chí để nạn nhân tự kích nổ: Justus Felix gửi bom qua đường bưu điện!
Sáng sớm ngày 19/8/1904, Giám đốc Karl Fredrik Lundin bước vào phòng và thấy một bưu phẩm gắn xi. Sau khi tháo dây và mở lớp giấy gói, hiện ra một hộp khá nặng so với độ lớn 19x30 cm của nó. Ông vất vả mới mở được nắp hộp.
Một tiếng nổ váng tai, lửa từ trong hộp táp vào mặt khiến Lundin mù mắt, quần áo bốc cháy. Trong giây lát cả căn phòng bốc lửa, khiến nhân viên phải nhảy qua cửa sổ thoát thân.
Hôm sau cảnh sát nhận được thư của một kẻ tự xưng là nhân viên cũ của hãng, nhưng công tác điều tra không tiến thêm được bước nào.
Chín tháng sau
... quả bom thứ hai phát nổ và cũng gây tác hại lớn, nhưng không trúng đích vì dán tem không đủ cước nên công chứng viên Alfred Valentin ở Stockholm không chịu nhận. Khi bưu phẩm bị trả về, nhân viên bưu điện Johan Gottfrid Sundvall mở ra và thấy một lọ nước hoa. Sundvall mở nút lọ và bom nổ, cắt đứt mấy ngón tay cũng như làm mù mắt nạn nhân.
Cảnh sát lúng túng như gà mắc tóc, các chuyên gia hình sự thì kinh ngạc trước kỹ thuật đơn giản mà hiệu nghiệm của một kẻ có đầu óc kỹ nghệ. Tuy nhiên, lại một lần nữa phải xếp vụ này vào ngăn kéo vì không tìm ra được dấu vết nào.
Năm 1909, khi hai vụ đánh bom trên gần như trôi vào quên lãng, Giám đốc John Hammer của một hiệp hội xuất khẩu Thụy Điển nhận được một bưu phẩm trong đó có một ống bìa cứng. Nghe tiếng nổ, nhân viên lao vào phòng và thấy Hammer máu me nằm dưới sàn nhà, hai tay bị đứt rời và mặt mũi cháy xém. Sau vụ này, lại một lá thư viết tay được chuyển đến cảnh sát. Tạp chí Dagen in lại lá thư và cả nước Thụy Điển kinh hoàng đón đọc. Lập tức không ai dám nhận bưu phẩm nữa. Báo chí cánh tả bày tỏ sự đồng tình với thủ phạm vì đã kích động lòng căm thù đối với giai cấp thống trị. Nhưng, khác với những lần trước, lá thư sẽ dẫn cơ quan điều tra đến với thủ phạm.
Một độc giả tên Alf Larsson đọc báo và nhận ra chữ viết có vẻ giống của một đối tác lâu năm. Ông báo cho cảnh sát, và chẳng mấy chốc người ta gõ cửa nhà tiến sĩ Martin Ekenberg.
Ở thời điểm ấy
... kỹ sư hóa Ekenberg đang sống ở London. Ở tuổi 39, nhà khoa học ấy đã có sau lưng một chuỗi thất bại trong sự nghiệp phát minh đầy ý tưởng thiên tài nhưng kết thúc buồn thảm. Ví dụ như sáng kiến chế sữa thành dạng bột, xây nhà máy chế biến cá ngay trên biển, phương pháp đo lượng chất béo trong sữa…
Ekenberg bỏ ra nhiều năm nghiên cứu phương pháp chế dầu máy một cách kinh tế từ mỡ cá, nhưng công việc tiến hành quá chậm chạp nên các nhà đầu tư rút hết vốn, khiến ông phải công khai kêu gọi nguồn tiền mới. Một giám đốc hiệp hội xuất khẩu ngỏ lời cảnh báo các nhà cấp vốn chớ nên quá tin vào nhà khoa học lận đận này.
Mọi chi tiết hợp lại thành câu chuyện logic: giám đốc ra lời cảnh báo đó chính là nạn nhân John Hammer sau này, còn người cắt nguồn tiền cho thí nghiệm đo mỡ trong sữa là Karl Frederik Lundin. Rõ ràng mọi trắc trở của Martin Ekenberg đã hun đúc lòng căm thù đối với những người cản trở bước tiến của hắn. Cho đến cao trào ở dạng bưu phẩm mà người nhận phải trả giá.
Quý ông hay tội phạm?
... đó là câu hỏi khiến cả xã hội Thụy Điển bị phân cực. Trong thẩm vấn, Ekenberg khéo léo gỡ tội và dư luận ngả về đổ tội cho chính các cảnh sát Thụy Điển cử sang Anh để thẩm vấn. Cho đến khi người ta phát hiện ra các dụng cụ chế bom trong căn hộ của quý ông lịch lãm và điệu ngài về Brixton tạm giam.
Hôm nay danh sách các phát minh của Ekenberg bao gồm 34 mục, nhưng số phận trớ trêu đã không ghi mục nào là sáng kiến đánh bom qua bưu phẩm. Ngay từ năm 1764 nhà sử học Bolle Willum Luxdorph người Đan Mạch đã ghi lại: “Đại tá Poulsen ở Borglum nhận được một hòm gỗ, khi mở hòm, một lượng thuốc súng lớn được kích hoạt khiến ông bị thương nặng“.
Rốt cuộc thì câu chuyện về nhà phát minh bất hạnh Martin Ekenberg cũng “có hậu”: Ekenberg không hề bị kết án, trước khi bị dẫn độ về truy tố tại Thụy Điển, ông ta chết trong tù vì một cơn đột quỵ.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần