Thẩm phán xét xử vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh: HĐXX rất cân nhắc giữa công và tội
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/1, ngay sau khi tuyên án các bị cáo trong phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và đồng phạm, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm) đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về một số nội dung phiên tòa mà dư luận đặc biệt quan tâm. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- ĐỒ HỌA: Mức án cụ thể của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
- Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường hơn 60 tỷ đồng
- Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh nhận án chung thân
* Trong hai tuần vừa qua, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đối với phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm. Ông đánh giá như thế nào về hậu quả các hành vi vi phạm của các bị cáo trong vụ án này?
- Trong quá trình xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Hội đồng xét xử thấy rằng, hậu quả của vụ án này phải được đánh giá một cách toàn diện và khách quan. Bởi lẽ, không chỉ riêng hành vi ứng tiền và sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích của các bị cáo khi thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, mà hậu quả của vụ án còn phải được đánh giá một cách tổng thể, gồm những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, vụ án này có rất nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, trong đó có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực dầu khí, điện lực, tài chính phải vướng vòng lao lý chỉ vì làm theo chỉ đạo của cấp trên là bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Điều này chính là hậu quả của công tác cán bộ, đất nước bị mất rất nhiều cán bộ và chuyên gia giỏi, chỉ vì sự chỉ đạo sai.
Thứ hai, thời điểm đó, năng lực thi công của PVC không có. Theo quy định tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ, để đánh giá năng lực của PVC, cần phải dựa trên những tiêu chí mà Nghị định 48 đã quy định. Lúc đó PVN chưa có hồ sơ yêu cầu, PVC cũng chưa có hồ sơ đề xuất thì không thể khẳng định PVC có năng lực để làm tổng thầu theo tiêu chí đánh giá của Nghị định 48. Chính vì PVC chưa có năng lực nên đã làm chậm tiến độ của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trên thực tế, kể cả khi có Quyết định 482 của Chính phủ về việc gia hạn tiến độ của Dự án này thêm 18 tháng nữa, nhưng kể từ khi gia hạn đến nay đã gần 5 năm mà dự án vẫn bị chậm tiến độ.
Trong khi đó, Dự án này vốn Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ 30% tổng số tiền đầu tư, 70% còn lại là vốn vay của nước ngoài. Kể từ khi các tổ chức nước ngoài giải ngân là hàng ngày Nhà nước phải trả lãi, mà tiền lãi đấy chính là tiền thuế của nhân dân. Hệ lụy này đã kéo dài đến 5 năm mà cho đến nay, Dự án vẫn chưa đi vào khai thác, chưa đem lại hiệu quả gì.
Thứ ba, cho đến nay, máy móc, trang thiết bị được đầu tư vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa được vận hành, nhưng thời hạn bảo hành của các loại máy móc đó thì đã hết tính từ ngày lắp ráp. Do đó, khi các máy móc, thiết bị này đi vào vận hành, nếu xảy ra hỏng hóc, cần sửa chữa thì Nhà nước lại phải trả tiền sửa chữa chứ không còn được bảo hành nữa.
Điều đáng nói ở đây chính là sự tùy tiện trong việc tạm ứng hàng nghìn tỷ đồng. Nếu các ngành, các địa phương đều sử dụng tiền tạm ứng của dự án vào các công trình sai mục đích thì thử hỏi nền kinh tế Việt Nam sẽ đi đến đâu? Cho nên, có thể nói, thiệt hại của dự án này kể từ khi thực hiện là rất lớn.
Ngoài ra, việc Hội đồng xét xử căn cứ vào số tiền thiệt hại mà cơ quan Bộ Tài chính giám định là mức thiệt hại tính trên lãi suất tối thiểu hơn 119 tỷ đồng. Cách tính đó cũng đã theo hướng có lợi cho các bị cáo rồi.
Một số dự án khác mà PVC làm tổng thầu, ví dụ như Dự án Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… đến nay cũng bị chậm tiến độ. Hội đồng xét xử cũng kiến nghị tiếp tục làm rõ các dự án đó.
* Thưa ông, tại phiên tòa, một số luật sư nêu vấn đề là Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999 và đề nghị xét xử các bị cáo theo tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 142 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Vậy tại sao các cơ quan tố tụng vẫn truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999?
- Các bị cáo vẫn bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ tội này, nhưng theo Nghị quyết 41/2017/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 thì những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 0 phút ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý. Trong vụ án này, hành vi phạm tội đã xảy ra trước 0 giờ 0 phút ngày 1/1/2018 nên vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn chính xác.
Về việc một số luật sư cho rằng, hành vi của các bị cáo phải được truy tố ở tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 142 Bộ luật Hình sự, đấy là quan điểm của luật sư. Bản thân tội “Sử dụng trái phép” đã nói lên mặt khách quan của tội này là xâm phạm đến quyền sử dụng về tài sản một cách trái phép. Còn trong vụ án này, việc các bị cáo nhận được tài sản đã là bất hợp pháp, đã dựa trên một hợp đồng không có hiệu lực pháp luật để nhận tiền. Một hợp đồng không có hiệu lực pháp luật thì không thể phát sinh ra quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch hợp đồng và PVC sẽ không nhận được khoản tiền tạm ứng này.
Nhận được đã là một điều không đúng rồi, quá trình sử dụng lại còn sai mục đích chứ không phải sử dụng trái phép. Cần phải hiểu rõ, sử dụng trái phép có nghĩa là xâm phạm đến quyền sử dụng thôi. Ví dụ như một cái ô tô để ngoài đường, đáng ra anh không được đi, thì anh lại nhảy lên lái thử thì đó mới gọi là sử dụng trái phép. Còn đây là anh sử dụng vào một mục đích bất hợp pháp, một mục đích không cho phép anh sử dụng. Đây chính là hành vi cố ý. Do đó, trong vụ án này không thể truy tố các bị cáo phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” được.
* Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã áp dụng mô hình phòng xử theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, vị trí tại tòa của đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư được bố trí ngang hàng nhau để tạo sự cân bằng và đối đẳng trong quá trình xét xử. Xin ông cho biết, sự cân bằng này còn được thể hiện cụ thể như thế nào trong quá trình xét xử?
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vị trí ngồi tại phòng xử của công tố ngang hàng, đối diện với vị trí của các luật sư. Điều này là hoàn toàn phù hợp và khoa học, đúng theo tiến trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đã đề ra, được thể chế hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc ngồi ngang hàng của một bên “buộc tội” và một bên “gỡ tội” không chỉ mang tính hình thức mà còn thể hiện cả về nội dung.
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, nội dung “ngang hàng” được thể hiện đầu tiên là trong phần xét hỏi. Ngoài Hội đồng xét xử tham gia xét hỏi, thẩm vấn thì Viện Kiểm sát và các luật sư cũng được tham gia xét hỏi một cách rất bình đẳng. Sự “ngang hàng” tiếp theo được thể hiện trong phần tranh tụng, giữa người đặt vấn đề với người đối đáp lại vấn đề. Trong phần này, vị trí ngồi ngang nhau đã thể hiện sự bình đẳng rồi và nội dung của đối đáp là không hạn chế. Viện Kiểm sát phải trả lời đến cùng những câu hỏi mà luật sư đặt ra và thực tế, trong phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, các luật sư cũng được tham gia đối đáp đến cùng những vấn đề mà các luật sư đặt ra và Viện Kiểm sát cũng trả lời đến cùng những câu hỏi đó trên cơ sở hành vi của các bị cáo và các căn cứ về mặt pháp luật. Tôi nghĩ rằng, vị trí ngồi tại Tòa của đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư không mang tính hình thức mà thực chất đã thể hiện sự bình đẳng của hai bên.
* Thưa ông, lần đầu tiên xét xử một bị cáo từng giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị, những người “cầm cân nảy mực” tại phiên tòa xác định cho mình tâm thế như thế nào? Ông có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ sau khi kết thúc phiên tòa?
- Trong vụ án này, có những bị cáo đã từng giữ những trọng trách rất cao trong hệ thống cơ quan Đảng và Nhà nước. Còn lại những bị cáo khác thì đa số có những chức vụ và quyền hạn cũng rất cao trong các doanh nghiệp Nhà nước. Khi xét xử, Hội đồng xét xử đã ghi nhận những công lao, đóng góp trong một quá trình công tác nào đó của các bị cáo này. Tuy nhiên, với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chủ trương “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước nên Hội đồng xét xử cũng rất cân nhắc, xem xét giữa công và tội của các bị cáo. Đồng thời cũng đã đưa ra một mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
* Trân trọng cảm ơn ông!
TTXVN/Kim Anh - Nguyễn Cúc (thực hiện)