'Thăm' mặt trăng sao Mộc bằng tàu vũ trụ chạy năng lượng Mặt trời
Theo kế hoạch dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2022, NASA sẽ đưa một phi thuyền chạy bằng năng lượng Mặt trời vào quỹ đạo sao Mộc để thực hiện khoảng 45 chuyến bay viễn thám gần Europa trong 3 năm.
Nhờ cách thức này, các nhà khoa học có thể khám phá toàn bộ bề mặt Mặt trăng Europa từ trên không gian. Các thiết bị được sử dụng phục vụ cho sứ mệnh này bao gồm các máy quay và quang phổ kế để ghi lại những hình ảnh rõ nét về bề mặt Europa cũng như xác định thành phần cấu tạo của mặt trăng này; một chiếc radar để xác định độ dày của bề mặt băng trên Europa và tìm kiếm những hồ nước nằm dưới các lớp băng tương tự như ở Nam Cực.
Ngoài ra, các nhà thiên văn học cũng sẽ sử dụng một chiếc từ kế để đo sức mạnh và phương hướng của trưởng điện từ của Europa nhằm xác định độ sâu và độ mặn của các đại dương, trong khi các thiết bị khoa học khác có nhiệm vụ tìm kiếm các bằng chứng về nước và các phân tử trong bầu khí quyển của mặt trăng này.
Trao đổi với báo giới, nhà khoa học Curt Niebur, một trong những người phụ trách chương trình về Europa của NASA, đánh giá kế hoạch trên là "một bước đi lớn" trong công cuộc tìm kiếm các đại dương hỗ trợ sự sống trên mặt trăng này. Ông cũng bày tỏ tin tưởng với sự trợ giúp của các thiết bị khoa học hiện đại, sứ mệnh lần này sẽ giúp phát hiện những khám phá mới về mặt trăng của Sao Mộc. Hiện NASA đã đề xuất đầu tư khoảng 30 triệu USD trong ngân sách tài khóa năm 2016 để dành cho việc nghiên cứu Europa. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án này ước tính lên tới 2 tỷ USD.
Nằm cách Trái Đất 624 triệu km, Europa là một khối cầu băng, ẩn chứa một đại đương khổng lồ dưới bề mặt. Nó lớn đến nỗi các nhà khoa học cho rằng lượng nước lỏng mà mặt trăng này sở hữu có thể gấp đôi hoặc gấp ba so với Trái Đất. Dựa trên thực tế sự sống đã phát triển từ các đại dương trên Trái Đất, các nhà khoa học hy vọng Europa có nhiều khả năng hình thành sự sống so với láng giềng thân cận nhất của địa cầu là Sao Hỏa.
TTXVN