Thảm họa Heysel đã cách ly bóng đá Anh ra sao?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc Premier League đếm ngược ngày trở lại sau ba tháng xa cách, bóng đá Anh từng bị cách ly khỏi các giải đấu châu lục suốt 5 năm trời. Đó là hậu quả to lớn từ thảm họa Heysel cách đây 35 năm.
Tháng 5/1985, tờ Sunday Times đăng một bài viết mô tả bóng đá Anh khi ấy như đang trong một cơn khủng hoảng thật sự: Đó là thời điểm môn thể thao vua phải chơi ở những sân bóng tồi tàn, nơi chứng kiến những khán giả đánh mất sự lịch thiệp”.
Hậu quả của sự xuống cấp ấy rất rõ ràng: Ngay mùa giải kế tiếp, bóng đá Anh hứng chịu tỷ lệ khán giả đến sân ở mức thấp nhất tại hạng đấu cao nhất tính từ sau Thế chiến thứ nhất, còn hạng Nhì chứng kiến con số thấp kỷ lục tính từ tận mùa 1906-07.
Chương đen tối nhất lịch sử bóng đá Anh
Bài viết đăng trên tờ Sunday Times được xuất bản chỉ 10 ngày trước khi Liverpool gặp Juventus trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu vào ngày 29/5/1985. Trước khi nhắc đến những gì diễn ra trên sân Heysel, bóng đá Anh đã từng chứng kiến hai thảm kịch đáng tiếc: Màn ẩu đả giữa cổ động viên hai đội Luton và Millwall hồi tháng Ba cùng vụ hỏa hoạn diễn ra trên sân Valley Parade trong trận đấu ở giải hạng Ba Anh giữa đội chủ nhà Bradford City và Lincoln City, khiến 56 người thiệt mạng vào ngày 11/5 năm đó.
Thật khó để nói bất cứ ngôn từ nào về thảm họa Heysel. Trận chung kết C1 năm ấy diễn ra trên một sân bóng cũ kỹ ở thủ đô Brussels, Bỉ. Sân bóng ấy chẳng hề có bất cứ ngăn cách rõ ràng nào giữa cổ động viên hai đội, cũng như việc viên phụ trách cảnh sát không hề tham dự bất cứ cuộc họp nào trước trận đấu. Ý định cấm bán đồ uống có cồn trước trận đấu không được thực hiện. Khu vực khán đài trung lập ngay bên cạnh nơi dành cho các cổ động viên Liverpool không những chỉ được ngăn cách bằng hàng rào một cách hời hợt mà còn được những cổ động viên đến từ Italy lấp đầy. Có quá nhiều yếu tố tác động đến sự bạo loạn các cổ động viên Liverpool khắp các khán đài gây ra dẫn đến việc một bức tường ở sân Heysel bị sụp, khiến 39 người tử vong vì bị đè, giẫm đạp lên nhau hay ngạt thở, cùng hơn 600 người khác bị thương. Ông Gunter Schneider, một quan chức của UEFA có mặt trong trận đấu ấy, khẳng định dứt khoát: “Không nghi ngờ gì nữa, các cổ động viên Anh phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này”.
Chiến thắng của Juventus trong trận chung kết năm ấy không chỉ lấy đi cơ hội vô địch của Liverpool, mà còn mở ra chương đen tối nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Tờ Guardian chua chát giật tít: “Cách ly thứ bóng đá tệ hại của chúng ta”. Ông Ron Atkinson, khi ấy là HLV của MU, đưa ra quan điểm: “Phần lớn chúng ta nghĩ Liverpool và thậm chí kể cả Juventus nên bị cấm tham dự các giải đấu châu lục”. Khi FIFA đưa ra quyết định tạm thời cấm các đội bóng Anh đá giao hữu ở nước ngoài, bà Margaret Thatcher, lúc đó là Thủ tướng Anh, cho rằng đó là cơ hội để bóng đá Anh thiết lập lại trật tự cần có. Liverpool sau đó đã rút lui khỏi đấu trường Cúp UEFA mùa giải kế tiếp, trước khi Liên đoàn bóng đá Anh (FA) tuyên bố rút lui toàn bộ các đại diện còn lại của xứ sương mù. Rồi khoảnh khắc đen tối nhất xuất hiện: UEFA chính thức tuyên bố cấm các đội bóng Anh tham dự Cúp châu Âu vô thời hạn vào ngày 2/6/1985, trước khi án phạt được rút xuống còn 5 năm.
Bước ngoặt World Cup 1990
Quyết định này khiến nhiều đội bóng Anh bị vạ lây. Everton, nhà vô địch giải VĐQG Anh mùa 1984-85, mất cơ hội dự Cúp châu Âu. Đó là một đòn giáng mạnh vào tập thể đáng gờm dưới thời HLV Howard Kendall. Hai tuần trước thảm họa Heysel, kình địch cùng thành phố với Liverpool đã đánh bại Rapid Vienna trong trận chung kết Cúp C2 diễn ra trên sân De Kuip, Rotterdam, Hà Lan. Cố huyền thoại bóng đá Anh Brian Clough phải thốt lên: “Với màn trình diễn như thế, cần phải tự hỏi Everton sẽ thống trị châu lục trong bao lâu?”. Thật buồn, chẳng có bất cứ cơ hội nào cho The Toffees ở sân chơi châu lục, khiến thủ quân Kevin Ractliffe phải thốt lên đầy cay đắng: “Chúng tôi đã giành cả chức VĐQG lẫn Cúp C2 thế nên chúng tôi hoàn toàn có cơ hội để thể hiện sự thống trị của mình tại đấu trường châu lục. Rốt cuộc, cái kết là một tập thể tan rã và các ngôi sao đi tìm những chân trời khác”.
Còn Liverpool thì sao? Họ vô địch hạng đấu cao nhất nước Anh 3 trong 5 mùa giải tiếp theo. Đến năm 1987 đội chủ sân Anfield tiến hành tái cấu trúc đội ngũ khi mang về những cái tên như John Barnes, Peter Beardsley và Ray Houghton. Tập thể ấy rốt cuộc cũng tàn lụi trước khi được nhìn thấy cơ hội trở lại đấu trường châu lục.
Các CLB Anh và Liên đoàn bóng đá Anh (FA) liên tục nói về cơ hội gỡ bỏ án cấm thi đấu châu lục, nhưng tình hình mỗi lúc một tệ hơn. Năm 1986, 150 cổ động viên của MU và West Ham đã gây lộn. Một năm sau đó, trận đấu giữa Anh và Tây Đức tại Dusseldorf để lại hậu quả một người bị đâm thương tích và 48 người bị bắt. Những hành xử tệ hại của các cổ động viên Anh tại EURO 1988 khiến nhiều người lo ngại lệnh cấm có thể lan tới cấp độ đội tuyển.
Thật may, mọi chuyện đã chuyển biến tích cực ở kỳ World Cup 1990, bất chấp những bi quan từ chủ tịch UEFA khi ấy là ông Lennart Johansson với lời khẳng định chỉ có khoảng 10% cơ hội để các CLB Anh được phép trở lại sân chơi châu lục. Rốt cuộc, đội tuyển Anh ở kỳ World Cup ấy đã lọt vào đến tận bán kết, và những cổ động viên xứ sương mù cho thấy những hành xử chuẩn mực. Chừng đó đủ để cánh cửa châu lục mở lại với các đội bóng Anh. MU và Aston Villa lần lượt được cho phép tham dự Cúp C2 và UEFA từ mùa giải 1990-91. Riêng Liverpool phải chịu án cấm tham dự đấu trường châu lục thêm một mùa nữa bất chấp thành tích vô địch giải VĐQG.
Tuy vậy, hệ quả án cấm để lại thật khôn lường. Bóng đá Anh phải chờ đợi tới 14 năm đến chứng kiến một đội bóng góp mặt ở trận chung kết sân chơi châu lục, sự hiện diện của MU trong trận chung kết Champions League mùa 1998-99. Hơn thế, nó còn ảnh hưởng đến sức hút các siêu sao của bóng đá châu lục. Mùa 1985-86, mùa đầu tiên án cấm dự Cúp châu Âu có hiệu lực, chỉ có đúng một cầu thủ nước ngoài tới Anh chơi bóng, trường hợp của John Sivebaek, tuyển thủ 24 tuổi được MU chiêu mộ từ Vejle với giá 200 nghìn bảng. Bóng đá Anh, trong giai đoạn thịnh trị ở thời điểm hiện tại, vẫn sẽ không thể quên nỗi đau Heysel từng hành hạ mình ra sao.
Thảm họa Heysel thúc đẩy Premier League Ngoài việc đem đến tổn thất về chuyên môn, thảm họa Heysel còn gây ra thiệt hại to lớn về tài chính cho các CLB ở giải VĐQG Anh. Đó là một trong số những lý do thúc đẩy việc Premier League ra đời vào năm 1992, giúp các CLB tại hạng đấu cao nhất xứ sương mù thoải mái kiếm tiền và trả mức lương cao hơn cho các cầu thủ. Quy định của UEFA trước đó chỉ cho phép các CLB Anh sử dụng ba cầu thủ nước ngoài, tính luôn cả trường hợp các cầu thủ đến từ CH Ireland cũng như các nước thuộc Vương quốc Anh. Mãi đến khi Luật Bosman ra đời vào năm 1995, quy định này mới bị bãi bỏ, mở đường cho làn sóng cầu thủ ngoại tràn vào Premier League, tăng sức hấp dẫn cho giải đấu như hiện tại. |
Linh Sam