Thái Bình: Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan hát văn, chầu văn
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tối 23/11, tại di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã khai mạc Liên hoan hát văn, chầu văn tỉnh lần thứ nhất do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình tổ chức.
Tham gia liên hoan có hàng trăm nghệ nhân, nghệ sỹ, hội viên các câu lạc bộ hát văn, hội thanh đồng đạo quan các huyện, thành phố trong tỉnh, với các tiết mục cắt giá diễn xướng hầu đồng, các bài hát văn ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam, ca ngợi các vị thánh, vị thần có công với dân với nước, ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
- Liên hoan Hát Chầu Văn Hà Nội 2018: Không được dùng tiền để phát lộc
- Bé hát chầu văn 'Cô đôi thượng ngàn' đoạt vé vàng
- Gương mặt thân quen nhí: Jennifer Lopez 'đấu' không lại chầu văn
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan hát văn, chầu văn tỉnh nhấn mạnh, liên hoan nhằm tôn vinh và góp phần bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật hát văn, chầu văn, đồng thời tạo điều kiện để các nghệ sỹ, nghệ nhân được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc...
Liên hoan được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Tiên La - Ngôi đền thờ Bát Nạn tướng quân nổi tiếng cổ kính, linh thiêng. Không gian đó càng tôn thêm sự trang trọng ý nghĩa của liên hoan, để mọi người cùng hòa mình vào không gian tâm linh, nghệ thuật và diễn xướng truyền thống, để cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc trang trọng, linh thiêng và càng thêm trân trọng những di sản quý báu của ông cha để lại...
Hát văn, chầu văn là loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc của dân tộc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu, trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một. Nhưng hiện nay nghệ thuật hát văn, chầu văn với những giá trị đặc sắc riêng có đã được khôi phục bảo tồn và phát triển.
Năm 2016, tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa Liên hợp quốc, UNESCO, đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt, trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự khẳng định những giá trị quý giá của tín ngưỡng thờ mẫu nói chung, của nghệ thuật hát văn nói riêng trong đời sống xã hội.
Trong kho tàng văn hóa của nhân loại và của dân tộc ta, có lẽ hiếm có loại hình nghệ thuật nào lại có sức cuốn hút kỳ lạ làm mê say lòng người như hát văn, chầu văn bởi ở đó có sự kết hợp đặc sắc hòa quyện, giữa lời ca, âm nhạc, vũ đạo và nghi lễ, đem lại cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc, vừa hiện thực gần gũi, vừa huyền diệu linh thiêng.
Xưa kia hát văn, chầu văn được biểu diễn chủ yếu trong các đền, phủ, nhưng theo thời gian từ chốn linh thiêng, hát văn đã và đang lan tỏa hiện diện trong nhiều không gian hoạt động văn hóa nghệ thuật của cộng đồng.
Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái Bình không chỉ nổi tiếng là vùng quê "sáng rối, tối chèo", mà trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến này, nghệ thuật hát văn, chầu văn, cùng nhiều di sản văn hóa của cha ông vẫn luôn được trân trọng, nâng niu, gìn giữ, trong đó có sự đóng góp tích cực, tâm huyệt của Hội thanh đồng đạo quan tỉnh và các huyện, thành phố, của các câu lạc bộ hát văn ở các địa phương có đông đảo những người yêu mến, say mê hình thức diễn xướng truyền thống độc đáo này.
Liên hoan hát văn, chầu văn tỉnh Thái Bình lần thứ nhất năm 2019 được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 24/11.
Nguyễn Công Hải/TTXVN