Thái Bình: Diễn biến khác thường, bệnh sởi tập trung ở trẻ dưới 9 tháng tuổi
Trong 3 tháng qua, trên địa bàn thành phố có 59 ca mắc sởi; trong đó có 16 ca là trẻ dưới 1 tuổi, 15 ca là trẻ từ 1 đến 2 tuổi và đã có một ca tử vong do biến chứng sởi. Đặc biệt, trong số 59 trường hợp mắc sởi có 41 ca không tiêm phòng vắc-xin sởi.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, phường rà soát lại danh sách các trẻ em trong độ tuổi chưa tiêm phòng để kịp thời tuyên truyền nhắc nhở các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ; khẩn trương bổ sung thêm nhân lực khám chữa bệnh, thuốc đặc trị.
Bác sĩ Vũ Thị Thủy, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, bệnh viện đã triển khai nhiều phương án khám chữa bệnh như: bổ sung thêm ca trực, thêm phòng cách ly, điều chuyển bác sĩ có kinh nghiệm khám chữa bệnh cho bệnh nhi. Đối với trường hợp bệnh nhi có dấu hiệu khả quan thì bệnh viện liên hệ với các bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận để giảm tải bệnh nhi và có thêm giường bệnh để phục vụ các trường hợp khác.
Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) quá tải với bệnh nhi mắc bệnh sởi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Bác sĩ Vũ Thị Thủy cho biết thêm, bên cạnh yếu tố do khí hậu ẩm ướt của những tháng đầu năm và môi trường ô nhiễm làm cho nguồn bệnh sinh sôi, thì tâm lý ngại tiêm vắc-xin của các bậc cha mẹ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần tiêm phòng cho trẻ đúng liều và khi có dấu hiệu của bệnh cần cho trẻ tới cơ sở y tế nhanh nhất.
Theo Trung tâm y tế dự phòng, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 2 cho trẻ dưới 18 tháng tuổi ở Hải Phòng trong tháng 3 và 4/2014 đạt thấp (khoảng 50,74%). Nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi dưới 40% như quận Hải An, Ngô Quyền, Đồ Sơn, huyện Cát Hải. Cá biệt, quận Dương Kinh, chưa có một trường hợp nào được tiêm phòng vắc-xin sởi.
Ngày 16/4, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết:
Đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã phát hiện 130 ca mắc bệnh sởi, trung bình bệnh viện điều trị cho khoảng 40 đến 50 bệnh nhân/ngày. Có thời điểm bệnh viện tiếp nhận 8 bệnh nhân sởi/ngày.
Hiện Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình có 40 ca bệnh sởi đang điều trị, trong khi đó bệnh viện này chỉ có 20 giường bệnh; hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị của bệnh viện cũng đang trong tình trạng thiếu thốn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Khoa Truyền nhiễm tiếp tục điều trị những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đã nhập viện từ trước và hiện nay không tiếp nhận ca bệnh khác ngoài sởi. Phòng làm việc của Trưởng khoa cũng được huy động để làm phòng bệnh lưu trú cho bệnh nhân.
Trong số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, có nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy, viêm tai giữa mủ và các nhiễm trùng khác.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh như hiện nay, ngành Y tế tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Minh Chính, đáng lo ngại là tình hình phát triển dịch bệnh có nhiều diễn biến khác thường so với các năm trước. Thông lệ các năm, vào thời điểm này thường nổi lên các bệnh như cúm, tay chân miệng thì năm nay điển hình là bệnh sởi. Thông thường bệnh sởi xuất hiện ở trẻ có độ tuổi hơn 9 tháng tuổi, nhưng hiện nay dịch có ở tất cả các lứa tuổi, tập trung nhiều nhất ở trẻ dưới 9 tháng tuổi.