Thách thức với ô tô Trung Quốc
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có vẻ không gặp khó với chính sách áp thuế mới của châu Âu, song lại không dễ dàng với kế hoạch thâm nhập Việt Nam, một thị trường sát nách!
Nhưng tình thế "tiến thoái lưỡng nan" này không chỉ đến từ và với xe Trung Quốc.
Áp thuế cao, xe Trung Quốc vào châu Âu vẫn lãi?
Ủy ban châu Âu quyết định áp mức thuế tạm thời từ tháng 7/2024 lên toàn bộ ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc với các mức khác nhau, trong đó cao nhất là 38,1% (so với 10% trước đó). Quyết định này không lâu sau khi Mỹ áp mức thuế trần lên tới 100% với xe Trung Quốc, trước áp lực dòng xe điện sản xuất từ quốc gia châu Á này tràn vào châu Âu, đẩy các nhà sản xuất chính quốc vào thế khó.
Năm 2023, dân châu Âu đã bỏ ra 11,5 tỷ USD để mua ô tô điện từ Trung Quốc so với chỉ 1,6 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu tại khu vực, trong đó Bỉ và Anh là hai thị trường mua xe điện Trung Quốc nhiều nhất!
Hiệp hội các nhà sản xuất xe Trung Quốc cho rằng mức thuế mới "nằm trong dự đoán và sẽ không ảnh hưởng gì mấy". Ngay cả khi mức thuế này tăng tới 50% thì xe điện Trung Quốc vào châu Âu vẫn có lãi! Cả BYD và Chery - hai thương hiệu xuất xe nhiều nhất vào châu Âu, đều đã và đang triển khai các nhà máy tại Tây Ban Nha, Hungary cũng như phát triển các đối tác không chỉ đặt ở châu Âu, mà còn ở một số khu vực không chịu ảnh hưởng của chính sách thuế mới này (Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc). Chưa kể, BYD đang gia tăng xuất các dòng xe plug-in hybrid cũng không bị ảnh hưởng bởi thuế.
Ngược lại, các hãng xe Đức lại ra mặt phản đối quyết định áp thuế mới của Ủy ban châu Âu, bởi trong số những thương hiệu bị ảnh hưởng trực tiếp có cả BMW - hiện thương hiệu Đức này đang sản xuất xe điện tại Trung Quốc và nhập ngược về chính quốc! Chưa kể hiện gần 30% doanh thu của các hãng xe Đức đều đang nằm ở Trung Quốc.
Bởi vậy, có thể nói, châu Âu đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan".
Sự thận trọng cao độ
Hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, đang gây "sóng gió" tại châu Âu cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới và cả Đông Nam Á là BYD và Chery (với hai thương hiệu Omoda và Jaecoo) cùng đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong tuần qua và cả hai đều cho thấy sự thận trọng cao độ.
Dù đã chinh chiến tới 76 thị trường trên toàn cầu, gần hết thị trường Đông Nam Á, với danh xưng "Số 1 thế giới" về doanh số xe năng lượng mới toàn cầu trong năm 2023, nhưng BYD chọn thăm dò người tiêu dùng bằng sự kiện Lái thử xe trước khi ra mắt chính thức (5 ngày tại TP.HCM, 2 ngày tại Hà Nội trong tháng 6).
Cả 3 mẫu xe lĩnh ấn tiên phong vào Việt Nam của BYD đều là những cái tên đã qua thử thách tại một số thị trường cao cấp như châu Âu, Úc, Singapore, đạt 5 sao (thậm chí với điểm số rất cao) trong các bài test an toàn của châu Âu và Úc, vẫn đang thăm dò người tiêu dùng trước khi ra mắt chính thức kèm giá bán sau 1 tháng nữa (18/7). Mức đặt cọc của các mẫu xe này đang vô địch về… thấp, chỉ 10 triệu đồng, cho hoàn tiền nếu không mua!
Mạnh miệng hơn, Omoda và Jaecoo cho biết kế hoạch đến năm 2028 sẽ bán 10 mẫu xe cả xăng lẫn điện, ở mọi phân khúc ("cái gì cũng có"), chiếm 10% thị phần và lọt Top 5 doanh số toàn thị trường ở Việt Nam.
Nhà máy liên danh với Geleximco tại tỉnh Thái Bình đang triển khai, dự kiến có thể xuất xưởng lô xe đầu trong quý 1/2026. Tuy nhiên xe mới chỉ trưng bày, giá chỉ được công bố khi xe ra mắt chính thức vào tháng 8/2026.
Giá đang được xem là "cú chốt" quan trọng của ô tô Trung Quốc khi tâm lý người tiêu dùng Việt Nam dành cho xe Trung Quốc vẫn còn nhiều e ngại bất kể nó 5 sao ở đâu (!). Đặc biệt, với xe điện - át chủ bài của Trung Quốc - thì VinFast là người ngáng đường khó chịu nhất với thế mạnh dẫn đầu của thương hiệu nội địa và vô đối về hạ tầng trạm sạc. Trang thông tin tài chính Nikkei Asia nhận định: Trong khi xe điện Trung Quốc không mấy khó khăn để thành công nhanh chóng tại nhiều thị trường, từ Brazil tới Thái Lan, thì nó sẽ gặp phải thách thức lớn ở một thị trường Việt Nam.
Trước mắt, các hãng xe Trung Quốc đều chọn cách gia tăng sự hiện diện bằng việc đầu tư mạnh vào hệ thống đại lý.