Thách thức để tạo nên những phim "bom tấn" đề tài lịch sử
"Cần phải hiểu phim lịch sử là một tác phẩm nghệ thuật, không phải là phim tài liệu" - đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn chia sẻ tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII.
Cuối tuần qua, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học được tổ chức trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII). Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nghệ sĩ, các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế…
Cuộc hội thảo nhằm thảo luận những vấn đề đặt ra khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, kinh nghiệm quốc tế... Đây là những vấn đề luôn luôn thời sự, kể cả với những nền điện ảnh - truyền hình phát triển.
Ví dụ ở Trung Quốc, năm 2020, Sohu đưa tin hai tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng phim cung đấu Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem trực tuyến. Lý do là bởi hai bộ phim bị cho là xuyên tạc lịch sử.
Hoặc ở Hàn Quốc, loạt phim truyền hình như Pháp sư trừ tà Triều Tiên (Joseon Exorcist), Chàng Hậu (Mr. Queen)... làm "dậy sóng" dư luận vì những yếu tố xuyên tạc lịch sử, văn hóa Hàn Quốc và bị đề nghị "cấm sóng".
Quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh
Ở Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim.
Ông Tạ Quang Đông (Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL) phát biểu: "Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh".
Điều hành hội thảo, bà Đinh Thị Thanh Hương (Chủ tịch Điều hành HĐQT Galaxy Studio) chia sẻ, chưa bao giờ phim Việt Nam chiếm tỷ lệ đến 50% thị trường điện ảnh trong nước. Nền điện ảnh Việt Nam cũng là nền điện ảnh có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Nhiều khảo sát cho thấy, nhiều phim đề tài chuyển thể từ tác phẩm văn học, phim đề tài lịch sử rất được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, đối với nhà làm phim Việt Nam, đây vẫn là những mảng đề tài còn gặp nhiều khó khăn, thách thức…", bà Đinh Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Từ xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam, có thể thấy, "Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một "mảnh đất màu mỡ" để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ 5 tác phẩm điện ảnh thì có 1 bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học", ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh thêm.
Được biết, tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình, nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: phim Chị Tư Hậu (từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái); phim Con chim vành khuyên (từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca); phim Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); phim Bến không chồng (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng)…
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như Sao tháng 8; Hà Nội mùa Đông năm 46; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… hoặc điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như Long Thành cầm giả ca, Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Đào, phở và piano…
Nhà làm phim không muốn bị "bó chân, bó tay"
Các nhà làm phim, đạo diễn cũng đã chia sẻ về những thách thức từ thực tế đối với người làm phim đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, nhiều nhà làm phim vẫn luôn "ôm ấp" những dự án phim chuyển thể, phim về đề tài lịch sử. Thực tế cho thấy, đây là những đề tài hay, hấp dẫn, thế nhưng ngay khái niệm như thế nào là phim chuyển thể, khai thác như thế nào từ các sự kiện lịch sử để đưa vào phim cũng chưa rõ. Điều đó làm cho nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ.
"Công chúng xem phim điện ảnh về lịch sử, nhưng dường như nhiều người lại nghĩ đó là phim tài liệu, những sáng tạo đều bị "soi xét". Điều đó thực sự đã bó tay, bó chân nhà làm phim. Bởi chắc chắn một điều, điện ảnh chỉ thuần phản ánh sự kiện lịch sử sẽ không có cảm xúc, thậm chí khô khan" - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.
Bên lề cuộc hội thảo, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ về thách thức khó khăn với nhà làm phim lịch sử: "Người làm phim lịch sử ở nước ta có muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là kinh phí khó khăn. Phim lịch sử kinh phí gấp đôi phim bình thường. Để có nguồn kinh phí đó từ nhà nước hoặc xã hội hóa đều rất khó. Nếu kết hợp hai cái thì tốt, nhưng Nhà nước lại không có quy định về việc ấy. Thứ hai về đề tài nội dung, có nhiều thứ đã được lịch sử trả lời rạch ròi, chính xác, nhưng hóa ra không phải vậy, có nhiều ý kiến đánh giá, tư liệu mới để nhìn vấn đề rõ hơn, minh bạch hơn".
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng cho rằng, vai trò của biên kịch là vô cùng quan trọng vì họ là người chuyển thể tác phẩm văn học, người nghiên cứu tư liệu lịch sử để viết bên những kịch bản. Các nhà biên kịch cũng rất khó khăn khi viết kịch bản phim lịch sử. Nhiều tư liệu lịch sử đã bị mất đi, bị rỗng nhiều khoảng. Trong những tư liệu ta có hiện nay thì phần lớn viết về các triều đại, nhà vua, cung đình... chứ không thấy gì về cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, nhà sản xuất Trinh Hoan (HKFilm) thì lại đề xuất đến vấn đề tăng thuế lên 10% với điện ảnh là điều không hợp lý.
"Làm phim về đề tài lịch sử vốn dĩ đã vô vàn khó khăn. Khó đầu tiên là tạo dựng bối cảnh rất tốn kém. Khó thứ 2 là sự quan tâm của công chúng, làm sao để thu hút công chúng mà vẫn phải đảm bảo tính lịch sử, tính sáng tạo. Khó nữa là thuyết phục các nhà đầu tư là làm sao phải là vậy, thay vì phim lịch sử khó khăn, vì sao không làm phim đề tài hiện đại, đầu tư ít hơn nhưng lấy lại vốn… Nếu không có chính sách cởi mở, tạo điều kiện thì sẽ rất khó để có những bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử thu hút như các nền điện ảnh trên thế giới...", nhà sản xuất Trinh Hoan bày tỏ thêm.
Đồng ý với quan điểm của nhà sản xuất Trinh Hoan, PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nói ông đồng ý mạnh mẽ với việc không tăng thuế, thậm chí mong muốn giảm thuế cho lĩnh vực văn hóa.
"Văn hóa là lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Vì vậy, câu chuyện liên quan đến tiền không được làm cản trở sự phát triển của văn hóa", ông Sơn khẳng định.
"Tuy nhiên, giống như tất cả mọi người ở đây, như tất cả mọi người yêu văn hóa, chúng tôi mong rằng, chúng ta đang trong giai đoạn đặc biệt quan tâm tới văn hóa, chúng ta nên giữ mức thuế là 5%. Cá nhân tôi kêu gọi tất cả mọi người có thêm tiếng nói cùng với những đại biểu Quốc hội như tôi để có thể giữ lại mức thuế ưu đãi".
Chia sẻ thêm về chính sách hiện tại hỗ trợ cho điện ảnh hiện tại và định hướng trong tương lai, ông Bùi Hoài Sơn cho biết: "Tôi cho rằng, phim lịch sử phải là dòng phim quan trọng của đất nước chúng ta. Chúng ta luôn mong muốn có những bộ phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Những phim lịch sử chuyển tải nhiều thông điệp không chỉ về văn hóa mà cả chính trị"...
Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho biết thêm, thực tế, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ điện ảnh phát triển, trong đó có chính sách đặt hàng tác phẩm. Chính sách đặt hàng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác, kỷ niệm ngày lễ lớn hoặc trong giai đoạn tới đặt hàng để có bộ phim, tác phẩm xứng tầm thời đại... Nhà nước sửa đổi Luật Điện ảnh, hướng theo mục đích phát triển công nghiệp.
"Tôi cho rằng phim lịch sử phải là dòng phim quan trọng của đất nước chúng ta. Chúng ta luôn mong muốn có những bộ phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.