Thạc sĩ ĐH top đầu từng ở biệt thự, nay thất nghiệp đi làm shipper: Trung niên chật vật vì tuổi trẻ mắc sai lầm phổ biến nhưng ít ai 'thấu' hậu quả
Người đàn ông này từng có mức lương cao, ở nhà biệt thự nhưng sau khi thất nghiệp lại phải thuê xe để đi làm shipper vì 99% hồ sơ xin việc không có hồi âm.
Thành công giống như leo núi
Gần đây câu chuyện về Thạc sĩ Trần Đào, từng tốt nghiệp ĐH Tứ Xuyên (Trung Quốc) thuộc dự án 985 (trường trọng điểm quốc gia) thất nghiệp đã gây xôn xao mạng xã hội. Trước đó Trần Đào từng làm việc tại một số tờ báo lớn với mức lương cao, ở trong biệt thự gần rừng núi nhưng anh đã đánh mất tất cả ở tuổi 38. Giờ đây Trần Đào ở trong căn phòng rộng hơn 10m2 ở khu vực đường vành đai và đi làm shipper vì nộp rất nhiều hồ sơ nhưng 99% không nhận được hồi âm.
Nhìn vào sự nghiệp của Trần Đào, dễ thấy người đàn ông này đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng: không có kế hoạch cho cuộc sống và công việc của mình, dễ dàng thay đổi công việc tuỳ theo cảm hứng. Trần Đào làm việc trong lĩnh vực báo chí, sau đó chuyển sang công ty truyền thông rồi lại “nhảy việc” đến một công ty công nghệ, cuối cùng thất bại khi khởi nghiệp. Đến khi quay lại xin việc thì lại bị từ chối vì đã quá tuổi.
Doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc Phùng Đường từng gợi ý rằng mỗi công việc nên kéo dài ít nhất 5 năm để nâng cao đủ kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm và có thành quả nhất định. Tuy vậy, tuỳ vào hoàn cảnh, cơ hội phát triển nghề nghiệp, sự thay đổi của ngành và văn hoá ở doanh nghiệp để cân nhắc kỹ lưỡng nhưng quan trọng nhất vẫn phải là xác định mục tiêu cho mỗi lần thay đổi.
Cuộc sống thiếu mục tiêu và tầm nhìn, rất dễ sa vào vũng bùn. Nếu bạn thay đổi ngành nghề quá nhanh, bạn sẽ luôn bị lạc ở ngã 3 đường. Sau 35 tuổi, cuộc sống của mọi người thường chia làm 2 nhóm: Một là sự nghiệp dần đi vào ngõ cụt, hai là phát triển ngày càng rực rỡ. Với những người ở nhóm đầu tiên, khủng hoảng tuổi trung niên có thể bắt nguồn từ sự thiếu kiên nhẫn khi còn trẻ còn ở nhóm thứ 2, họ đã âm thầm có sự chuẩn bị để ổn định từ rất sớm.
Câu chuyện của một người bạn họ Ngô bền bỉ trong công việc từng được một nhà văn kể lại thế này: Anh Ngô vào xưởng đúc học việc sau khi học xong THCS với mức lương 300 NDT/tháng. Khi những người bạn khác chê mức lương này quá thấp, rủ anh đi làm shipper thì anh Ngô chỉ mỉm cười, đi sớm về khuya chăm chỉ theo học thầy trong xưởng. Ngoài giờ học anh còn nghiên cứu các bản vẽ và cách sử dụng các phần mềm. 5 năm sau hệ thống xưởng đúc cải tổ, anh Ngô được thăng chức lên cấp quản lý. Sau này anh tự mở nhà máy cho riêng mình, thu nhập vượt xa những người bạn shipper ngày xưa.
Thành công của một người có thể hiểu là quá trình leo lên đỉnh núi, bạn sẽ leo với tốc độ nhanh hơn nếu tập trung vào một ngọn núi thay vì vừa đi vừa nhìn về phía ngọn núi khác và cảm thấy nó hấp dẫn hơn. Bạn có thể thử leo nhiều ngọn núi khi còn trẻ, nhưng nếu mãi dừng ở lưng chừng núi rồi lại từ bỏ, bạn sẽ chỉ biết đến đỉnh núi qua lời kể của người khác.
Đừng mong tiền tài đến khi chưa tạo ra giá trị đủ cao, tích luỹ đủ lâu
Chủ đề từng được thảo luận nhiều trên mạng xã hội Zhihu: “Vì sao lương công việc trên thị trường ngày càng thấp?” nhận được câu trả lời: “Không phải do phía công ty trả lương thấp mà là do bạn chưa tạo ra giá trị đủ cao”.
Ông trùm giáo dục Trung Quốc Du Mẫn Hồng từng nói: “Mọi người thường có 2 mục đích theo đuổi trong đời. Một là giàu có, hai là có giá trị. Người giàu chưa chắc đã có giá trị, người có giá trị nhất định sẽ giàu có”.
Khả năng của con người ở bất kỳ lĩnh vực nào luôn cần thời gian để “bén rễ”. Khi bạn kiên trì theo đuổi một mục tiêu và biết xây dựng khả năng cạnh tranh cốt lõi nổi bật, tiền tự nhiên sẽ đến với bạn.
Người dẫn chương trình Trung Quốc Trần Hiểu Khánh có một người bạn đã mở nhà hàng hơn 10 năm, kinh doanh rất phát đạt. Trần Hiểu Khánh rất tò mò bí quyết để kinh doanh thành công mà không cần tốn quá nhiều tiền quảng bá, người bạn liền trả lời rằng: “Mở quán quan trọng nhất là nguyên liệu, luôn phải đi chợ chọn nguyên liệu sớm nhất và kỹ nhất. Món ăn có nguyên liệu tươi ngon khách ăn sẽ thấy sự khác biệt so với những nơi chỉ dùng đồ đông lạnh, lưu trữ lâu và họ sẽ yên tâm để quay lại ăn. Ban đầu không nhiều người biết đến vì không marketing rầm rộ nhưng khi làm tốt và đem đến sản phẩm có giá trị, marketing truyền miệng sẽ lợi hại hơn nhiều”.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ Đại học Harvard Edward Banfield về động lực của tiến bộ xã hội Mỹ phát hiện ra rằng những người thành công thường là những người có quan niệm dài hạn về thời gian, có tầm nhìn xa trông rộng. Banfield phát hiện ra rằng những người thành công thường dành thời gian để nghĩ về tương lai trong dài hạn, thường là 10 hay 20 năm sau, tìm hiểu rõ xem họ muốn đạt được điều gì trong cuộc sống và công việc vào thời điểm đó. Sau đó họ sẽ trở lại với hiện tại và đảm bảo rằng những việc mình làm phù hợp với mục tiêu trong tương lai.
Thành công không chỉ được xây dựng từ chuỗi ngày làm việc dài đằng đẵng mà còn là sự tổng hoà của trí tuệ và kinh nghiệm. Vậy nên dù ở bất cứ ngành nghề nào, bạn hãy cố gắng đào sâu và dần dần trở thành người không thể thay thế trên đỉnh núi sự nghiệp.