Tha chết cho hai người này, Tào Tháo phạm phải sai lầm lớn: Tào Ngụy không thể thống nhất Tam Quốc!
Có lẽ Tào Tháo cũng không ngờ rằng việc tha mạng cho hai kẻ đáng chết này lại khiến Tào Ngụy không thể thống nhất được thiên hạ. Quả thật đáng tiếc!
Tào Tháo (155 – 220) là một trong những chính trị gia, nhà quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán và Tam Quốc. Ông chính là người đã đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở phương Bắc rộng lớn, lập nên chính quyền Tào Ngụy trong thời Tam Quốc.
So với hai vị quân chủ là Lưu Bị và Tôn Quyền, Tào Tháo là người có xuất phát điểm thuận lợi hơn. Sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc, nhưng Tào Tháo đã từng bước gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, đồng thời nắm trong tay quyền lực lớn.
Cả đời tung hoành ngang dọc, nổi tiếng túc trí đa mưu, có tài thao lược, thậm chí lập được nhiều công trạng to lớn, nhưng cuối cùng đến khi chết Tào Tháo cũng không hoàn tất được giấc mộng thống nhất giang sơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Tào Tháo hoàn toàn có thể thống nhất thiên hạ nếu như không mắc phải hai sai lầm đáng tiếc này. Đó là tha chết cho 2 người.
Vậy, hai người này là ai và tại sao một người đa nghi như Tào Tháo lại nơi lỏng cảnh giác mà buông tha?
Thứ nhất, Lưu Bị
Kẻ đáng bị giết đầu tiên mà Tào Tháo buông tha chính là Lưu Bị. Dù Lưu Bị tuy nổi tiếng là người nhân nghĩa, chính trực, nhưng ông tuyệt đối không phải là người chịu bằng lòng là bề tôi, sống dưới trướng Tào Tháo lâu dài.
Trong quá trình lập nghiệp, Tào Tháo từng phải nương nhờ ở trong quân doanh của Tào Tháo. Sau khi hợp tác đánh bại Lã Bố, nhiều mưu sĩ của Tào Tháo đã khuyên rằng nên giết chết Lưu Bị để diệt trừ hậu họa về sau. Thế nhưng, đáng tiếc là Tào Tháo đã không làm việc này.
Tuy nhiên, Tào Tháo cũng không phải người dễ dàng bỏ qua cho kẻ mà ông nghi ngờ. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo cùng Lưu Bị từng có buổi "uống rượu luận anh hùng". Cụ thể, trong khi Lưu Bị nương nhờ, có lần Tào Tháo đã chuẩn bị tiệc rượu để vừa uống vừa nói chuyện với Lưu Bị. Thực chất, mục đích của bữa tiệc "uống rượu luận anh hùng" này là một bài kiểm tra nhằm thăm dò ý định và thử thách bản lĩnh của Lưu Bị.
Nhưng may mắn là Lưu Bị lại tỏ ra rất bình tĩnh, khôn ngoan và khiêm nhường khi trả lời những câu hỏi và tình huống mà Tào Tháo đưa ra.
Đặc biệt, khi Tào Tháo bất ngờ gọi Lưu Bị là anh hùng, Lưu Bị tuy giật mình đánh rơi thìa đũa nhưng lại nhanh trí lợi dụng tiếng sấm để có thể che đậy đi.
Chính vì sự che giấu khéo léo của Lưu Bị khiến Tào Tháo nơi lỏng cảnh giác hơn. Hơn nữa, sau khi rời khỏi Tào Tháo, Lưu Bị từng bước âm thầm lo gây dựng sự nghiệp, giống như "rồng ẩn trong mây".
Kết quả, thế lực của Lưu Bị không những gây ra nhiều rắc rối, phiền toái mà còn trở thành kẻ thù lớn nhất của Tào Tháo trong cuộc chiến tranh giành thiên hạ. Đặc biệt, sau khi thế chân kiềng trong Tam Quốc được hình thành, với 3 nước Ngụy – Thục – Ngô, Lưu Bị lại càng dần lộ rõ tham vọng thống nhất thiên hạ, đối đầu trực tiếp với Tào Tháo.
Chẳng hạn, việc liên minh Tôn – Lưu đánh bại Tào Tháo trong trận Xích Bích (năm 208) đã ngăn cản vị quân chủ này mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam, đồng thời bỏ lỡ cơ hội thống nhất thiên hạ.
Ngoài ra, trong trận Tương Đương – Phàn Thành (năm 219), nếu không có tác động gián tiếp của phe Đông Ngô trong việc chi phối kết quả trận đánh, thì Lưu Bị đã có thể trấn áp được Tào Tháo.
Điều này cho thấy năm xưa Tào Tháo đã phạm phải sai lầm lớn như thế nào. Nếu sớm nghe lời các mưu sĩ của mình mà giết chết Lưu Bị thì có lẽ Tào Tháo đã sớm hoàn thành giấc mộng thống nhất thiên hạ từ lâu.
Thứ hai, Tư Mã Ý
Sai lầm thứ hai trong đời của Tào Tháo chính là không giết Tư Mã Ý. Tào Tháo mặc dù tin dùng Tư Mã Ý nhưng vẫn luôn đề phòng. Sau khi nhận ra Tư Mã Ý có "tướng lang cố", lại mơ thấy ba con ngựa cùng ăn một máng nên Tào Tháo luôn tỏ ra nghi kỵ.
Sở dĩ Tào Tháo không giết Tư Mã Ý ngay khi ông còn sống vì lúc bấy giờ Tư Mã Ý chỉ giữ chức quan nhỏ, đồng thời không nắm binh quyền nên căn bản không mấy đe dọa đến Tào gia. Hơn nữa, Tư Mã Ý lại là kẻ khéo léo che giấu dã tâm, luôn tỏ ra trung thành và hết lòng vì Tào Tháo và gia tộc họ Tào.
Tuy nhiên, trước khi qua đời, Tào Tháo lại cẩn thận dặn dò con trai là Tào Phi rằng: "Tư Mã Ý không phải loại người chịu là bề tôi, tất sẽ can dự vào việc nhà ta".
Thế nhưng, Tào Phi và Tư Mã Ý lại có mối quan hệ tốt. Chính Tư Mã Ý là người có công phò tá Tào Phi giành chiến thắng trong cuộc chiến thừa kế. Hơn nữa, so với Tào Tháo, Tào Phi còn kém hơn một chút về việc dùng người và trọng dụng nhân tài. Do đó, thay vì thẳng tay giết hay nghi kỵ, Tào Phi lại trọng dụng Tư Mã Ý.
Thử hỏi, thay vì căn dặn Tào Phi đề phòng Tư Mã Ý, Tào Tháo thẳng tay giết chết kẻ có hùng tâm tráng chí này thì làm sao gia tộc Tư Mã sau này có thể lớn mạnh và uy hiếp thiên hạ của nhà Tào Ngụy?
Thật không ngờ, Tư Mã Ý cả đời ẩn nhẫn phục vụ cho 3 thế hệ của Tào gia, gồm Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, đến cuối đời mới thực sự bộc lộ dã tâm quyền lực. Theo đó, Tư Mã Ý đã thực hiện một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249.
Thật không ngờ, ở tuổi 70, Tư Mã Ý nắm đại quyền của Tào Ngụy, từ đó chuyển giao quyền lực cho hai con là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu, đồng thời tạo tiền đề cho cháu nội là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn, thống nhất giang sơn và chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina, Baidu