TGĐ Elite Việt Nam Thúy Nga: Top 3 thế giới vẫn là giấc mơ của người đẹp Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Lan Khuê lọt Top 11 Hoa hậu Thế giới – thành tích cao nhất từ trước tới nay của người đẹp Việt tại cuộc thi này và Phạm Hương thu hút sự chú ý tại Hoa hậu Hoàn vũ (dù cô không lọt Top 15), “tin vui” lại tới khi chuyên trang Missosology xếp Việt Nam vào Top 10 “cường quốc sắc đẹp”. Đây có thực sự là điều đáng mừng?
- VIDEO: Lan Khuê vào Top 11 Hoa hậu Thế giới nhờ khán giả bình chọn
- Missosology vẫn tiếc vì Phạm Hương không lọt Top 5
- Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ: Ngắm Phạm Hương thể hiện mình qua các phần thi
* Bà đánh giá thế nào về việc Missosology lần đầu chọn Việt Nam lọt Top 10 “cường quốc sắc đẹp”?
- Không thể phủ nhận năm 2015 là năm “bùng nổ” của nhan sắc Việt trong các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới. Chưa năm nào mà chất lượng thí sinh Việt Nam đồng đều như năm nay. Dù kết quả chưa được như mong đợi, nhưng đã tiến bộ hơn trước rất nhiều và ít nhiều cũng tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế.
Trang Misosology là chuyên trang bình chọn sắc đẹp cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn chuyên trang bình chọn sắc đẹp khác ở trên thế giới hay tại Việt Nam. Nó chỉ mang tính chất tham khảo, tìm hiểu thêm thông tin chứ không có ý nghĩa với bất kể BTC cuộc thi nào, và không có ảnh hưởng gì đến kết quả chấm điểm của các ban giám khảo cuộc thi. Tuy nhiên qua bảng chấm điểm phần nào chúng ta cũng có thêm thông tin về Việt Nam cũng như của các nước để có thể rút ra kinh nghiệm cho những năm sau này.
* Là người tâm huyết và kiên trì với việc đưa nhan sắc Việt “đem chuông đi đánh xứ người” từ hàng chục năm nay, một cách khách quan, bà có thấy “lò đào tạo” nhan sắc “made in Việt Nam” đã ngày càng chuyên nghiệp?
- Nói thực, Việt Nam chưa có cái gọi là “lò đào tạo hoa hậu” đúng chuẩn nên không thể nói chuyên nghiệp hay chưa! (cười).
Đến giờ mới có cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam là có một quá trình đào tạo các em trong hơn hai tháng với những kỹ năng quốc tế căn bản, để từ đó các em có những kiến thức cho việc làm sao trở thành một “nữ hoàng sắc đẹp”.
Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng đó mới chỉ là một thời gian ngắn ngủi với những kiến thức cơ bản. Để trở thành “lò đào tạo hoa hậu” đúng nghĩa chúng ta phải có trường lớp với những chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế, với những học sinh có thể mới chỉ ở lứa tuổi 9-10 tuổi.
Đến 18 tuổi các em đã trở thành những “thí sinh chuyên nghiệp” để đến với các cuộc thi trong nước. Và sau thành công ở cuộc thi trong nước các em có thể xách vali đến với cuộc thi quốc tế ngay sau khi đăng quang với những kỹ năng trở thành Nữ hoàng đã ngấm vào máu, như là bản năng trong mỗi thí sinh chứ không cần phải diễn.
* Đông Nam Á đã có ngôi vị cao nhất ở HHHV, lọt sâu vào các Top ở HHHV, HHTG, theo bà, chúng ta còn thua kém họ ở điểm gì? Còn người Việt luôn có tâm lý “trong nhà nhất mẹ, nhì con”, theo bà, nhược điểm cần phải khắc phục của những người đẹp Việt?
- Chúng ta thua họ rất nhiều. Thua họ trong việc đào tạo thí sinh bài bản, theo chuẩn quốc tế, thua họ về lịch sử tham gia cuộc thi, và quan trọng nhất chúng ta đang quá ảo tưởng và không hề biết chúng ta là ai, thí sinh các nước họ mạnh như thế nào. Tất cả những điều đó dẫn đến kết quả vẫn rất khiêm tốn với Việt Nam.
Tôi lấy hai ví dụ. Ở Hoa hậu Thế giới, tiêu chí là chọn những thí sinh có vẻ đẹp thanh lịch, tri thức, thông minh và có kiến thức cũng như cái tâm để sẵn sàng cho những dự án từ thiện trên thế giới. Xét về những tiêu chí đó thì Hoa hậu Tây Ban Nha hoàn toàn phù hợp và xứng đáng với ngôi vị HHTG năm nay.
Nếu đã gặp cô ấy ngoài đời mọi người sẽ thấy sự thanh lịch, sang trọng toát ra từ dáng đi, biểu cảm khuôn mặt, cách nói năng, cách ăn mặc, make up... Ở Hoa hậu Tây Ban Nha luôn toát lên sự cao quý làm người khác phải tôn trọng ngưỡng mộ. Tuy nhiên cô ấy lại bị khá nhiều khán giả Việt Nam chê bai là xấu xí, già nua, không xứng đáng ngôi vị HHTG!
Ở Hoa hậu Hoàn vũ, tiêu chí cuộc thi nhắm đến những vẻ đẹp gợi cảm, bốc lửa, với làn da rám nắng khoẻ mạnh, kỹ năng catwalk hoàn hảo, khả năng chụp hình xuất sắc, khả năng diễn thuyết tốt và tổng hợp là sự hấp dẫn từ nội lực. Và cá nhân tôi đánh giá cao HH Philippines khi đoạt vương miện HHHV.
Ở cô toát lên một sự quyến rũ sâu sắc từ bên trong, vẻ cao quý từ thần thái và thể hình sexy, khoẻ mạnh mà vẫn thanh lịch, bên cạnh đó là sự thông minh qua câu trả lời xuất sắc. Tuy nhiên cô cũng đã bị rất nhiều khán giả Việt Nam “ném đá” không thương tiếc với đủ những "mỹ từ" mà nếu người nước ngoài nghe được không biết họ sẽ nghĩ gì???
Chỉ từ hai cuộc thi này thôi đã thấy quan điểm chọn người đẹp của Việt Nam và quốc tế chênh nhau đến mức độ nào. Và chừng nào chúng ta còn chưa hiểu được tiêu chí chấm giải quốc tế, chưa nhận thức được chúng ta là ai, đang đứng ở vị trí nào, chừng nào chúng ta chưa có hệ thống đào tạo bài bản chuyên nghiệp thì chừng đó ước mơ Top 3 ở hai cuộc thi danh giá nhất thế giới này vẫn còn là giấc mơ xa vời với Việt Nam!.
* Sau thành công của Lan Khuê tại Hoa hậu Thế giới, Thúy Vân tại Hoa hậu Quốc tế, chiến lược của Elite Việt Nam trong việc tạo dựng “thương hiệu sắc đẹp” Việt là gì?
- Chúng tôi hãnh diện vì mùa đầu tiên đã cho ra những thí sinh được khán giả trong nước cũng như quốc tế ghi nhận, bằng những giải thưởng chính thống từ BTC như giải Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế của Thuý Vân, Top 11 Hoa hậu Thế giới, Giải Nhất trang phục dạ hội, Top 30 Top Model của Lan Khuê. Tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng con đường đi đến chuyên nghiệp thật sự còn rất dài.
Trước mắt chúng tôi vẫn theo hướng kết hợp với các chuyên gia nước ngoài để lên giáo án cho các thí sinh được chọn vào vòng chung kết, nâng cao kỹ năng cho các em sau cuộc thi, đáp ứng đúng tiêu chí của cuộc thi.
Lâu dài chúng tôi mong muốn kết hợp được với các đối tác để có thể có được trung tâm đào tạo sắc đẹp chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng thí sinh cho các cuộc thi.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Quan trọng nhất chúng ta đang quá ảo tưởng và không hề biết chúng ta là ai, thí sinh các nước họ mạnh như thế nào. Tất cả những điều đó dẫn đến kết quả vẫn rất khiêm tốn với Việt Nam”. |
Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa