Tết trọn an vui: Vợ chồng 8x kiếm 70 triệu/tháng, lên kế hoạch chi 60% lương để sắm Tết, quản lý tài chính là bí quyết sống thoải mái
Mức lương cao chưa phải là yếu tố tiên quyết để có một nền tảng tài chính vững vàng. Nhờ biết quản lý tài chính, vợ chồng 8x luôn trong tư thế làm chủ cuộc sống.
Chị Thân Nhung (34 tuổi), hiện đang làm Quản lý kinh doanh tại Manulife Việt Nam. Với mức lương hơn 40 triệu của bản thân và hơn 30 triệu của chồng, hai vợ chồng luôn chủ động xây dựng cách quản lý tài chính khoa học, đảm bảo cuộc sống thoải mái và luôn chủ động trong vấn đề tiền bạc.
Quản lý tài chính - làm chủ cuộc sống
Không có nhiều xung đột quan điểm trong quản lý tài chính, vợ chồng chị Nhung luôn gom thu nhập vào chung một mối. Hai vợ chồng thường lên kế hoạch tài chính theo thời gian trong vòng 1 năm: “Cuối tháng 12 của năm, vợ chồng tôi thường ngồi lại với nhau để đưa ra được mục tiêu cho năm tới. Từ đó, chúng tôi xem mỗi tháng mình cần đạt được thu nhập là bao nhiêu. Đây cũng là 1 ưu điểm khi mình làm kinh doanh, nên việc tạo thu nhập sẽ linh hoạt và theo mục tiêu mình mong muốn”, chị Nhung chia sẻ.
Tài chính của gia đình chị Nhung chia theo 3 phần lớn:
Quỹ chi tiêu cơ bản: Thường là cố định các khoản như các gia đình khác gồm chi phí ăn uống sinh hoạt, giáo dục cho 2 con và 2 vợ chồng, bảo hiểm nhân thọ, làm từ thiện…
Quỹ dành cho tái tạo năng lượng: Chi phí đi chơi cuối tuần cho 2 vợ chồng hoặc cả gia đình, ăn ngoài vào các dịp lễ kỷ niệm
Quỹ mơ ước: Dành cho các mục tiêu ví dụ như mua xe, mua nhà.
Chi tiết bản kế hoạch chi tiêu của gia đình chị Nhung
Chị Nhung cho biết, dù đã rất thận trọng trong việc lên kế hoạch chi tiêu và tạo thói quen chi tiêu khoa học cho bản thân nhưng việc phát sinh những khoản chi không mong muốn luôn là điều khó tránh. Chính vì vậy, một trong những bí quyết đặc biệt của chị là không sử dụng thẻ tín dụng hay ví điện tử như đa số mọi người.
“Tôi không sử dụng thẻ tín dụng, ví điện tử và cũng rất hạn chế việc đặt hàng online để tránh cám dỗ chi tiêu. Tính năng thuận tiện và sự dễ dàng khi mua sắm online rất dễ kích thích nhu cầu mua sắm những vật dụng không cần thiết. Tôi lựa chọn sử dụng tiền mặt vì sẽ trực tiếp nhìn thấy khoản tiền còn lại của mình mà sắp xếp mua sắm một cách ưu tiên, tránh bị cám dỗ”, chị Nhung nói
Chị Nhung cũng khẳng định: “Nếu có kế hoạch cụ thể để quản lý tài chính, chúng ta sẽ biết là bản thân cần đi theo đường nào với quỹ tài chính mà mình đang có. Điều này hạn chế được những chi phí phát sinh không cần thiết. Quản lý tài chính, là công cụ giúp ta nhìn rõ được tương lai, tạo động lực cho công việc, đảm bảo cuộc sống trong mọi tình huống”.
Chuẩn bị tươm tất cho ngày Tết
“Tết luôn là dịp mà người dân Việt Nam coi trọng với quan niệm sau 1 năm làm việc vất vả, đó là dịp tổng kết lại kết quả của năm cũ và khởi đầu năm mới. Gia đình chúng tôi cũng tương tự, với dịp tết sẽ luôn là dịp mình tri ân cha mẹ, thưởng cho bản thân và các con với những nỗ lực của từng thành viên”, chị Nhung chia sẻ.
Với sự trân trọng và đề cao giá trị của ngày Tết cổ truyền, vợ chồng chị Nhung cũng lên kế hoạch chi tiêu và cẩn thận để có được sự chuẩn bị tươm tất nhất. “Với chi tiêu ngày Tết, chúng tôi gói gọn theo nguyên tắc chiếm 60% tiền thưởng tết của cả 2 vợ chồng. Ví dụ như khoản đó rơi vào 40 triệu. Thì mình dành 24 triệu cho kế hoạch chi tiêu cho Tết bao gồm: Biếu ông bà nội ngoại: 4 triệu; Lì xì cho các mối quan hệ khác: 5 triệu; Mua sắm các đồ lễ tết: 10 triệu; 5 triệu còn lại sẽ dùng để mua đồ mới cho 4 thành viên nhà mình”, chị nói.
Do đang sống cùng bố mẹ nên vợ chồng chị Nhung cũng giảm được phần nào các khoản chi đắt đỏ cho việc mua sắm các đồ lễ Tết. Thay vào đó, hai vợ chồng tập trung cho việc báo hiếu cũng như gắn kết các mối quan hệ.
Như vậy, thu nhập cao không hẳn là yếu tố tiên quyết mà sự tỉ mỉ, khoa học trong kế hoạch chi tiêu mới chính là cách giúp gia đình chị Nhung luôn trong tâm thế làm chủ cuộc sống, sẵn sàng trước mọi rủi ro.