Tết trọn an vui: Người đã mạnh tay 'tiêu tiền cũ, đón tiền mới', người còn đang 'đợi thị trường lên' rồi mới dám quyết
Tình hình tài chính mỗi năm mỗi khác khiến cho không ít người đau đầu trong khoản chi tiêu sắm Tết. Có người tích lũy cả năm, giờ thảnh thơi lên dự định "đầu tư mạnh" để cả nhà được nghỉ xả hơi vui vẻ. Trong khi đó, có người lại chỉ dự chi khoảng 15 triệu đồng vì nếu muốn tiêu nhiều hơn, chắc phải… đợi thị trường lên.
Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm hơn mọi năm. Do vậy, vào khoảng thời gian này mọi người đã bắt đầu lên kế hoạch sắm Tết.
Theo Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 được Bộ Công Thương tổ chức vào đầu tháng 12/2022, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm sau đại dịch COVID-19.
Khi kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh không khí hân hoan đón năm mới, nhiều người lại không khỏi lo lắng về giá cả hàng hóa trong thời gian tới đây. Trong cả năm biến động kinh tế vừa qua, nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt. Nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì rất có thể sẽ rơi vào cảnh “làm lụng cả năm, tiêu sạch trong mấy ngày Tết”.
Do đó, để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, mỗi người đều đang âm thầm chuẩn bị cho mùa Tết thật sớm. Ai khấm khá thì mua sắm đủ đầy, ai muốn tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu thì chỉ tập trung vào những mặt hàng cần thiết. Tuy nhiên, có những khoản chi tiêu gần như bắt buộc mà ai cũng cần tính toán cho phù hợp với ngân sách cá nhân.
“Tết ở nhà, giảm chi vì lo ngại giá cả”
Kế hoạch tài chính Tết năm nay của gia đình anh L. (sinh năm 1991, Hà Nội) sẽ không quá nhiều. Năm vừa qua, khoản thu nhập thụ động từ đầu tư chứng khoán đã sụt giảm nghiêm trọng so với những giai đoạn trước. Điều này khiến anh khá quan ngại khi vật giá dịp Tết có thể leo thang.
“Năm trước, khi thị trường nở hoa thì việc đầu tư cũng đạt lợi nhuận tốt. Còn năm nay ‘đói’ rồi, phải giảm tiêu pha thôi”, anh chia sẻ.
Tết Quý Mão tới đây, anh L. chỉ dự định để sẵn khoảng 10 triệu đồng để biếu ông bà nội ngoại và lì xì họ hàng, hàng xóm. Anh gửi thêm 3-5 triệu đồng để ông bà ở nhà sắm Tết trước.
Đến gần cuối năm, hai vợ chồng anh chuẩn bị về quê thì sẽ đặt mua thêm ít giò chả nhà làm, mỗi loại khoảng 1kg. Các loại đồ ăn khác sẽ tự tay gia đình chuẩn bị, đỡ phải mua sắm cho tốn kém.
Hành trình chơi Tết năm nay của gia đình 3 người sẽ được tối giản. “Nghe nói năm nay rét đậm. Vậy cũng tốt, mọi người ở nhà là chính, đỡ phải đi đâu hay tiêu pha gì”, anh L. nói. “Trong trường hợp may mắn, thị trường tiếp tục đi lên vào dịp cuối năm này, giúp các nhà đầu tư ‘chốt lời’ thành công thì may ra mọi chuyện mới khác”.
Tết đến, giá cả tăng cao. Đây là lo ngại chung của rất nhiều người chứ không riêng gì anh L. Song, ngay trong Hội nghị của Bộ Công Thương, báo cáo của các địa phương đã chỉ ra, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.
“Tết trọn vị: Tiền cũ tiêu đi, tiền mới sẽ đến”
Khác với gia đình anh L., chị M.P (sinh năm 1986, Hà Nội) cho biết, mình đang có kế hoạch “đầu tư mạnh tay hơn” để đón Tết 2023. “Tiết kiệm cả năm rồi, giờ muốn một cái Tết đủ đầy hơn cho mọi thành viên đều được xả hơi và tận hưởng. Tiền cũ tiêu đi thì tiền mới sẽ đến”, chị vui vẻ.
“Quà biếu cho bố mẹ, ông bà nội ngoại, phong bao lì xì là những khoản không thể thiếu. Điều gì cũng có thể cắt giảm nhưng riêng các khoản này là không, cả năm mới có một dịp thôi mà.”
Ngoài ra, là người đảm nhận vai trò nội trợ trong gia đình, chị cũng liệt kê các khoản bắt buộc khác như hoa Tết, bánh mứt kẹo để đãi khách, đồ ăn thức uống chuẩn bị cỗ bàn đầu năm, mâm ngũ quả và các loại đồ cúng ngày Tết… “Tổng cộng các khoản có thể vào khoảng 40-50 triệu đồng, chưa kể tới các chi phí vui chơi phát sinh thêm”, chị M.P dự tính.
2 năm trước, do ảnh hưởng bởi Covid-19, thu nhập của cả gia đình đều bị ảnh hưởng khá nhiều. Chồng chị không thể đi công tác ở tỉnh, bản thân chị cũng bị cắt giảm công việc, chỉ nhận được mức lương tối thiểu hàng tháng. Lo ngại về dịch bệnh cũng khiến Tết kém vui, mọi hoạt động mua sắm hay giải trí đều bị hạn chế khá nhiều.
Còn năm 2023, nếu chồng chị có thể sắp xếp được thời gian, chị M.P còn đang ấp ủ một kế hoạch nghỉ dưỡng ngắn ngày nhân dịp nghỉ lễ tận 7 ngày. Đây là một cơ hội tuyệt vời để cả nhà gần lại bên nhau, cùng đón không khí đầu xuân tươi mới.
“Chỉ cần chuẩn bị thêm khoảng 5-6 triệu đồng là có chuyến đi 2 ngày 1 đêm ở đâu đó gần Hà Nội rồi”, chị cho biết.
Cũng giống như chị M.P, nhiều người luôn quan niệm rằng: Một năm mới có một dịp Tết, cần phải tươm tất mọi bề. Sẽ thật buồn nếu thiếu đi những nồi bánh chưng thơm lừng, những cành đào nhành mai khoe sắc thắm, những bộ quần áo mới cho con trẻ, những cuộc du xuân hay tụ họp bên người thân và bạn bè…
Lời kết
Cuối cùng, dù sắm Tết thế nào, kế hoạch chi tiêu nhiều hay ít thì quan trọng nhất vẫn là khoảnh khắc cả gia đình sắp được sum vầy, đoàn tụ đông đủ.
Mùa xuân đang đến rất gần. Những người xa quê đã bắt đầu lên kế hoạch tàu xe đi lại, những phụ huynh bận rộn cũng dần sắp xếp công việc để có thể nghỉ ngơi bên con cái.
Đó mới là những hương vị đặc trưng để Tết trọn an vui, đượm phần ý nghĩa.
Tết Nguyên đán 2023 vào ngày nào Dương lịch?